Luật BHXH năm 2024 - Hướng đến bảo vệ quyền lợi người lao động
15/08/2024 11:02 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 29/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 thay thế Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025. Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2024 được ban hành nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH, để BHXH thực sự là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng-hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách BHXH tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy và minh bạch.
Ban Biên tập Cổng Thông tin điện tử BHXH tỉnh có cuộc phỏng vấn với ông Đặng Minh Thông - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh để cùng trao đổi, tìm hiểu những điểm quan trọng, nổi bật của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024.
PV: Thưa Ông! Một trong những yêu cầu cải cách chính sách BHXH trong Nghị quyết số 28-NQ/TW đã xác định rõ: “Mở rộng đối tượng BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”. Vậy xin Ông cho biết Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với những đối tượng nào, thưa Ông?
Ông Đặng Minh Thông: Luật BHXH năm 2024 quy định mở rộng đối tượng được tham gia BHXH và thụ hưởng đầy đủ các chế độ BHXH bằng việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Người lao động làm việc không trọn thời gian; Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương.
Bên cạnh đó, nhằm từng bước hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ người lao động có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết, Luật BHXH 2024 quy định giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với đối tượng khác mà có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên trên cơ sở đề xuất của Chính phủ phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội từng thời kỳ.
PV: Thưa Ông! Qua tìm hiểu được biết, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã thể chế hoá nội dung bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng và cũng thể hiện sự liên kết, linh hoạt giữa các tầng, sự hỗ trợ giữa các chính sách BHXH nhằm đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ theo Nghị quyết số 28-NQ/TW. Vậy Ông có thể giải thích cho bạn đọc biết cụ thể hơn về vấn đề này, thưa Ông?
Ông Đặng Minh Thông:
Thứ nhất, Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống BHXH đa tầng
Trợ cấp hưu trí xã hội theo quy định của Luật BHXH năm 2024 là loại hình BHXH do ngân sách nhà nước bảo đảm, được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát triển một phần từ quy định về trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi không có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, trong đó giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội xuống 75 tuổi (hiện hành là 80 tuổi).
Riêng đối với người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo thì từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Thứ hai, Bổ sung quy định nhằm gia tăng sự liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và BHXH cơ bản
Bổ sung chế độ trợ cấp hằng tháng đối với người lao động không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Theo đó, công dân Việt Nam đủ tuổi nghỉ hưu nhưng không đủ thời gian đóng để hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và chưa tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) nếu không hưởng BHXH một lần và không bảo lưu mà có yêu cầu thì được hưởng trợ cấp hằng tháng từ chính khoản đóng của mình. Trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách nhà nước đóng BHYT.
PV: Thưa Ông! Trên thực tế, một trong những nguyên nhân được chỉ ra đối với việc nhiều người hưởng BHXH một lần là do số năm tích lũy hưởng lương hưu quá dài, làm giảm động lực tham gia, gắn bó lâu dài để hưởng lương hưu của người lao động. Vậy Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu như thế nào nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH, thưa Ông?
Ông Đặng Minh Thông: Luật BHXH năm 2024 gia tăng cơ hội được hưởng lương hưu của người tham gia BHXH thông qua việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm.
Đây là một trong những quy định quan trọng được rất nhiều người lao động quan tâm. Theo đó, tại Điều 98 Luật BHXH năm 2024, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng BHXH từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hàng tháng thay vì phải đóng đủ 20 năm theo quy định cũ. Điều này làm tăng cơ hội cho những người đã trót rút BHXH một lần trước đó vẫn có thể kịp thời gian đóng 15 năm BHXH. Đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn hoặc tham gia không liên tục vẫn có thể tích lũy đủ 15 năm đóng BHXH để hưởng lương hưu hàng tháng. Quy định giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm được hưởng lương hưu chỉ áp dụng đối với các trường hợp được quy định tại Điều 64 Luật BHXH năm 2024 chứ không áp dụng cho những đối tượng nghỉ hưu sớm hơn so với quy định.
PV: Thưa Ông! Từ thực tiễn cũng như qua tổng kết thi hành Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 cho thấy, có nhiều nguyên nhân dẫn đến số người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp mà nguyên nhân chủ yếu là do chính sách BHXH còn thiếu hấp dẫn, vì người lao động chưa được hưởng các chế độ ngắn hạn, mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện còn rất thấp. Để khắc phục tình trạng này, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bổ sung chế độ thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện. Vậy Ông có thể thông tin cho bạn đọc biết cụ thể hơn về vấn đề này, thưa Ông?
Ông Đặng Minh Thông: Theo Điều 95 Luật BHXH năm 2024, từ 01/7/2025, người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng mức trợ cấp thai sản 02 triệu đồng đối với mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.
Lao động nữ thuộc dân tộc thiểu số hoặc dân tộc Kinh có chồng là dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo thì được Chính phủ hỗ trợ thêm các chính sách khác khi sinh con. Điều kiện hưởng trợ cấp thai sản là phải có thời gian đóng BHXH tự nguyện hoặc vừa đóng BHXH tự nguyện, vừa đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh.
PV: Thưa Ông! Để triển khai quyết số 28-NQ/TW, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã có nhiều quy định theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần cũng như quy định cụ thể về việc hưởng BHXH một lần như thế nào, thưa Ông?
Khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần
Luật BHXH năm 2024 bổ sung quy định nhằm gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần
Luật BHXH số 41/2024/QH15 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần. Người lao động đã chấm dứt tham gia BHXH mà có đề nghị thì hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH;
b) Ra nước ngoài để định cư;
c) Người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS;
d) Người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng;
e) Người lao động có thời gian đóng BHXH trước ngày 1/7/2025, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.
Như vậy, đối với người bắt đầu tham gia BHXH từ ngày 01/7/2025 trở đi thì sẽ giải quyết BHXH một lần trong các trường hợp a, b, c và d nêu trên.
Người lao động không hưởng BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: (i) Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn; (ii) Được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; (iii) trong thời gian hưởng lương hưu được Quỹ BHXH đóng BHYT; (iv) Được hưởng trợ cấp hằng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; (v) trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được ngân sách Nhà nước đóng BHYT.
PV: Trong thời gian qua đã tồn tại một thực trạng là rất nhiều doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Vậy Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã điều chỉnh vấn đề này như thế nào nhằm xử lý tình trạng này, thưa Ông?
Ông Đặng Minh Thông: Vấn đề chậm đóng, trốn đóng BHXH gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của người lao động, do vậy Luật BHXH 2024 đã bổ sung quy định xử lý tình trạng này.
Luật quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia BHXH; đồng thời, đã sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
Theo Luật BHXH 2024, biện pháp xử lý đối với hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH gồm: Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng, trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp chậm đóng, trốn đóng và số ngày chậm đóng, trốn đóng; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.
Riêng đối với hành vi trốn đóng BHXH còn có biện pháp mạnh là truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, Luật BHXH 2024 đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia BHXH bắt buộc không đầy đủ, không kịp thời, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.
Các quy định này nhằm bảo đảm hơn nữa quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động, góp phần giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NT-MT
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Tọa đàm, Sinh hoạt ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3
Thăm, chúc Tết gia đình chính sách
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021