Thúc đẩy 5 nhóm vấn đề để triển khai Đề án 06 của Chính phủ trong năm 2024

27/02/2024 03:15 PM


Chiều ngày 20/02/2024, tại Hà Nội, Đại tướng Tô Lâm, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã chủ trì cuộc họp Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ tháng 02/2024.

Tham dự cuộc họp có Thượng tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực và các thành viên Tổ công tác triển khai Đề án 06 là đại diện các bộ, ngành có liên quan; lãnh đạo một số đơn vị chức năng thuộc Bộ Công an...

Bộ trưởng Tô Lâm, Tổ trưởng Tổ công tác phát biểu tại cuộc họp

Báo cáo tại cuộc họp nêu rõ, trong tháng 2/2024, việc thực hiện triển khai Đề án 06 tiếp tục đạt được những kết quả quan trọng. Nổi bât, Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án 06 tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo; Phối hợp với Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam tổ chức 9.713 điểm bưu điện cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn cho 23.042 lượt người dân thực hiện với 16.486 hồ sơ trực tuyến; hoàn thiện giải pháp kỹ thuật, triển khai sản phẩm đánh giá khả tín khách hàng vay với 05 ngân hàng; công bố 8 tiện ích trên VneID.

Về triển khai chi trả an sinh xã hội,  Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp với Bộ Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đôn đốc các địa phương triển khai chi trả an sinh xã hội dưới hình thức không dùng tiền mặt. Theo đó, đã tạo tài khoản cho 1.590.928 người (tăng 134.076 người so với tháng 01/2024), chi trả qua tài khoản cho 832.665 người (tăng 246.690 người so với tháng 01/2024); tổng số tiền chi trả trên 2,6 nghìn tỷ đồng (tăng hơn 862 tỷ đồng so với tháng 01/2024).

Về phát triển công dân số, đến nay, đã thu nhận 73,8 triệu hồ sơ tài khoản định danh điện tử (tăng 700 nghìn tài khoản so với tháng 01/2024); đã kích hoạt trên 52,7 triệu tài khoản (chiếm 71,4% tổng số hồ sơ thu nhận). Tổng số lượt sử dụng VNeID trung bình/ngày của 05 thành phố trực thuộc trung ương là: 354.248 lượt, trong đó: 329.070 lượt sử dụng trên app (chiếm 92,89%) và 25.178 lượt sử dụng VNeID để đăng nhập vào cổng dịch vụ công (chiếm 7,11%). Nổi bật là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với lần lượt 124.424 và 140.462 lượt sử dụng.

Tại cuộc họp, dưới sự điều hành của Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, các đại biểu, thành viên của Tổ công tác đã thảo luận, đánh giá tồn tại và đưa ra giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm triển khai thực hiện Đề án 06 đạt hiệu quả tốt hơn nữa trong thời gian tới với các nội dung như: tập trung đánh giá về công tác kiểm soát thủ tục hành chính, dịch vụ công toàn trình, một phần; đánh giá lộ trình đơn giản hóa thủ tục hành chính, số hóa hộ tịch, dữ liệu liên quan;  triển khai chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt, xây dựng Sổ sức khỏe điện tử, kho dữ liệu Hồ sơ sức khỏe điện tử; triển khai các biện pháp thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 18 của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống thất thu thuế; số hóa dữ liệu nhà ở và giải pháp đánh số nhà theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang; …

Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận và biểu dương những kết quả mà Tổ công tác đề án 06 đã đạt được trong thời gian qua, đồng thời đề nghị các bộ, ngành, thành viên Tổ công tác tiếp tục bám sát nội dung Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 11/02/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại các bộ, ngành, địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, cần xác định, trong năm 2024 sẽ thúc đẩy 5 nhóm vấn đề để triển khai Đề án 06 có hiệu quả, đó là: (1)Đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công toàn trình; dịch vụ công liên thông; (2)Số hoá và tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa, tạo lập dữ liệu dùng chung; (3)Thúc đẩy thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg, ngày 30/5/2023 của Chính phủ về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ. (4)Đẩy mạnh quản lý số nhà, đánh số và gắn biển số nhà; (5)Định danh doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể - Quản lý người lao động và thị trường lao động trên VneID.

Về dịch vụ công trực tuyến, để hoàn thành, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đối với 13/53 dịch vụ công thiết yếu trong tháng 4/2024, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Công an làm việc, đôn đốc 08 đơn vị: Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp, Liên đoàn thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tập đoàn điện lực Việt Nam, Bộ Tài chính.

Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các bộ, địa phương, cơ quan liên quan hướng dẫn chuẩn hóa dữ liệu khoản thu (phí, lệ phí, viện phí, học phí…), việc đối soát và hoàn tiền trực tuyến các khoản thu nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công đã nộp vào ngân sách nhà nước (hoàn thành trong tháng 3/2024).

Quang cảnh cuộc họp

Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND các địa phương chỉ đạo đưa vào sử dụng ngay với các dữ liệu đất đai, dữ liệu hộ tịch đã được số hóa, làm sạch với cơ sở dữ liệu dân cư để cắt giảm các thủ tục hành chính cho người dân. Các bộ, ngành khẩn trương tích hợp sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập cổng dịch vụ công và làm sạch dữ liệu tài khoản trên cổng dịch vụ công, chậm nhất đến 1/7/2024 theo Nghị định 59/NĐ-CP.

Về nhóm phát triển kinh tế, xã hội, phát triển công dân số, kết nối, chia sẻ, tạo lập dữ liệu dùng chung, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị: Ngân hàng nhà nước Việt Nam phối hợp với Bộ Công an chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu ứng dụng giải pháp chấm điểm khả tín trong hoạt động cho vay, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động tín dụng đen, bảo đảm các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân; Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp Bộ Công an triển khai thí điểm giải pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNEID tại tỉnh Thừa Thiên Huế trước khi nhân rộng toàn quốc; Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội tiếp tục phối hợp Ngân hàng nhà nước Việt Nam, Bộ Công an và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai chi trả qua tài khoản cho 100% các đối tượng hưởng chính sách an sinh xã hội từ ngân sách nhà nước, thực hiện thường xuyên, bảo đảm chính xác, nhanh chóng, tiện lợi, kịp thời...

Đối với vấn đề tích hợp các giấy tờ trên VneID, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bảo hiểm xã hội Việt Nam đảm bảo ổn định, không giới hạn các dịch vụ tích hợp thông tin về Bảo hiểm y tế, lịch sử khám chữa bệnh, quá trình đóng bảo hiểm xã hội. Bộ Thông tin và Truyền thông đảm bảo thông suốt đường truyền, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Hệ thống định danh, xác thực điện tử với BHXH Việt Nam và các bộ, ngành, đơn vị khác.

Về việc triển khai giải pháp quản lý đánh số nhà, đánh số và gắn biển số nhà, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị: Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam khẩn trương hoàn thành Hướng dẫn các địa phương thực hiện thu thập, cung cấp thông tin địa chỉ, dữ liệu định danh vị trí nhà ở, công trình xây dựng tại đô thị và điểm dân cư nông thôn gắn với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số; Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, xây dựng, ban hành tiêu chuẩn về địa chỉ số quốc gia để xây dựng địa chỉ số quốc gia. Bộ Công an sẽ phối hợp nghiên cứu, đề xuất tổ chức triển khai giải pháp xây dựng dữ liệu địa chỉ quốc gia trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng VNeID...

PV

  • Lượt truy cập: 2633709
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 1333
  • Đang trực tuyến: 1798