"Giường bệnh là chiếc giường đắt nhất"

01/07/2024 11:04 AM


Những ai đã từng phải nằm trên chiếc giường bệnh tại BV mới thấu hiểu rõ: “Giường bệnh là chiếc giường đắt nhất”, hiểu được giá trị sâu sắc của chiếc thẻ BHYT. Vì thế, rất cần trang bị cho mình “lá bùa hộ mệnh”- chiếc thẻ “BHYT” chỉ vài trăm nghìn đồng mỗi năm để được hỗ trợ chi phí chăm sóc sức khỏe, KCB khi rủi ro, bệnh tật, tai nạn ập đến.

Anh Lý Văn Năm (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) chia sẻ: “Nếu không nhờ có tấm thẻ BHYT thì chắc tôi không sống được đến ngày hôm nay”. Anh Năm cho biết, anh bị xe ô tô đâm trên đường đi từ cơ quan về nhà. Với vết thương sâu và nguy hiểm, anh được bác sĩ chẩn đoán đa chấn thương nặng: Liệt tay phải do gãy đầu trên xương cánh tay, tổn thương đám rối thần kinh cánh tay… Sau khi cấp cứu ở BVĐK tỉnh, anh được đưa lên điều trị tại BV Bạch Mai.

Hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, thu nhập chính là từ nguồn tiền lương, tiền công của một mình anh Năm, giờ lại trở thành gánh nặng cho gia đình, nên anh rất bi quan. Song nhờ sự quan tâm chia sẻ của người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đặc biệt là tấm thẻ BHYT, anh Năm và gia đình đã vượt qua những thời khắc khó khăn nhất. “Tấm thẻ BHYT nhỏ bé đã trở thành chỗ dựa, chống đỡ cho gia đình tôi đứng vững, vượt qua khó khăn. Một hành trình dài đầy lo lắng, xuyên đêm của gia đình tôi từ thôn quê chưa lần nào ra Hà Nội bắt đầu với hành trang mang theo là tấm thẻ BHYT và chưa đến 10 triệu đồng tiền mặt. Đến BV, tôi nhanh chóng được nhập viện điều trị. Lúc ấy, cả nhà tôi chỉ còn biết trông vào tấm thẻ BHYT. Và quả thật, BHYT đã giúp gia đình tôi vượt qua khó khăn. Hành trình điều trị, phục hồi tuy còn dài nhưng tôi không còn quá lo lắng nữa vì chi phí y tế đã được BHYT chi trả”, anh Năm xúc động chia sẻ.

Được biết, sau đợt điều trị, anh Năm chuyển đổi quyền lợi từ đối tượng có mã thẻ (DN) sang mã thẻ (NO) dành cho đối tưởng ốm đau dài ngày. Hiện nay, anh Lý Văn Năm vẫn đang điều trị tại BVĐK tỉnh, chi phí y tế điều trị vẫn đang được quỹ BHYT chi trả.

Bị suy thận mạn cách đây 11 năm, hiện nay, đều đặn mỗi tuần 3 lần, chị Nguyễn Thị Nhung (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đều đến TTYT huyện Tam Dương để chạy thận nhân tạo. Chi phí cho việc điều trị bằng phương pháp này trên 10 triệu đồng/tháng. Đây là số tiền không nhỏ đối với nhiều gia đình, đặc biệt là những gia đình khó khăn như chị Nhung. Tuy nhiên, nhờ có thẻ BHYT, chị đã được chi trả 100% chi phí điều trị bệnh. Đối với chị, tấm thẻ BHYT thực sự là điểm tựa vững chắc và cũng nhờ nó chị mới có thể duy trì được cuộc sống như bây giờ.

Chị Nhung chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi có 6 sào ruộng, song khi tôi bị bệnh thì đã phải bán đi để lấy tiền chữa trị. Đến nay, tài sản trong nhà không còn gì, mà bệnh tật thì vẫn cứ đeo bám. Nhờ có thẻ BHYT, 11 năm nay tôi vẫn được duy trì cuộc sống. Với nhiều người, chắc tấm thẻ ngân hàng có giá trị lớn nhất; nhưng với tôi, tấm thẻ có giá trị lớn nhất chính là tấm thẻ BHYT”.

Không may mắc căn bệnh ung thư dạ dày, bà Vũ Thị Thơ (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) cho biết, hoàn cảnh gia đình vốn khó khăn, là hộ nghèo của địa phương, nên chi phí điều trị bệnh lên tới hàng trăm triệu đồng sẽ là gánh nặng rất lớn với gia đình nếu không có BHYT. Bà Thơ cho biết: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, nên các thành viên trong gia đình được Nhà nước cấp thẻ BHYT và được hưởng 100% chi phí BHYT. Nhờ đó, tôi được hỗ trợ phần lớn chi phí phẫu thuật và chi phí thuốc men, điều trị sau khi phẫu thuật lên tới hàng chục triệu đồng mỗi tháng. Với hoàn cảnh của gia đình tôi, nếu không có thẻ BHYT thì chắc tôi phải bán nhà mới đủ tiền chữa bệnh. Thực sự là tới lúc ốm đau mới thấy rõ giá trị của BHYT…”.

Chị Nguyễn Thị Vân (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc) cũng chia sẻ về lợi ích của việc tham gia BHYT: “Tôi bị suy thận hơn 11 năm nay, giờ đã bị suy thận độ 5. Đều đặn mỗi tuần, tôi phải tới BV để lọc máu 3 lần. Sức khỏe yếu, thường xuyên phải ra vào BV nên bản thân tôi không có khả năng lao động, trong khi chi phí để điều trị, lọc máu duy trì sự sống hằng tháng lên tới hàng chục triệu đồng. Nếu tính số tiền viện phí tôi phải chi trả đến giờ chắc đã lên tới hàng tỷ đồng, nhưng nhờ có thẻ BHYT cho hộ nghèo, được BHYT chi trả 100% chi phí nên tôi mới có thể “bám trụ” được tới bây giờ”.

Theo thống kê từ BHXH tỉnh Vĩnh Phúc, trung bình mỗi năm có hàng triệu lượt người dân trên địa bàn tỉnh được quỹ BHYT chi trả chi phí KCB. Năm 2023, quỹ BHYT đã chi trả chi phí KCB cho trên 1,7 triệu lượt người với tổng số tiền 1.537 tỷ đồng, trong đó có nhiều bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như: Ung thư, tim mạch, suy thận... với số tiền điều trị lên tới hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Để khuyến khích người dân tham gia BHYT, Nhà nước đã thực hiện các chính sách hỗ trợ và nâng mức hưởng khi đi KCB BHYT cho một số đối tượng. Quyền lợi của người có thẻ BHYT ngày càng được mở rộng nhờ việc thực hiện thông tuyến KCB BHYT và phạm vi thanh toán thuốc, vật tư y tế, kỹ thuật trong danh mục thanh toán BHYT ngày càng đa dạng.

Quỹ BHYT thực hiện chi trả chi phí điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo như nhóm bệnh về tim mạch, ung thư, bệnh hiếm… phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời, có chi phí điều trị lớn. Nhiều người tham gia BHYT đã được quỹ BHYT chi trả hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng chi phí KCB, giúp nhiều gia đình không bị tái nghèo do không phải chi trả các khoản chi phí khổng lồ cho người thân.

Bên cạnh đó, khi người bệnh có thẻ BHYT đi khám và điều trị đúng tuyến theo quy định và xuất trình đầy đủ thủ tục KCB BHYT sẽ được quỹ BHYT thanh toán từ 80- 100% chi phí KCB tùy thuộc vào nhóm đối tượng tham gia. Những bệnh nhân có mức hưởng BHYT 95% hoặc 80%, nếu đã tham gia BHYT liên tục từ 5 năm trở lên, có số tiền cùng chi trả khi đi KCB BHYT đúng tuyến trong năm lớn hơn 6 lần mức lương cơ sở (tương đương 8.940.000 đồng) sẽ được hưởng 100% khi đi KCB BHYT trong phạm vi hưởng và mức hưởng BHYT ở những lần đi KCB đúng tuyến tiếp cho đến hết năm tài chính.

Có thể thấy, tấm thẻ BHYT chính là “điểm tựa”, là “phao cứu sinh” đối với những người không may mắc bệnh, đặc biệt với những người bệnh mạn tính. Không ít trường hợp bệnh nhân không tham gia BHYT đã phải từ chối cơ hội điều trị bởi không có khả năng chi trả chi phí KCB.

Không chỉ có ý nghĩa “đóng góp khi lành, để dành khi ốm”, mỗi người tham gia BHYT còn thể hiện trách nhiệm với cộng đồng xã hội, chia sẻ rủi ro với những người tham gia BHYT khác nhằm hướng đến mục tiêu tất cả người dân đều được chăm sóc sức khỏe tốt hơn.

Bài: Thủy Hà Đồ họa: Thanh An

  • Lượt truy cập: 2573641
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 5859
  • Đang trực tuyến: 2150