Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, luôn quan tâm đến an sinh xã hội

25/07/2024 07:25 AM


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong số các di sản, dấu ấn để lại, có một điều dễ nhận thấy, đó là Tổng Bí thư luôn quan tâm đến vấn đề con người gắn với an sinh xã hội.

Với tầm nhìn chiến lược, tư duy sắc bén, gắn kết chặt chẽ với tổng kết thực tiễn, trong những năm qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, không ngừng xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân; bổ sung, hoàn thiện và lãnh đạo thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới, xây dựng đất nước ta “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày hôm nay”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm đến an sinh xã hội

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đất nước ta đã giành được nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc đổi mới, làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch; đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Đặc biệt, xuyên suốt trong tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là Nhân dân, là con người, là hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, xây dựng con người, lấy Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới. Tổng Bí thư từng khẳng định “Đảng ta phải có trách nhiệm cao nhất với dân, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân”; “đường lối của Đảng mà không phản ánh được lợi ích của Nhân dân, của đất nước, của dân tộc, không phù hợp với quy luật tiến hóa của lịch sử, là đường lối sai lầm”…

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: “Một đặc trưng cơ bản, một thuộc tính quan trọng của định hướng XHCN trong kinh tế thị trường ở nước ta là phải gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển” và “mỗi chính sách kinh tế đều phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội…, khuyến khích làm giàu hợp pháp đi đôi với xóa đói giảm nghèo, chăm sóc người có công, những người không may gặp khó khăn, cơ nhỡ”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân năm 2023

Cũng theo Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN trước hết phải có kinh tế thị trường đầy đủ. Định hướng XHCN là sử dụng nguồn lực của Nhà nước để bảo đảm cho nền kinh tế đủ sức đối phó với rủi ro khủng hoảng, loại bỏ sự lũng đoạn của “lợi ích nhóm”, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho các chủ thể của nền kinh tế trong thụ hưởng các chính sách và tiếp cận các nguồn lực của quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất cho người dân theo hướng ưu tiên cho các thành phần yếu thế. Định hướng XHCN chủ yếu thực hiện bằng công cụ thị trường cùng chính sách an sinh xã hội, không phải là sự can thiệp phi thị trường vào sự vận hành của nền kinh tế.

Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 10 (khóa XI), Tổng Bí thư đã yêu cầu toàn hệ thống chính trị tiếp tục có những chủ trương, giải pháp đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN; phát triển văn hoá, xây dựng con người; đổi mới quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, phát huy dân chủ, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh...

Theo đó, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội; tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Giữ vững độc lập, chủ quyền và môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; đẩy mạnh quan hệ đối ngoại.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội năm 2023

Tư tưởng lớn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được quán triệt tới toàn Đảng, toàn dân là phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để đưa đất nước đi lên.

Còn trong phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đánh giá cao kết quả thực hiện chính sách xã hội; đồng thời khẳng định: “Xây dựng và thực hiện chính sách xã hội phải luôn lấy con người làm trung tâm; coi đầu tư cho thực hiện các mục tiêu chính sách xã hội là đầu tư cho phát triển… Chính sách xã hội phải hướng tới toàn dân, bảo đảm toàn diện, công bằng, hiện đại, bao trùm, bền vững; an sinh xã hội phải được chú trọng hơn nữa…”.

Theo Tổng Bí thư, đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội là nhiệm vụ quan trọng có tính chiến lược, phải được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng; sự quản lý chặt chẽ, hiệu quả của Nhà nước; sự giám sát thường xuyên của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội; sự đồng thuận và hưởng ứng tham gia tích cực của người dân, DN.

Có thể khẳng định, di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho Đảng, Nhà nước và dân tộc thật đồ sộ. Đóng góp của Tổng Bí thư cho sự nghiệp phát triển đất nước thật vô cùng lớn lao; qua đó góp phần củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Ngày 19/7/2024, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giã từ cõi trần. Toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta sẽ mãi nhớ ghi công lao to lớn, khắc ghi hình ảnh một vị trí thức, nhân sĩ uyên bác, giàu lòng nhân ái, bình dị, luôn xả thân vì sự nghiệp của Đảng và dân tộc.

Quang Vượng

  • Lượt truy cập: 2553161
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 1018
  • Đang trực tuyến: 1156