Một số phương pháp đơn giản giúp người dùng bảo mật dữ liệu

02/05/2024 02:22 PM


Khi khối lượng và sự đa dạng của dữ liệu có thể được thu thập, thì việc lưu trữ và phân tích đã tăng vọt trong hơn một thập kỷ qua. Cùng với đó, những vấn đề về bảo mật ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dùng.

Người dùng với tư cách cá nhân sử dụng và xử lý dữ liệu của bản thân và của người khác thường có ít biện pháp bảo vệ hơn. Bài viết này sẽ giới thiệu một số quy tắc cơ bản mà người dùng cần lưu ý, để luôn cập nhật được các phương pháp tốt nhất và nâng cao hiểu biết về các mối đe dọa mà người dùng có thể gặp phải. Nắm chắc những điều này sẽ giúp giảm thiểu khả năng trở thành nạn nhân của các vụ vi phạm dữ liệu.

Quản lý xác thực và mật khẩu tốt

Nhiều người cho rằng đã qua lâu rồi cái thời mà người ta thường sử dụng những từ hay cụm từ đơn giản như tên, ngày sinh, thậm chí là từ “password” để đặt làm mật khẩu. Tuy nhiên, trên thực tế, hiện nay, mật khẩu được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới vào năm 2022 vẫn là "password", đứng thứ hai trong danh sách là dãy số “123456”.

Với thực tế này, không còn ngạc nhiên khi có đến 81% các vụ vi phạm dữ liệu của các công ty là do sử dụng mật khẩu kém an toàn. Đây là lý do tại sao việc hiểu rõ và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc khi quản lý, sử dụng mật khẩu và các phương pháp xác thực khác là một bước cơ bản quan trọng nhất mà người dùng nên thực hiện để đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân.

Một số quy tắc cơ bản về việc quản lý mật khẩu bao gồm:

Sử dụng mật khẩu mạnh: Mật khẩu nên có ít nhất 12 ký tự, 16 ký tự càng tốt và nên bao gồm các chữ cái, số và ký tự đặc biệt xáo trộn với nhau. Mật khẩu cần tránh các từ có trong từ điển càng nhiều càng tốt. Mặc dù chúng là duy nhất và không ai có thể đoán được, nhưng chúng vẫn cần phải dễ nhớ và có liên quan đối với người dùng.

Tránh sử dụng lại mật khẩu: Đặc biệt đối với các tài khoản khác nhau thì nên có những mật khẩu khác nhau, nhằm tránh tình trạng tin tặc truy cập vào một tài khoản, chúng có thể sẽ thử và sử dụng cùng một mật khẩu để truy cập vào tài khoản khác của người dùng đó.

Không chia sẻ mật khẩu với bất kỳ ai: Vì vẫn có khả năng họ sẽ ghi mật khẩu đó vào nơi mà người khác có thể tìm thấy.

Sử dụng trình quản lý mật khẩu: Những công cụ này giúp đơn giản hóa quy trình tạo mật khẩu an toàn cho bất kỳ số lượng dịch vụ nào. Mặc dù thực tế là một số dịch vụ đã bị tấn công thành công, nhưng các chuyên gia bảo mật vẫn khuyên người dùng nên sử dụng vì những lợi ích bảo mật mà chúng mang lại. Mọi hệ thống đều có khả năng bị tấn công và điều này thường xảy ra do mật khẩu không an toàn. Trình quản lý mật khẩu buộc người dùng ngừng sử dụng các mật khẩu không an toàn một cách hiệu quả, nên nguy cơ tin tặc giành được quyền truy cập vào bất kỳ tài khoản nào của người dùng, bao gồm cả trình quản lý mật khẩu cũng sẽ giảm đi đáng kể.

Sử dụng xác thực hai yếu tố: Đây là yếu tố quan trọng nhất, bởi vì xác thực hai yếu tố sẽ ngăn chặn thành công tới 99,9% nỗ lực giành quyền truy cập trái phép.

Luôn cập nhật phiên bản mới cho các phần mềm

Việc trì hoãn hoặc từ chối những đề nghị tải xuống các bản cập nhật phần mềm có thể tạo điều kiện cho tin tặc khai thác những lỗ hổng một cách dễ dàng hơn. Vì các phần mềm, hệ điều hành và các cài đặt khác không cập nhật và lỗi thời sẽ cung cấp một số lựa chọn để có thể tấn công dễ dàng.

Ngày nay, nhiều thiết bị và ứng dụng cung cấp các tính năng cập nhật tự động, do đó tốt nhất là người dùng nên bật chế độ tự động cập nhật này. Tuy nhiên, các bản cập nhật hệ điều hành có thể khiến thiết bị không sử dụng được trong một khoảng thời gian từ vài phút đến vài giờ và thông thường phải được khởi động lại thủ công sau khi quá trình tải xuống hoàn tất.

Các hệ thống và ứng dụng đặc biệt quan trọng mà người dùng cần đảm bảo chạy phiên bản cập nhật mới nhất bao gồm:

Hệ điều hành: các bản cập nhật thường bao gồm các bản sửa lỗi bảo mật cần thiết.

Các bản cập nhật chương trình cơ sở: Những bản cập nhật này ảnh hưởng đến các phần cứng thiết bị tự chạy. Đây là một nguyên nhân đặc biệt gây lo ngại với các thiết bị kết nối Internet vạn vật không chứa nhiều dữ liệu có giá trị (như thiết bị gia dụng thông minh) nhưng có thể được sử dụng để có quyền truy cập vào các thiết bị khác.

Trình duyệt web: Đây thường là tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại các mối đe dọa được khởi chạy từ các trang web độc hại.

Chống virus và chống phần mềm độc hại: Cần đảm bảo được cập nhật thường xuyên để có thể ngăn chặn được các mối đe dọa mới nhất.

Đọc và hiểu về chính sách bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư

Thực tế có rất ít người dùng bỏ thời gian để đọc tất cả các quy định về bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư trước khi bấm đồng ý để có thể truy cập các dịch vụ trực tuyến, sử dụng phần mềm hoặc phần cứng mới của mình. Ngay cả khi người dùng biết về cách dữ liệu cá nhân của mình được thu thập và sử dụng nhưng họ vẫn ấn vào "Tôi đồng ý" mà không chắc chắn rằng việc đồng ý đó có thể gây ra những rủi ro về an toàn dữ liệu và quyền riêng tư của bản thân.

Do đó, nếu người dùng muốn bảo vệ dữ liệu cá nhân của mình một cách nghiêm túc, thì cần phải có ý thức hơn trong việc đọc và hiểu chính sách bảo vệ dữ liệu và quyền riêng tư trước khi đồng ý về các yêu cầu được đưa ra.

Thường xuyên kiểm tra cài đặt quyền riêng tư

Hiện nay, mạng xã hội và nhiều dịch vụ trực tuyến khác (chẳng hạn như nhà cung cấp dịch vụ đám mây) hầu như đều cung cấp các tùy chọn toàn diện để quyết định lượng thông tin mà người dùng muốn chia sẻ. Trong ngữ cảnh của mạng xã hội, các tùy chọn này bao gồm các chi tiết như liệu những người khác có thể tìm thấy người dùng đó theo địa chỉ email hoặc số điện thoại hay không. Hoặc khi đã tìm thấy, họ có thể truy cập thông tin khác mà mạng thực hiện lưu trữ dữ liệu về người dùng đó đã tải lên (hình ảnh, video, thông tin cá nhân...).

Ngoài ra, trong rất nhiều trường hợp, người dùng sử dụng một trang web hoặc dịch vụ nào đó trong một thời gian dài, nên có thể chế độ cài đặt quyền riêng tư mặc định sẵn cho tiện lợi và cũng không quan tâm đến việc kiểm tra lại các cài đặt đó. Tuy nhiên, để bảo vệ các thông tin cá nhân cũng như dữ liệu nhạy cảm được an toàn, người dùng cần thường xuyên kiểm tra các cài đặt quyền riêng tư của mình trên các nền tảng đã tham gia hay những trang web, dịch vụ thường xuyên sử dụng các thông tin cá nhân.

CNTT

  • Lượt truy cập: 2615293
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 27
  • Đang trực tuyến: 1345