Nỗ lực mở rộng diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN
15/02/2024 09:00 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Dù còn gặp nhiều khó khăn do suy thoái kinh tế đã ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT, nhất là công tác phát triển người tham gia vào hệ thống BHXH. Song với sự quyết tâm, nỗ lực, toàn ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu. Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu đã có những chia sẻ về công tác phát triển người tham gia vào hệ thống BHXH trong năm 2023 vừa qua.
PV: Trong bối cảnh “hậu Covid-19” cũng như những suy thoái kinh tế đã tác động tiêu cực đến mọi mặt đời sống xã hội, ảnh hưởng lớn đến việc làm, thu nhập của NLĐ cũng như hoạt động của người SDLĐ. Song vượt qua những thách thức, ngành BHXH đã quyết tâm và đạt được những kết quả đáng khích lệ, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Xin Phó Tổng Giám đốc chia sẻ những kết quả mà ngành BHXH Việt Nam đã đạt được trong năm 2023?
-Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu:
Phải nói rằng, năm 2023 tình hình sản xuất kinh doanh của các danh nghiệp gặp nhiều khó khăn do giá nguyên liệu, chi phí kho bãi, cước vận chuyển tăng cao, số đơn đặt hàng giảm sút… dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải chấm dứt HĐLĐ nhằm cắt giảm chi phí; nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động có xu hướng tăng. NLĐ do gặp khó khăn về thu nhập, đời sống nên nhiều trường hợp đã rút BHXH một lần để trang trải cuộc sống…
Tuy vậy, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành BHXH Việt Nam để tiến tới mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân mà Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã đề ra. Chính vì vậy, chúng ta đã vững vàng trước khó khăn để triển khai các giải pháp phát triển, vận động nhân dân tham gia, đặc biệt, chúng ta đã tập trung vào các giải pháp mang tính căn cơ. Cụ thể, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố rà soát, đánh giá tình hình biến động tăng, giảm lao động và dự kiến nhu cầu sử dụng lao động năm 2023 trên địa bàn để xây dựng kịch bản chỉ đạo, điều hành công tác thu, phát triển người tham gia năm 2023; chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương; kiện toàn nâng cao hiệu quả hoạt động của BCĐ thực hiện chính sách BHXH, BHYT từ cấp tỉnh đến cấp xã, đặc biệt là thành viên BCĐ có cán bộ, công chức văn hóa- xã hội và giao chỉ tiêu vận động phát triển người tham gia đến cấp xã, thôn; đề xuất ngân sách địa phương hỗ trợ thêm mức đóng cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; đẩy mạnh rà soát dữ liệu người chưa tham gia trên cơ sở dữ liệu cơ quan thuế cung cấp, xây dựng kế hoạch theo tuần, tháng, quý để đôn đốc doanh nghiệp tham gia đầy đủ; cập nhật, phân loại người tiềm năng chưa tham gia BHXH, BHYT theo từng địa bàn cấp xã, phối hợp với các tổ chức dịch vụ thu tổ chức hội nghị khách hàng để vận động, phát triển người tham gia; phân công cán bộ bám sát, đôn đốc đơn vị, doanh nghiệp nộp đủ số tiền phát sinh trong tháng và số tiền chậm đóng tháng trước; triển khai tổ chức linh hoạt hình thức kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng đối với doanh nghiệp chưa tham gia, tham gia không đầy đủ; kiên quyết xử phạt các hành vi vi phạm; kịp thời lập hồ sơ khởi tố đối với doanh nghiệp cố tình vi phạm; kịp thời xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ tại địa phương…
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu.
Với những giải pháp đồng bộ, từ chính sách, cơ chế đến quá trình triển khai thực hiện nên đến hết năm 2023, cả nước có trên 18,2 triệu người tham gia BHXH, đạt 39,25% lực lượng lao động trong độ tuổi; gần 14,7 triệu người tham gia BH thất nghiệp và đạt 31,58% lực lượng lao động trong độ tuổi; trên 93,3 triệu người tham gia BHYT và đạt 93,35% dân số tham gia BHYT. Cùng với đó, số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tăng và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Đến hết năm 2023, toàn ngành đã thu được 472.381 tỷ đồng, đạt 101,41% dự toán giao.
PV: Thưa Phó Tổng Giám đốc, công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT luôn gắn liền với quá trình thanh, kiểm tra nhằm phát hiện, chấn chỉnh và hướng dẫn đơn vị thực hiện tốt hơn chính sách. Năm qua, chúng ta đã đạt được kết quả gì trong thực hiện công tác thanh kiểm tra?
Trong năm qua, toàn ngành chúng ta chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong hoạt động thanh tra kiểm tra. Chúng ta không chỉ phối hợp, tham gia các đoàn thanh tra liên ngành về việc chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp mà còn ban hành, triển khai trong toàn ngành kế hoạch thanh tra chuyên ngành, kiểm tra và thanh kiểm tra liên ngành năm 2023. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn BHXH các tỉnh xây dựng, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch thanh tra kiểm tra năm 2023; chú trọng thanh tra chuyên ngành đóng đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT; chủ động rà soát, phân tích dữ liệu trên các phần mềm nghiệp vụ, dữ liệu cơ quan thuế cung cấp để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác thanh tra kiểm tra; kiên quyết xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm thì lập hồ sơ khởi tố theo quy định. Qua đó, đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi tiền chậm đóng; đồng thời có tác dụng răn đe, phòng ngừa hành vi vi phạm của các chủ SDLĐ, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ.
BHXH Việt Nam đã triển khai thực hiện thanh tra, kiểm tra theo phương pháp truyền thống kết hợp với “xử lý dữ liệu điện tử” bằng việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong hoạt động thanh tra kiểm tra. Với lợi thế có hệ thống dữ liệu lớn, xây dựng và thường xuyên hoàn thiện, bổ sung các bộ tiêu chí nhận diện rủi ro, từ đó xác định trọng tâm, trọng điểm thông qua việc sàng lọc, nhận diện dấu hiệu cảnh báo, chọn mẫu từ dữ liệu có sẵn để tiến hành thanh tra, kiểm tra với phạm vi rộng, thanh tra, kiểm tra theo phương thức điện tử. Do đó, công tác thanh tra kiểm tra đã rút ngắn thời gian, kinh phí, nhân lực, giảm thời gian làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Năm 2023, ngành BHXH Việt Nam đã thực hiện thanh tra, kiểm tra tại 22.584 đơn vị, trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch tại 17.774 đơn vị (đạt 109,33% so với kế hoạch giao), thanh tra, kiểm tra đột xuất tại 4.810 đơn vị. Cụ thể: Tổng số tiền các đơn vị bị thanh tra, kiểm tra chậm đóng trước khi có quyết định thanh tra, kiểm tra là 2.321,6 tỷ đồng, số đã khắc phục, nộp tiền chậm đóng ngay sau khi kiểm tra là 1.324,4 tỷ đồng (bằng 57,05%); Phát hiện 54.889 trường hợp sai phạm về đối tượng, mức đóng với số tiền truy thu 192,5 tỷ đồng; Yêu cầu thu hồi về quỹ BHXH, BHTN, BHYT tổng số tiền 123,8 tỷ đồng do hưởng chế độ không đúng quy định.
PV: Trước những khó khăn, thách thức sẽ gặp phải trong năm 2024, chúng ta triển khai giải pháp gì để thực hiện tốt hơn nữa công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp?
Dự kiến, trong năm 2024 việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BH thất nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn về cơ chế chính sách cũng như quá trình tổ chức thực hiện. Theo đó, đối với BHXH bắt buộc, một số nhóm NLĐ có nhiều tiềm năng để tham gia BHXH bắt buộc, nhưng lại không thuộc người tham gia (người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành HTX không hưởng tiền lương; chủ hộ kinh doanh cá thể; NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt…); khởi kiện của tổ chức công đoàn chưa thực hiện được, xử lý hình sự tội trốn đóng chưa thực hiện được vụ việc nào; chưa có quy định của pháp luật về ủy thác/ủy nhiệm/ủy quyền thu BHXH bắt buộc… Ý thức chấp hành pháp luật của một số doanh nghiệp, đơn vị nhỏ, siêu nhỏ chưa cao, còn cố tình trốn đóng BHXH cho NLĐ; chia sẻ, cung cấp thông tin về tình hình sử dụng lao động của cơ quan quản lý nhà nước về lao động cho cơ quan BHXH tại các địa phương hầu hết chưa thực hiện được; ảnh hưởng tiêu cực, nặng nề của đại dịch Covid-19 dẫn đến tình hình sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.
Về BHXH tự nguyện, mức hỗ trợ từ NSNN cho người tham gia còn thấp, thiếu linh hoạt; thời gian đóng BHXH để đủ điều kiện hưởng lương hưu còn dài; năm 2022 mức chuẩn nghèo khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1.500.000 đồng, do đó mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất tăng từ 154.000 đồng/tháng lên 330.000 đồng/tháng, dẫn đến nhiều người khó khăn không tiếp tục tham gia và nhiều người dân không thể tham gia BHXH tự nguyện; Thu nhập của người dân còn thấp, không ổn định; công tác tuyên truyền, vận động đã được tăng cường, nhưng vẫn chưa được sâu rộng.
Về BHYT, chưa có chính sách hỗ trợ một số nhóm người thoát ly khỏi danh sách được NSNN đóng, hỗ trợ mức đóng (người dân thoát khỏi huyện nghèo, xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hai đảo; người đồng bào DTTS thoát khỏi các xã khó khăn, đặc biệt khó khăn; người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo thoát nghèo); mức hỗ trợ từ NSNN cho người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình còn thấp. Người tham gia BHYT theo hộ gia đình có thu nhập thấp, không ổn định, nhiều trường hợp chỉ khi ốm đau, tai nạn mới tham gia BHYT.
Năm 2024, tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 42,7%; tham gia BH thất nghiệp khoảng 34,18% và tham gia BHYT khoảng 94,11%. Chính vì vậy, trong năm 2024 toàn Ngành phải bám sát chủ trương, đường lối, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, kịp thời cụ thể hóa thành các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, chương trình, kế hoạch công tác để triển khai trong toàn Ngành; Chủ động nắm bắt, đánh giá những vướng mắc trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật cho phù hợp; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành cấp ủy chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị- xã hội trong thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT; đổi mới hơn nữa nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, đúng trọng tâm, trọng điểm; bảo đảm người dân có thể tiếp cận tốt nhất mọi thông tin về chính sách BHXH, BHYT; tiếp tục chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT; tăng cường công tác thanh tra kiểm tra đột xuất; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm…
PV: Trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
PV
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Tọa đàm, Sinh hoạt ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3
Thăm, chúc Tết gia đình chính sách
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021