Quy định mới về chức năng, nhiệm vụ của Thanh tra BHXH Việt Nam

15/01/2024 01:57 PM


Ngày 11/1/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo đó, Nghị định đã quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra BHXH Việt Nam. Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/3/2024.

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, Ban Cơ yếu Chính phủ, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục và tương đương thuộc Bộ; Thanh tra Cơ yếu, Chánh Thanh tra Cơ yếu; Thanh tra BHXH Việt Nam, Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam; Thanh tra Sở, Chánh Thanh tra Sở; Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành, thành viên Đoàn Thanh tra chuyên ngành; đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan. Đáng chú ý, tại Mục 2, Chương 2 của Nghị định đã quy định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức, hoạt động… của Thanh tra BHXH Việt Nam.

Vị trí, chức năng của Thanh tra BHXH Việt Nam

Điều 10 của Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định rõ vị trí, chức năng của Thanh tra BHXH Việt Nam. Theo đó, Thanh tra BHXH Việt Nam là cơ quan của BHXH Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của Luật BHXH và luật chuyên ngành khác, bảo đảm không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan khác có thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; thực hiện nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Thanh tra BHXH Việt Nam chịu sự chỉ đạo, điều hành của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam và chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác thanh tra của Thanh tra Chính phủ.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra BHXH Việt Nam

Điều 11 của Nghị định quy định, Thanh tra BHXH Việt Nam có nhiệm vụ, quyền hạn: Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra của BHXH Việt Nam; hướng dẫn BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là BHXH tỉnh) xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra để tổng hợp và trình Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam ban hành.

Tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra của BHXH Việt Nam; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra của BHXH tỉnh; thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật; thanh tra vụ việc khác khi được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao; thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Giám đốc BHXH tỉnh nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra BHXH Việt Nam, quyết định xử lý về thanh tra của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam; kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của kết luận thanh tra của Giám đốc BHXH tỉnh và quyết định xử lý về thanh tra của Giám đốc BHXH tỉnh đối với vụ việc do Thanh tra BHXH Việt Nam kết luận khi cần thiết; chỉ đạo công tác thanh tra, hướng dẫn nghiệp vụ thanh tra đối với BHXH tỉnh; tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.

Đồng thời, Thanh tra BHXH Việt Nam có nhiệm vụ giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật và giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam

Điều 12 của Nghị định cũng quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam. Theo đó, Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra trong phạm vi quản lý của BHXH Việt Nam; lãnh đạo Thanh tra BHXH Việt Nam thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật Thanh tra, Nghị định số 43/2023/NĐ-CP, Nghị định này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật; đề nghị Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố tiến hành thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trường hợp Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố không thực hiện thì ra quyết định thanh tra hoặc báo cáo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xem xét, quyết định.

Quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Giám đốc BHXH tỉnh, thành phố nhưng phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Xử phạt vi phạm hành chính hoặc kiến nghị người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Yêu cầu Giám đốc BHXH tỉnh xem xét, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm thuộc phạm vi quản lý do Thanh tra BHXH Việt Nam phát hiện qua thanh tra. Xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra của các cơ quan BHXH tỉnh theo quy định tại Điều 31 của Nghị định này.

Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra.

Kiến nghị Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xem xét trách nhiệm, xử lý người thuộc quyền quản lý của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; yêu cầu, kiến nghị người có thẩm quyền xem xét trách nhiệm, xử lý cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Kiến nghị Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giải quyết vấn đề liên quan đến công tác thanh tra.

Quy định về tổ chức, hoạt động của Thanh tra BHXH Việt Nam

Điều 13 của Nghị định quy định rõ về tổ chức và hoạt động của Thanh tra BHXH Việt Nam. Theo đó, Thanh tra BHXH Việt Nam có Chánh Thanh tra, Phó Chánh Thanh tra, Thanh tra viên và viên chức.

Chánh Thanh tra BHXH Việt Nam do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức, bố trí, phân công công tác, biệt phái sau khi tham khảo ý kiến của Tổng Thanh tra Chính phủ. Tổ chức của Thanh tra BHXH Việt Nam được thực hiện theo quy định của pháp luật về tổ chức và quy định khác của pháp luật có liên quan. Hoạt động thanh tra của Thanh tra BHXH Việt Nam được thực hiện theo quy định của Luật Thanh tra 2022, Nghị định 43/2023/NĐ-CP, Nghị định 03/2024/NĐ-CP và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Việc xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, thời hạn thanh tra, gia hạn thời hạn thanh tra, thời hạn thanh tra lại, tiêu chuẩn Trưởng đoàn Thanh tra, thời gian xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, thời gian xây dựng dự thảo kết luận thanh tra của Thanh tra BHXH Việt Nam được áp dụng như quy định đối với Thanh tra Bộ. Thanh tra BHXH Việt Nam có con dấu và tài khoản riêng.

Đáng chú ý, Nghị định cũng quy định BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Theo đó, khi thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, BHXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhiệm vụ xây dựng kế hoạch thanh tra gửi Thanh tra BHXH Việt Nam để tổng hợp vào kế hoạch thanh tra của BHXH Việt Nam và tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra của mình; thanh tra những vụ việc khác do Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao.

Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành có nhiệm vụ, quyền hạn lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra công tác thanh tra chuyên ngành được giao. Quyết định thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc theo yêu cầu của người có thẩm quyền; phân công công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Kiến nghị người có thẩm quyền xử lý việc chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật phát hiện qua thanh tra. Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật…

Hà Thủy

  • Lượt truy cập: 2641402
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 2249
  • Đang trực tuyến: 2