Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi): Mở rộng diện bao phủ, gia tăng quyền lợi của người dân và NLĐ
23/10/2023 04:10 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 20/10/2023, tại Quảng Ninh, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tham vấn về Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn đã tới dự và phát biểu tại Hội thảo.
Tham dự hội thảo còn có một số Đại biểu Quốc hội; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, Ngành liên quan; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và một số tổ chức trong và ngoài nước.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang đi đúng hướng
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh: Chính sách BHXH đã từng bước khẳng định và phát huy vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ khi họ gặp phải những rủi ro trong cuộc sống. Do đó, phát triển BHXH sẽ là tiền đề và điều kiện để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước. Hội thảo là cơ hội lớn để các đơn vị trong và ngoài nước đưa ra những ý kiến góp ý, đề ra mục tiêu sửa đổi luật nhằm bảo đảm an sinh xã hội của người dân dựa trên quyền con người. Trong đó sửa đổi căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn; Mở rộng, gia tăng quyền, lợi ích để thu hút người lao động tham gia BHXH.
Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan phát biểu khai mạc hội thảo.
Về một số nội dung lớn của dự thảo luật, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan cho biết, Dự thảo Luật đã bám sát 5 chính sách được Quốc hội thông qua, bao gồm: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; Mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; Mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH (lương hưu, BHXH hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội); Bổ sung nội dung quy định quản lý thu, đóng BHXH; Đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, việc sửa Luật BHXH bám vào định hướng chính trị với các nhóm cải cách chính sách BHXH, với mục tiêu xây dựng BHXH Việt Nam đa tầng, hiện đại và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó dự thảo Luật cần bám sát nhóm chính sách đã thể chế như: điều chỉnh tuổi nghỉ hưu; các gói chính sách; giao nhiệm vụ cho các cấp chính quyền. “Việc phát triển, mở rộng BHXH gặp không ít khó khăn vì đây là chính sách gắn chặt với quyền lợi của người dân và người lao động. Thực tế cho thấy chính sách BHXH tới nay bao phủ được 38% lực lượng lao động là sự cố gắng rất lớn, chính vì vậy việc tham gia xây dựng nhằm hoàn thiện Luật BHXH là trách nhiệm lớn của toàn hệ thống chính trị” – Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Lê Hùng Sơn cho rằng, việc lấy ý kiến chuyên gia để sửa đổi dự án Luật BHXH ở thời điểm này là rất quan trọng, trong bối cảnh ngành BHXH đang cần các ý kiến tham vấn của các chuyên gia, kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng Luật BHXH mới.
Về một số nội dung trong quá trình xây dựng Luật BHXH mới, cũng như tổ chức thực hiện nhiệm vụ, BHXH Việt Nam cần ý kiến tư vấn của các chuyên gia như: Việc phát triển đối tượng tham gia BHXH ở Việt Nam gặp khó khăn do mức thu nhập NLĐ còn thấp, việc huy động NLĐ cùng DN làm việc đóng BHXH còn khó khăn.
Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn, BHXH Việt Nam rất cần những ý kiến tham vấn của chuyên gia về lộ trình giảm tuổi nghỉ hưu sẽ tác động thế nào tới NLĐ. Đặc biệt, những năm gần đây, Việt Nam có khoảng 120.000 người hưởng lương hưu nhưng cũng có khoảng 800.000 người hưởng BHXH một lần và đang gặp khó khăn khi thiết kế chính sách. Không thể dùng hạn chế pháp luật mà phải bằng các tham vấn khả thi, thiết kế mức hưởng như thế nào, dự kiến NLĐ có nhu cầu hưởng thì giải quyết cho hưởng phần NLĐ đã đóng và phần DN đóng thì giữ lại quỹ BHXH để sẵn sàng đón lao động quay lại làm việc và có được đóng tiếp BHXH.
Phó Tổng Giám BHXH Việt Nam đốc Lê Hùng Sơn phát biểu tại hội thảo.
Tại hội thảo, đại diện Vụ BHXH (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã nêu khai quát về những nội dung cơ bản của dự thảo Luật BHXH và chủ thuyết, định hướng trong xây dựng hồ sơ Dự án Luật BHXH.
Theo đó, trên cơ sở các chính sách được Quốc hội thông qua, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn bao gồm: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm; về quy định hưởng BHXH 1 lần; bổ sung quy định quản lý thu, đóng BHXH nhằm xử lý tình trạng trốn đóng BHXH; về căn cứ đóng BHXH bắt buộc; sửa đổi các quy định gắn với tiền lương khu vực Nhà nước phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 27-NQ/TW; sửa đổi, bổ sung về đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; về chi phí quản lý BHXH.
Cơ quan soạn thảo đã tuân thủ thủ tục, quy trình xây dựng pháp luật, đã tiến hành lồng ghép vấn đề bình đẳng giới, thể hiện nguyên tắc bình đẳng giới. Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo đánh giá cụ thể hơn đối với từng chính sách để bảo đảm tính khả thi của việc giải quyết vấn đề giới trong dự thảo Luật, đồng thời bổ sung giải trình về việc bảo đảm chính sách dân tộc trong dự án Luật và quy định các nguyên tắc, nội dung liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số về các chính sách BHXH đặc thù.
Theo đại diện Tổ biên tập Dự án Luật BHXH, hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, thời hạn gửi Hồ sơ chưa bảo đảm theo đúng quy định. Báo cáo tổng kết thi hành Luật, Báo cáo đánh giá tác động chính sách, Báo cáo việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến dự án Luật còn chưa đầy đủ, chưa toàn diện, chưa bảo đảm bao quát, đầy đủ, thuyết phục đối với những quy định có liên quan trong dự thảo Luật. Chưa có giải trình, thuyết minh, thông tin dữ liệu liên quan đến các chính sách, nhất là các chính sách mới, quy định phát sinh so với đề xuất xây dựng dự án Luật. Chưa đánh giá cụ thể về số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và phương thức bảo đảm thực hiện cũng như dự kiến nguồn lực mà ngân sách Nhà nước phải bảo đảm để thực hiện chính sách làm cơ sở để Quốc hội xem xét, quyết định. Tờ trình chưa giải trình việc thay đổi bố cục dự thảo Luật. Dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành chưa được rà soát, cập nhật theo dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cũng bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH. Dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng trốn đóng BHXH như: Quy định nộp số tiền tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 6 tháng trở lên; quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng BHXH từ 12 tháng trở lên; cơ quan BHXH kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng BHXH theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, Dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Liên quan vấn đề này, nhiều ý kiến thống nhất cao với định hướng cần có quy định chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp trốn đóng, chậm đóng BHXH bắt buộc; đồng thời đề nghị cần phân biệt rõ hành vi "trốn đóng" và "chậm đóng" BHXH.
Huy động toàn hệ thống chính trị, đảm bảo tốt nhất quyền lợi người dân, NLĐ
Tại hội thảo, đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội thông tin, hiện đang còn nhiều ý kiến khác nhau về nội dung rút BHXH một lần trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Do đó, cơ quan soạn thảo đang lắng nghe, tiếp thu các ý kiến này. Đồng thời việc đảm bảo chính sách BHXH thực sự là giải pháp lâu dài cho NLĐ. Việc rút bao nhiêu, một lần hay nhiều lần thì cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng. Ngoài giải pháp trực tiếp là sửa luật, cần có giải pháp gián tiếp là cơ chế tín dụng, chính sách bảo đảm việc làm ổn định... để đáp ứng yêu cầu, giải quyết bài toán đặt cho cho việc rút BHXH một lần hiện nay. Bên cạnh đó, Ủy ban Xã hội đang tích cực tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học để có căn cứ rõ hơn về vấn đề này.
Chuyên gia ILO phát biểu tham luận.
Hội thảo cũng được Ông Gama, Giám đốc Chương trình An sinh xã hội, Văn phòng ILO tại Việt Nam giới thiệu chuyên đề “Mở rộng diện bao phủ BHXH và Hưu trí đa tầng: Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị, bình luận về chính sách của Việt Nam”. Theo đại diện ILO, dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã có nhiều thay đổi về chế độ BHXH bắt buộc và tự nguyện; trợ cấp hưu trí xã hội; mở rộng bao phủ với người lao động thời vụ, bán thời gian; khuyến khích sự tham gia BHXH tự nguyện của người lao động phi chính thức với việc tăng trợ cấp mức đóng, bổ sung trợ cấp ngắn hạn.
Đáng chú ý là hướng mở rộng phạm vi đối tượng đóng BHXH liên quan đến nhóm đối tượng làm việc theo hợp đồng và nhóm đối tượng ở khu vực phi chính thức. Ngoài ra, một số đề xuất rất tích cực như tăng tỷ lệ bao phủ BHXH tự nguyện đi kèm với các tỷ lệ đồng đóng góp, tức là trợ cấp mức đóng từ phía Chính phủ cũng như tăng thêm các cơ chế trợ cấp ngắn hạn hoặc cơ chế hưu trí xã hội, bằng việc giảm ngưỡng tuổi đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội này…
Dù vậy, đại diện ILO cho rằng, hiện còn nhiều thách thức để đạt mục tiêu bảo phủ chế độ hưu trí đến số đông NLĐ nhất là trong bối cảnh già hóa dân số như hiện nay. Một trong số đó là chúng ta phải chấp nhận tăng chi phí từ Ngân sách nhà nước cho các chương trình. Tuy nhiên, đây là điều cần thiết để có thể mở rộng được độ bao phủ. “Để đạt bao phủ 60% LLLĐ tham gia BHXH và 60% người cao tuổi có lương hưu vào năm 2030, cần có những giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn nữa như nâng cao mức hỗ trợ, tăng cường truyền thông nhằm tạo sự đồng thuận…”- ông Gama nêu rõ.
Một số ý kiến tại hội thảo cũng đồng thuận việc sửa đổi dự thảo Luật BHXH hiện đã và đang bám sát các mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Tuy nhiên, cần có giải pháp, thể hiện bằng những quy định cụ thể trong dự thảo Luật, nhằm thể chế hóa những quan điểm, mục tiêu đề ra trong Nghị quyết số 28, đặc biệt trong việc mở rộng diện bao phủ BHXH theo lộ trình điều chỉnh năm tuổi nghỉ hưu phù hợp với từng thời kỳ.
Toàn cảnh hội thảo.
Đồng thời, cần đưa ra cái nhìn rõ hơn về những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện mục tiêu mở rộng diện bao phủ; làm rõ nguyên tắc chia sẻ, sự kết hợp hài hòa giữa nguyên tắc đóng-hưởng, nhằm phản ánh bản chất và tính hiệu quả của chính sách. Đây là những vấn đề cần được nghiên cứu một cách công phu, khoa học, cùng với việc tiếp thu, học tập kinh nghiệm quốc tế, từng bước hoàn thiện pháp luật BHXH của Việt Nam, đặc biệt là mục tiêu gia tăng độ bao phủ, chất lượng cuộc sống của người về hưu ngày một nâng cao, hướng tới thực hiện mục tiêu BHXH toàn dân…/.
PV
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Tọa đàm, Sinh hoạt ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3
Thăm, chúc Tết gia đình chính sách
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021