Quy định mới về giá dịch vụ khám bệnh Bảo hiểm y tế
07/12/2023 09:57 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Bảo hiểm y tế là loại hình bảo hiểm đặc biệt mang ý nghĩa cộng đồng sâu sắc, là nơi tập trung nguồn lực tài chính từ sự đóng góp của cộng đồng xã hội để chi trả chi phí khám chữa bệnh cho chính những người tham gia. Bảo hiểm y tế cũng là hình thức bảo hiểm để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân không vì mục đích lợi nhuận, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia. Giúp cho những người tham gia khắc phục khó khăn về tài chính khi có rủi ro như: Ốm đau, bệnh tật, tai nạn vì trong quá trình nằm viện điều trị, chi phí tốn kém ảnh hưởng đến kinh tế gia đình. Hiện nay, hầu hết thuốc, dịch vụ kỹ thuật đều được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả khi khám chữa bệnh đúng tuyến. Với mức đóng không cao nhưng khi không may mắc bệnh, kể cả những bệnh hiểm nghèo, phải chi phí lớn, người tham gia bảo hiểm y tế sẽ được khám, chữa bệnh chu đáo, không phân biệt giàu nghèo.
Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh có cuộc phỏng vấn ông Đặng Minh Thông, Phó Giám đốc BHXH tỉnh để giới thiệu, tìm hiểu Thông tư 22/2023/TT-BYT, ngày 17/11/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trong toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong một số trường hợp.
Xin ông cho biết về “Cơ cấu giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế” được quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BYT của Bộ Y tế” lần này như thế nào?
Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc khám bệnh, chữa bệnh, cụ thể như sau:
Các chi phí trực tiếp tính trong mức giá dịch vụ khám bệnh, dịch vụ ngày giường bệnh, dịch vụ kỹ thuật:
Chi phí về quần áo, mũ, khẩu trang, ga, gối, đệm, chiếu, văn phòng phẩm, găng tay, bông, băng, cồn, gạc, nước muối rửa và các vật tư tiêu hao khác phục vụ công tác khám bệnh;
Chi phí về điện; nước; nhiên liệu; xử lý chất thải sinh hoạt, chất thải y tế (rắn, lỏng); giặt, là, hấp, sấy, rửa, tiệt trùng đồ vải, dụng cụ thăm khám; chi phí vệ sinh và bảo đảm vệ sinh môi trường; vật tư, hóa chất khử khuẩn, chống nhiễm khuẩn trong quá trình khám bệnh;
Chi phí duy tu, bảo dưỡng nhà cửa, trang thiết bị, mua sắm thay thế các tài sản, công cụ, dụng cụ như: điều hòa, máy tính, máy in, máy hút ẩm, quạt, bàn, ghế, giường, tủ, đèn chiếu sáng, các bộ dụng cụ, công cụ cần thiết khác trong quá trình khám bệnh.
Chi phí tiền lương tính trong giá dịch vụ khám bệnh, dịch vụ ngày giường bệnh và dịch vụ kỹ thuật, gồm:
Tiền lương ngạch bậc, chức vụ, các khoản phụ cấp, các khoản đóng góp theo chế độ do Nhà nước quy định đối với đơn vị sự nghiệp công lập và mức lương cơ sở quy định tại Nghị định số 24/2023/NĐ-CP ngày 14/5/2023 của Chính phủ;
Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch.
Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thì nguyên tắc áp dụng giá dịch vụ được áp dụng, thực hiện cụ thể ra sao, thưa ông?
Trường hợp các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có ký hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh BHYT thì cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) căn cứ phân hạng Bệnh viện (BV), phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế áp dụng thanh toán tiền công khám bệnh, chữa bệnh và tiền ngày giường theo quy định. Thông tư số 22/2023/TT-BYT chỉ có tiền công khám và tiền ngày giường theo từng hạng Bệnh viện , tiền dịch vụ kỹ thuật (DVKT) thực hiện như nhau.
Công khám bệnh, chữa bệnh BV hạng I và đặc biệt: 42.100 đồng; BV hạng II : 37.500 đồng, BV hạng III: 33.200 đồng, BV IV và Trạm y tế xã: 30.100 đồng. Ngày giường hồi sức cấp cứu: BV hạng đặt biệt: 509.400 đồng , hạng I : 474.400 đồng; hạng II; 359/200 đồng; hạng III: 312.200 đồng; hạng IV: 279.400 đồng
Bên cạnh đó, cơ quan BHXH căn cứ vào một số cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được xếp hạng tương đương: Phòng khám Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh, thành phố không trực thuộc bệnh viện đa khoa tỉnh, thành phố thì áp dụng mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BV hạng II. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa được phân hạng như Phòng khám (PK) quân y, PK quân dân y, bệnh xá quân y, bệnh xá; PK đa khoa, chuyên khoa tư nhân thì áp dụng mức giá của BV hạng IV. Đối với phòng khám đa khoa khu vực; Trạm y tế xã, phường, thị trấn, trạm y tế cơ quan, đơn vị, tổ chức, trường học, trạm y tế kết hợp quân dân y thì giá dịch vụ khám bệnh áp dụng mức giá của trạm y tế xã ( BV hạng IV)
Một nội dung mà bạn đọc rất quan tâm, tìm hiểu đó là việc “Xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể” được quy định như thế nào tại Thông tư số 22, thưa ông?
Việc xác định số lần, mức giá và thanh toán tiền khám bệnh trong một số trường hợp cụ thể: Trường hợp người bệnh đến khám bệnh tại khoa khám bệnh sau đó được chỉ định vào điều trị nội trú theo yêu cầu chuyên môn thì việc thanh toán tiền khám bệnh. Trường hợp không đăng ký khám bệnh tại khoa khám bệnh nhưng đến khám bệnh và vào điều trị nội trú tại các khoa lâm sàng theo yêu cầu chuyên môn thì không thanh toán tiền khám bệnh; Người bệnh đến khám bệnh tại cơ sở KCB đã được khám bệnh, cấp thuốc về điều trị nhưng sau đó có biểu hiện bất thường, đến cơ sở KCB đó để khám lại ngay trong ngày hôm đó và được tiếp tục thăm khám thì lần khám này được coi như là lần khám thứ 02 trở đi trong một ngày. Việc thanh toán thực hiện theo quy định.
Người bệnh đến khám bệnh tại phòng khám đa khoa khu vực sau đó được chuyển lên khám bệnh tại bệnh viện hoặc trung tâm y tế tuyến huyện thì lần khám này được coi là một lần khám bệnh mới; Các cơ sở KCB phải điều phối, bố trí nhân lực, số bàn khám bệnh theo yêu cầu để bảo đảm chất lượng KCB. Đối với các bàn khám khám trên 65 lượt khám/01 ngày BHXH chỉ thanh toán bằng 50% mức giá KCB từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám đó. Trong thời gian tối đa 01 quý, cơ sở KCB vẫn còn có bàn khám bệnh trên 65 lượt/ngày thì BHXH không thanh toán tiền khám bệnh từ lượt khám thứ 66 trở lên của bàn khám bệnh đó.
Thông tư số 22/2023/TT-BYT có quy định việc “Xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”. Vậy quy định này có ảnh hưởng gì đến người bệnh đang điều trị tại các cơ sở ý tế không, thưa ông?
Việc xác định số ngày giường, áp dụng mức giá và thanh toán tiền ngày giường giữa cơ quan Bảo hiểm xã hội và cơ sở khám, chữa bệnh không ảnh hưởng gì đến người bệnh đang điều trị tại các cơ sở y tế. Tiền giường, tiền công khám bệnh, tiền thực hiện DVKT … đều được cơ quan BHXH thanh toán với cơ sở khám, chữa bệnh người bệnh chỉ cùng chi trả 5% hoặc 20% mà thôi
Việc xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh là số ngày điều trị nội trú bằng ngày ra viện trừ (-) ngày vào viện cộng (+) 1 áp dụng đối với các trường hợp: Người bệnh nặng đang điều trị nội trú mà tình trạng bệnh chưa thuyên giảm, tử vong hoặc diễn biến nặng lên nhưng gia đình xin về hoặc chuyển viện lên tuyến trên; Người bệnh đã được điều trị tại tuyến trên qua giai đoạn cấp cứu nhưng vẫn cần tiếp tục điều trị nội trú được chuyển về tuyến dưới hoặc sang cơ sở KCB khác và số ngày điều trị nội trú bằng ngày ra viện trừ (-) ngày vào viện áp dụng đối với các trường hợp còn lại.
Trường hợp người bệnh vào viện và ra viện trong cùng một ngày (hoặc vào viện ngày hôm trước, ra ngày hôm sau) có thời gian điều trị trên 04 giờ đến dưới 24 giờ thì được tính là 01 ngày điều trị. Trường hợp người bệnh vào khoa cấp cứu, không qua khoa khám bệnh, có thời gian cấp cứu, điều trị từ 04 giờ trở xuống (kể cả trường hợp ra viện, vào viện hoặc chuyển viện, tử vong) được thanh toán tiền khám bệnh, tiền thuốc, trang thiết bị y tế và các dịch vụ kỹ thuật, không thanh toán tiền ngày giường bệnh hồi sức cấp cứu; Trường hợp người bệnh vào viện và ra viện có thời gian điều trị từ 04 giờ trở xuống thì được thanh toán tiền KB, tiền thuốc, trang thiết bị y tế và các dịch vụ kỹ thuật mà người bệnh đã sử dụng, không được tính tiền ngày giường bệnh điều trị nội trú.
Đối với các cơ sở KCB tổ chức các khoa theo hình thức liên chuyên khoa: áp dụng mức giá dịch vụ ngày giường bệnh nội khoa mà người bệnh điều trị tương ứng với hạng BV. Trường hợp người bệnh điều trị nhiều bệnh cùng lúc thì áp theo mức giá dịch vụ ngày giường bệnh của khoa điều trị bệnh chính của người bệnh. Chỉ trong trường hợp quá tải, cơ sở KCB mới được kê thêm giường bệnh ngoài số giường kế hoạch được giao để phục vụ người bệnh và được tổng hợp để thanh toán với cơ quan BHXH theo quy định. Trường hợp người bệnh nằm trên băng ca, giường gấp: áp dụng mức bằng 50% giá dịch vụ ngày giường bệnh theo từng loại chuyên khoa quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với một số dịch vụ kỹ thuật đặc thù thì việc áp dụng giá và điều kiện, mức thanh toán được áp dụng theo thứ tự cụ thể nào, thưa ông?
Các dịch vụ kỹ thuật được áp dụng theo thứ tự như sau: Đối với các DVKT cụ thể đã được quy định mức giá tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này áp dụng theo mức giá đã được quy định; Các DVKT chưa được quy định mức giá tại phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này nhưng đã được xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện áp dụng theo mức giá của dịch vụ được Bộ Y tế xếp tương đương về kỹ thuật và chi phí thực hiện; Trường hợp có sự trùng lặp giữa các chuyên khoa khác nhau thì DVKT thực hiện ở chuyên khoa nào sẽ áp dụng mức giá của DVKT ở chuyên khoa đó.
Đối với các DVKT đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt danh mục DVKT nhưng chưa được quy định mức giá; các DVKT đã được chỉ định thực hiện nhưng vì nguyên nhân diễn biến bệnh hoặc thể trạng người bệnh nên không thể tiếp tục thực hiện được kỹ thuật đã chỉ định thì thanh toán theo số lượng thực tế các loại thuốc, vật tư đã sử dụng cho người bệnh và giá mua theo quy định của pháp luật.
Trường hợp thực hiện nhiều can thiệp trong cùng một lần phẫu thuật: thanh toán theo giá của phẫu thuật phức tạp nhất, có mức giá cao nhất, các DVKT khác phát sinh ngoài quy trình kỹ thuật của phẫu thuật nêu trên được thanh toán như sau: Bằng 50% giá của các phẫu thuật phát sinh nếu kỹ thuật đó vẫn do một kíp phẫu thuật thực hiện; bằng 80% giá của các phẫu thuật phát sinh nếu kỹ thuật đó phải thay kíp phẫu thuật khác để thực hiện; Trường hợp thực hiện dịch vụ phát sinh là các thủ thuật thì thanh toán 80% giá của dịch vụ kỹ thuật phát sinh.
Được biết Thông tư số 22/2023/TT-BYT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/11/2023, với trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội tỉnh, là cơ quan tham mưu tổ chức thực hiện Thông tư này thì đơn vị đã chủ trì, phối hợp với Sở Y tế đã có kế hoạch, giải pháp gì để tuyên truyền, phổ biến và triển khai Thông tư trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Thực hiện Công văn số 3908/BHXH-CSYT ngày 22/11/2023 của BHXH Việt Nam về việc triển khai thực hiện Thông tư số 22/2023/TT-BYT. Theo đó, ngày 24/11/2023, BHXH tỉnh Bình Thuận đã ban hành Công văn số 105/BHXH- GĐBHYT gửi BHXH các huyện, thị xã và các cơ sở KCB BHYT trên toàn tỉnh. Đề nghị BHXH các huyện, thị xã phối hợp với các cơ sở KCB BHYT trên địa bàn triển khai thực hiện thanh toán chi phí KCB BHYT theo các quy định của Thông tư số 22/2023/TT-BYT.
BHXH tỉnh cũng đã tăng cường tuyên truyền đăng trên Cổng Thông tin điện tử của cơ quan, Zalo OA, fanpage BHXH tỉnh; phối hợp với Báo Bình Thuận đăng tải những bài viết có nội dung về thực hiện Thông tư số 22/2023/TT- BYT. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế tuyên truyền, phổ biến và triển khai Thông tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Xin cảm ơn Ông.
MT
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Tọa đàm, Sinh hoạt ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3
Thăm, chúc Tết gia đình chính sách
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021