Khám chữa bệnh BHYT: Mạng lưới y tế rộng khắp, dịch vụ không ngừng nâng cao

08/05/2024 04:51 PM


Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38 -CT/TW của Ban Bí thư về “đẩy mạnh công tác Bảo hiểm y tế trong tình hình mới”, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả, đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó, chất lượng khám chữa bệnh BHYT không ngừng nâng cao.

Từ khi thực hiện Luật BHYT, hầu hết các cơ sở y tế công lập có chức năng khám chữa bệnh (KCB) đều tham gia ký kết hợp đồng KCB BHYT trực tiếp với cơ quan BHXH. Năm 2009, ngành BHXH Việt Nam ký hợp đồng với 2.176 cơ sở; đến hết ngày 31/12/2023, số cơ sở ký hợp đồng KCB BHYT là 2.897, tăng hơn năm 2009 là 809 cơ sở; trong đó số cơ sở KCB tư nhân năm 2023 là 1.106 cơ sở, tăng gấp năm lần so với năm 2009 (175 cơ sở), ngoài ra còn có gần 10 nghìn trạm y tế xã/phường/thị trấn cũng tham gia KCB BHYT thông qua hợp đồng do các bệnh viện huyện hoặc Trung tâm y tế hoặc cơ sở KCB được Sở Y tế giao nhiệm vụ quản lý ký với cơ quan BHXH. Cho thấy, mạng lưới cơ sở KCB BHYT không ngừng được mở rộng, tạo thuận lợi cho người tham gia BHYT trong công tác KCB.

Khám chữa bệnh BHYT: Mạng lưới y tế rộng khắp, dịch vụ không ngừng nâng cao (Ảnh minh họa)

Vì thế, số lượt người có thẻ BHYT đi KCB tăng nhanh qua từng năm, trong 15 năm đã có trên 2.120 triệu lượt người KCB BHYT, với tổng số tiền trên 993 nghìn tỷ đồng; bình quân lượt KCB BHYT mỗi năm là 141 triệu lượt/năm (tăng 59,5% so với năm 2009), với tổng chi phí KCB bình quân 66,2 nghìn tỷ đồng/năm (tăng 330% so với năm 2009). Tần suất KCB BHYT cũng tăng từ 1,77 lần/người/năm vào năm 2009 lên 1,86 lần/người/năm vào năm 2023.

Về dịch vụ kỹ thuật, thuốc, vật tư y tế trong KCB BHYT cũng không ngừng mở rộng. Hiện nay có 1.092 dịch vụ kỹ thuật (DVKT) được phân tuyến thực hiện tại tuyến xã. Trong Danh mục tương đương hiện có 862 dịch vụ được quy định giá thanh toán BHYT. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, năm 2018 có khoảng 411 dịch vụ/862 dịch vụ có giá được thực hiện tại tuyến xã; năm 2022 là 478 dịch vụ/862 dịch vụ.

BHXH Việt Nam thường xuyên tham gia cùng với Bộ Y tế cập nhật, điều chỉnh, bổ sung Danh mục thuốc thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT đáp ứng nhu cầu điều trị, loại bỏ các bất hợp lý; hoàn thiện quy định về đấu thầu cung ứng thuốc, khắc phục nhiều bất hợp lý thời gian trước 2010, đảm bảo mua thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý, góp phần kéo giảm giá thuốc tại Việt Nam thời gian qua, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị cho người bệnh.

Thực hiện Nghị quyết số 59/NQ-CP ngày 7/7/2016 của Chính phủ về việc giao BHXH Việt Nam thí điểm tổ chức đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc dùng trong lĩnh vực BHYT. Kết quả triển khai thí điểm lần 1 (Năm 2017) đối với 6 thuốc (5 hoạt chất) sử dụng cho năm 2018, giá thuốc giảm trung bình so với năm 2017 là 21,12%. Tổng giá trị tiết kiệm do giảm giá trúng thầu là 251 tỷ đồng (giảm 21,12%). Kết quả thí điểm lần 2, mua sắm sử dụng cho năm 2019-2020, đối với 26 thuốc (14 hoạt chất), giá thuốc giảm trung bình 22,4% so với giá trị trúng thầu bình quân năm 2018 tại các địa phương, tổng giá trị tiết kiệm do giảm giá trúng thầu là 2.903 tỷ đồng.

BHXH Việt Nam cũng tham gia với Bộ Y tế xây dựng, cập nhật, bổ sung Danh mục Vật tư y tế (VTYT) đáp ứng yêu cầu điều trị, quy định mức giá tối đa thanh toán BHYT hợp lý, đảm bảo chất lượng điều trị với giá phù hợp./.

Phạm Chính

  • Lượt truy cập: 2613054
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 404
  • Đang trực tuyến: 131