Rõ khái niệm "chậm đóng" & "trốn đóng" Bảo hiểm xã hội

23/08/2024 03:10 PM


Để thấy được sự nhập nhằng giữa 2 khái niệm “chậm đóng” và “trốn đóng” BHXH, Tạp chí BHXH xin dẫn chứng một vụ việc điển hình trên địa bàn TP.Đà Nẵng kéo dài suốt gần 6 năm qua. Đó là vụ việc tại dự án Cocobay Đà Nẵng.

Đã gần 6 năm qua, NLĐ làm việc tại dự án Cocobay Đà Nẵng thuộc Công ty TNHH Empire Hospitality bị Công ty chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, phải đi cầu cứu khắp nơi. Thế nhưng, không những không được giải quyết, mà số tiền chậm đóng ngày một “dày” thêm, hiện đã lên tới hơn 9,5 tỷ đồng, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng, khiến cuộc sống rất nhiều NLĐ vô cùng khốn đốn.

Theo BHXH địa phương, Công ty TNHH Empire Hospitality chậm đóng BHXH của NLĐ từ tháng 10/2019 đến nay, tức đã gần 6 năm. Để đốc thúc DN truy nộp BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ, tại thời điểm xảy ra chậm đóng, BHXH TP.Đà Nẵng đã thực hiện tất cả các phương án từ gửi công văn hàng tháng nhắc nhở đến đề nghị các cấp, ban, ngành ở TP.Đà Nẵng lập đoàn thanh tra.

Năm 2019, khi DN này chậm đóng BHXH của NLĐ hơn 3 tỉ đồng, UBND Thành phố đã có quyết định xử phạt 150 triệu đồng, đồng thời yêu cầu DN đóng đủ số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cùng tiền lãi phát sinh do chậm đóng. Tuy nhiên, DN sau đó không chấp hành quyết định xử phạt. Tiếp sau đó, hàng loạt các cuộc thanh kiểm tra liên ngành cùng với các biện pháp chế tài xử lý vi phạm hành chính liên quan đến lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đã được áp dụng. Cụ thể, tháng 1/2023, UBND TP.Đà Nẵng tiếp tục thanh tra và có quyết định xử phạt 150 triệu đồng, cùng với những yêu cầu như lần thanh tra trước. Vậy nhưng DN vẫn tiếp tục ngó lơ. Và sau hơn 5 năm kể từ khi chậm đóng, đến nay số tiền chậm đóng của DN đã tăng lên gấp trên 3 lần (9,5 tỷ đồng, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng).

Trong quyết định thanh tra của UBND TP.Đà Nẵng nêu rõ: “Buộc Công ty TNHH Empire Hospitality nộp khoản tiền lãi bằng 2 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề (0,73167%/ tháng) tính trên số tiền, thời gian chậm đóng. Nếu không thực hiện thì tổ chức tín dụng khác, Kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của Công ty TNHH Empire Hospitality để nộp số tiền chậm đóng và khoản tiền lãi của số tiền này tính theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (0,5%/năm) vào tài khoản của cơ quan BHXH đối với hành vi vi phạm”.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Tạp chí BHXH về vấn đề này, ông Nguyễn Hùng Anh- Phó giám đốc BHXH TP.Đà Nẵng cho biết: “Đây là biện pháp gần như không thực hiện được, vì DN này có rất nhiều tài khoản mà tài khoản nào cũng luôn trong tình trạng 0 đồng. Vậy lấy đâu ra mà truy thu BHXH?”.

Làm việc tại Tổ hợp giải trí Cocobay từ năm 2017 đến tháng 8/2019, chị L.T. Nữ giãi bày, dù biết DN đang chậm đóng BHXH của mình và một số lao động, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn và nghĩ rồi công ty sẽ đóng đủ nếu mình còn làm việc nên chị vẫn làm việc theo hợp đồng. “Đầu năm 2020, khi thấy tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp, tôi xin nghỉ việc để về làm gần nhà. Thế nhưng chỉ vài tháng sau đó, ngành du lịch dịch vụ ở Quảng Nam, Đà Nẵng đều đóng cửa, tôi cùng chồng đều thất nghiệp. Lúc này tôi đến cơ quan BHXH để xin chốt sổ BHXH, nhận tiền một lần thì được thông báo không thực hiện được vì bị chậm đóng BHXH 2 tháng. Tôi cùng nhiều lao động lên Công ty nhưng họ cứ bắt chờ. Chờ hoài tới gần 6 năm rồi nhưng không giải quyết được gì hết trong khi kinh tế gia đình cạn kiệt”- chị Nữ bức xúc.

Để giải quyết quyền lợi cho NLĐ, vừa qua, BHXH Đà Nẵng đã 2 lần gửi văn bản đến TAND quận Ngũ Hành Sơn đề nghị xác nhận tình trạng DN này (do vụ việc đã được TAND quận Ngũ Hành Sơn thụ lý giải quyết) để BHXH Thành phố có căn cứ áp dụng theo công văn của BHXH Việt Nam hướng dẫn, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi. Quyền lợi của NLĐ vẫn tiếp tục bị “treo”.

Theo quy định tại Điều 38 Luật BHXH (sửa đổi), hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp là hành vi của người SDLĐ thuộc một trong các trường hợp: Chưa đóng hoặc đóng chưa đầy đủ số tiền phải đóng theo hồ sơ tham gia đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp đã đăng ký kể từ sau ngày đóng BHXH chậm nhất quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật này hoặc kể từ sau ngày đóng BH thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về BH thất nghiệp, trừ trường hợp quy định tại điểm đ và điểm e khoản 1 Điều 39; Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 28 của Luật này; Không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BH thất nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật về BH thất nghiệp…

Trong khi đó, Điều 39 quy định: Trốn đóng đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp là hành vi của người SDLĐ thuộc một trong các trường hợp sau đây để không đóng hoặc đóng không đầy đủ BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp cho NLĐ: Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 28 của Luật này mà người SDLĐ không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BHXH bắt buộc; Sau 60 ngày kể từ ngày hết thời hạn phải tham gia BH thất nghiệp theo quy định của pháp luật về BH thất nghiệp mà người SDLĐ không đăng ký hoặc đăng ký không đầy đủ số người phải tham gia BH thất nghiệp; Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc thấp hơn quy định tại Khoản 1 Điều 31 của Luật này; Đăng ký tiền lương làm căn cứ đóng BH thất nghiệp thấp hơn quy định của pháp luật về BH thất nghiệp; Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BHXH bắt buộc sau 60 ngày kể từ ngày đóng BHXH bắt buộc chậm nhất quy định tại Khoản 4 Điều 34 của Luật này và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này; Không đóng hoặc đóng không đầy đủ số tiền đã đăng ký BH thất nghiệp sau 60 ngày kể từ ngày đóng BH thất nghiệp chậm nhất theo quy định của pháp luật về BH thất nghiệp và đã được cơ quan có thẩm quyền đôn đốc theo quy định tại Điều 35 của Luật này; Các trường hợp khác bị coi là trốn đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp theo quy định của Chính phủ…

Điều 40 có quy định về biện pháp xử lý hành vi chậm đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp nghiệp gồm: Bắt buộc đóng đủ số tiền chậm đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp chậm đóng và số ngày chậm đóng vào quỹ đóng BHXH, BH thất nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Điều 41 nêu biện pháp xử lý hành vi trốn đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp: Bắt buộc đóng đủ số tiền trốn đóng; nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền đóng BHXH, BH thất nghiệp trốn đóng và số ngày trốn đóng vào quỹ đóng BHXH, BH thất nghiệp; xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; không xem xét trao tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng.

Trở lại vụ việc tại dự án Cocobay Đà Nẵng, một lãnh đạo của LĐLĐ TP.Đà Nẵng cho biết, trong những lần làm việc với cơ quan chức năng của Thành phố, chủ Công ty TNHH Empire Hospitality đã từng nói: “Không đóng BHXH, BHYT!”. Vì vậy, dù bất cứ lý do gì, nhưng nếu DN không đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ thì vẫn là hành vi “trốn đóng”, chứ không còn là “chậm đóng”!

Bài: Lê Văn Đồ họa: Hiểu Thanh

  • Lượt truy cập: 2485734
  • Tháng này: 1315
  • Hôm nay: 323
  • Đang trực tuyến: 84