Bình Thuận: Tăng cường công tác lãnh đạo thực hiện Bảo hiểm y tế toàn dân

30/01/2024 03:50 PM


Sau hơn 15 năm triển khai thực hiện, Luật bảo hiểm y tế (BHYT) đã thực sự đi vào đời sống và đạt được nhiều kết quả nhất định, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, một trong những chính sách an sinh xã hội, nhân đạo, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta. Công tác quản lý Nhà nước về BHYT ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền về BHYT đã đi vào chiều sâu, đổi mới về hình thức và đã huy động được sự tham gia vào cuộc của cả cộng đồng.

Tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Bình Thuận đã có 1.141.761 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 92,28% dân số. Quyền lợi của người tham gia BHYT được đảm bảo theo đúng quy định, dịch vụ kỹ thuật ngày càng mở rộng theo sự phát triển của tiến bộ khoa học kỹ thuật trong y tế; công tác tổ chức khám, chữa bệnh (KCB) và thanh toán chi phí KCB BHYT được cải thiện đáng kể về quy trình, thủ tục trong KCB. Việc thông tuyến KCB tại trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám đa khoa khu vực, bệnh viện tuyến huyện trong toàn tỉnh và  thông tuyến điều trị nội trú tuyến tỉnh trên phạm vi toàn quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT trong việc KCB BHYT.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện chính sách BHYT vẫn còn không ít khó khăn, thách thức. Việc phát triển người tham gia BHYT còn chậm, tính tuân thủ pháp luật về BHYT chưa cao, ngoài những đối tượng được ngân sách Nhà nước bảo đảm, tỷ lệ tham gia BHYT của người lao động trong các doanh nghiệp, hộ gia đình, học sinh sinh viên … vẫn còn thấp.  Công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động thực hiện chính sách BHYT chưa toàn diện nên hiệu quả chưa cao, vẫn còn tình trạng trốn đóng, nợ đóng BHYT của các doanh nghiệp. Sự phối hợp liên ngành trong tổ chức thực hiện chính sách BHYT ở một số địa phương chưa chặt chẽ…

Để tiến tới BHYT toàn dân trên địa bàn tỉnh, cần xác định rõ vai trò và trách nhiệm các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể trong thực hiện chính sách BHYT. Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị xã, thành phố đưa mục tiêu, kế hoạch thực hiện lộ trình BHYT toàn dân vào các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của điạ phương, thực hiện nghiêm tiêu chí phát triển BHYT trong chương trình phát triển nông thôn mới. Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về BHYT và củng cố hệ thống tổ chức thực hiện BHYT thông qua việc nghiên cứu, hoàn thiện mô hình quản lý, tổ chức thực hiện BHYT đảm bảo hiệu lực, hiệu quả và chất lượng phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của tỉnh nhà. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng một hệ thống báo cáo thống kê, hoàn chỉnh thống nhất trên toàn tỉnh.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chính sách BHYT, đổi mới nội dung với nhiều hình thức đa dạng, phong phú để nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của chính sách BHYT cũng như nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc tham gia BHYT. Công tác tuyên truyền sẽ được phân công cụ thể cho các ban, ngành liên quan đến các nhóm đối tượng. Nâng cao chất lượng và đáp ứng nhu cầu KCB BHYT, thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng KCB với việc đầu tư, mở rộng mạng lưới y tế tuyến cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ và đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Bảo đảm nguồn Ngân sách Nhà nước đóng BHYT cho người nghèo, người cận nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi, người trên 80 tuổi và các đối tượng chính sách khác đồng thời tăng mức hỗ trợ đóng BHYT cho hộ gia đình làm nông, lâm, ngư và diêm nghiệp có mức sống trung bình. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách BHYT của cơ quan quản lý Nhà nước các cấp đặc biệt là vai trò của UBND các huyện, thị xã, thành phố trong việc chỉ đạo thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn./.  

Phương Danh

  • Lượt truy cập: 2637609
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 2954
  • Đang trực tuyến: 880