Liên thông CSDL để giải quyết tốt các chế độ an sinh

07/11/2024 08:04 AM


Như một chuyện bình thường ở hầu hết các quốc gia, người dân đi KCB sẽ được kê 1 đơn thuốc rồi cầm đơn này đến mua ở các tiệm thuốc. Dù rất đúng quy trình, nhưng từ đây cũng dễ phát sinh nhiều câu chuyện, gây không ít phiền phức cho các bên liên quan, nhất là người bệnh như đơn thuốc viết tay dễ bị hiểu lầm/sai lệch (do bác sĩ viết vội hoặc chữ viết tay xấu). Nếu đơn thuốc được đánh máy, in ra thì vấn đề cũng chưa hẳn được giải quyết triệt để. Việc lưu giữ đơn thuốc cũ không phải lúc nào cũng được bệnh nhân hay người nhà làm một cách cẩn thận. Chưa kể còn nhiều loại giấy tờ, hóa đơn phải lưu giữ cùng lúc, hoặc có nhiều loại đơn thuốc được kê ở từng thời điểm; rất dễ bị mất lẫn, thất lạc. Như vậy, với cơ sở KCB, hiệu thuốc hay trực tiếp là các bác sĩ, dược sĩ, việc tra cứu các đơn thuốc cũ (phục vụ cho lần chẩn đoán hay kê thuốc tiếp theo) là không dễ, bởi phụ thuộc vào bệnh nhân/người nhà bệnh nhân có lưu giữ đơn thuốc hay không?

Những phiền hà, rắc rối kể trên hoàn toàn có thể xảy ra ở bất kỳ đâu, với bất kỳ ai. Tuy nhiên, ở Áo, câu chuyện này đã được giải quyết tương đối hiệu quả. Cụ thể, cơ quan BHXH của Áo (DÖS) đã hợp tác chặt chẽ với các bên liên quan trong ngành Y tế để phát triển hệ thống đơn thuốc điện tử. Hệ thống này sử dụng cơ sở hạ tầng trao đổi dữ liệu mạnh mẽ để kết nối các bác sĩ, nhà thuốc và cơ quan BHXH, cho phép bệnh nhân hoàn tất tất cả các TTHC chỉ bằng thẻ điện tử, hoặc mã (ID) đơn thuốc. Giải pháp này không chỉ đơn giản hóa quy trình mà còn giúp giảm thiểu sai sót do con người và rất minh bạch.

Việc triển khai đơn thuốc điện tử diễn ra theo từng giai đoạn, bắt đầu với với việc thỏa thuận, thống nhất xây dựng các tiêu chuẩn kỹ thuật và điều chỉnh pháp lý. Sau đó, hệ thống được tích hợp vào các phần mềm của bác sĩ và nhà thuốc. Một ứng dụng di động cũng được phát triển, cho phép bệnh nhân truy cập thông tin đơn thuốc và tương tác với hệ thống. Giai đoạn thí điểm thành công và được triển khai toàn diện trên khắp nước Áo từ tháng 6/2022.

Theo quy trình mới, bệnh nhân đến gặp bác sĩ và nhận đơn thuốc điện tử thay vì đơn thuốc giấy. Đơn thuốc điện tử được lưu trữ an toàn trong hệ thống và có thể truy cập được thông qua thẻ điện tử, mã đơn thuốc. Bệnh nhân sau đó mang đơn thuốc điện tử đến hiệu thuốc, nơi dược sĩ có thể truy cập thông tin chi tiết về đơn thuốc và cấp thuốc cho bệnh nhân. Việc thanh toán cũng được thực hiện trực tuyến, loại bỏ nhu cầu về các thủ tục giấy tờ rườm rà.

Đối với bệnh nhân, hệ thống giúp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu thủ tục. Đồng thời, tăng cường tính an toàn và hiệu quả của việc sử dụng thuốc và dễ dàng theo dõi lịch sử đơn thuốc và tương tác với hệ thống.

Với các cơ sở KCB, hệ thống đã góp phần tăng hiệu quả hoạt động và giảm chi phí; cải thiện chất lượng chăm sóc bệnh nhân. Từ hệ thống, các cơ sở KCB cũng dễ dàng truy cập thông tin y tế của bệnh nhân khi cần.

Hệ thống đã góp phần quan trọng để giảm thiểu sai sót y tế và lãng phí; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Đặc biệt, tiết kiệm chi phí đáng kể cho hệ thống BHYT của Áo.

Tại khu vực châu Âu, nằm trong xu hướng hiện đại hóa, các tổ chức an sinh xã hội trong cùng một quốc gia hay giữa các quốc gia khác nhau cũng có đang hướng tới việc kết nối, chia sẻ dữ liệu, cùng hướng tới mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn. Người dân, thay vì phải kê khai thông tin hay xin xác nhận/công chứng nhiều lần để xác nhận các điều kiện hưởng chế độ, thì nay đã được giảm đáng kể các loại giấy tờ.

Văn phòng Việc làm Quốc gia (ONEM) của Bỉ đã giới thiệu một chương trình có tên “Dopflux” nhằm trao đổi dữ liệu, tận dụng các luồng dữ liệu điện tử từ nhiều tổ chức khác nhau để làm phong phú thêm các tập dữ liệu hiện có.

Bằng cách kết hợp thông tin chi tiết về tình trạng việc làm, còn sống/tử vong, nghỉ hưu... trên các các luồng dữ liệu điện tử (“flux”), Dopflux tạo ra một kho dữ liệu về tình trạng kinh tế, xã hội tương đối toàn diện.

Phương pháp này tạo điều kiện cho việc thu thập dữ liệu chi tiết, nắm bắt các chi tiết phức tạp về kinh nghiệm việc làm của từng cá nhân, chẳng hạn như ngày làm việc và loại hợp đồng. Ngoài ra, Dopflux nhấn mạnh các tính năng thuận lợi cho việc phân tích, cập nhật theo thời gian thực, có thể sử dụng, khai thác ngay lập tức với các bên được chia sẻ.

Bằng cách theo dõi quá trình chuyển đổi việc làm, mức thu nhập, trạng thái xã hội của từng cá nhân theo thời gian, Dopflux giúp hiểu sâu hơn về động lực phức tạp của thị trường lao động. Trên cơ sở đó có các nghiên cứu, định hướng phát triển an sinh xã hội phù hợp hơn. Dopflux tối ưu hóa việc phân bổ tài nguyên và giảm thiểu chi phí bằng cách loại bỏ nhu cầu yêu cầu dữ liệu lặp lại thông qua trao đổi dữ liệu liên tục. Cách tiếp cận tiết kiệm chi phí này không chỉ tăng cường khả năng truy cập dữ liệu mà còn thúc đẩy sự hợp tác giữa các tổ chức, thúc đẩy quá trình ra quyết định hiệu quả dựa trên dữ liệu được tổng hợp và phân tích từ nhiều lĩnh vực. Cuối cùng, người dân, với việc giảm bớt các thủ tục, thông tin phải kê khai, đã có thể tiếp cận tốt hơn các chế độ an sinh xã hội.

Còn cơ quan BHXH Liên bang Đức (DRV Bund) thì đã triển khai Hệ thống thông tin lương hưu điện tử. Một sáng kiến mang tính đột phá nhằm trao quyền cho NLĐ trong việc đưa ra quyết định sáng suốt về quyền lợi hưu trí trong tương lai. Hệ thống này được xây dựng dựa trên sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức công và phi chính phủ, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống lương hưu tại Đức.

Cổng thông tin này được hỗ trợ bởi một hệ thống thông tin rộng lớn, kết nối các nguồn dữ liệu khác nhau từ các cơ quan quản lý, thực thi các chế độ BHXH theo quy định (bao gồm các đối tượng đóng là DN và đối tượng tự đóng). Nhờ áp dụng tiêu chuẩn thống nhất, hệ thống dữ liệu bảo đảm tính chính xác, nhất quán và dễ hiểu với người dùng.

Các tính năng truy cập hệ thống được thiết kế thân thiện, dễ dàng truy cập mọi lúc, mọi nơi với điều kiện cơ bản là kết nối internet. Tính bảo mật của hệ thống cũng được đảm bảo ở mức độ tiên tiến, giữ an toàn thông tin cá nhân của từng NLĐ.

Việc triển khai Hệ thống thông tin lương hưu điện tử là minh chứng cho cam kết của chính phủ Đức trong việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội minh bạch, hiệu quả hướng đến và lấy NLĐ là trung tâm. Hệ thống này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ người dân Đức chuẩn bị kế hoạch cho một tương lai tuổi già bền vững.

Hệ thống thông tin lương hưu điện tử còn mang lại nhiều lợi ích cho chính phủ và xã hội Đức. Hệ thống tự động hóa các quy trình thủ công, tiết kiệm thời gian và chi phí. Giúp giảm thiểu các hành vi gian lận và đảm bảo tính minh bạch trong việc quản lý quỹ hưu trí. Đặc biệt, dựa trên hệ thống dữ liệu tính toán lương hưu dự kiến của toàn bộ NLĐ, chính phủ hoàn toàn có thể lập kế hoạch dài hạn cho hệ thống an sinh xã hội, đảm bảo sự bền vững cho các thế hệ tương lai.

Còn tại Pháp, một sáng kiến mới mang tên HELP đã được Liên minh các tổ chức an sinh xã hội tại Pháp triển khai mạnh mẽ kể từ thời điểm dịch COVID-19 bùng phát. Giải pháp này hướng tới mục tiêu hỗ trợ an sinh toàn diện hơn với nhóm lao động phi chính thức.

Theo đó, các tổ chức an sinh xã hội sẽ cùng xác định những “tín hiệu” cần được hỗ trợ từ NLĐ; đồng thời kích hoạt các điều kiện để các tổ chức khác triển khai các giải pháp ứng cứu/hỗ trợ tương ứng với chức năng nhiệm vụ của mỗi tổ chức. Để làm được điều này, các tổ chức phải cùng tạo nên một mạng lưới liên kết; xây dựng các tính năng để nhận diện các khó khăn của NLĐ, chẳng hạn như phát hiện việc thu nhập thường xuyên bị giảm đi, tình trạng bệnh tật phức tạp, mua, sử dụng nhiều loại thuốc…

Với sáng kiến này, Pháp đã hỗ trợ rất hiệu quả đối với hàng ngàn NLĐ tự do. Từ kết quả đạt được, hệ thống này đang tiếp tục được mở rộng ở cả cấp quốc gia và địa phương; các tính năng, quy trình liên kết đang ngày càng được hoàn thiện, qua đó tối ưu hóa sự hỗ trợ đến NLĐ.

Có thể thấy, bằng các giải pháp công nghệ khác nhau, các tổ chức an sinh xã hội đang cho thấy tính chủ động trong việc xây dựng các công cụ để hỗ trợ NLĐ một cách hiệu quả hơn. Thay vì chờ “tiếp nhận” các đơn yêu cầu từ NLĐ một cách bị động, các cơ quan an sinh xã hội đang hướng tới NLĐ một cách tích cực hơn; giảm thiểu các TTHC, loại bỏ các yêu cầu giấy xác nhận rườm rà… Để làm được điều này, việc liên kết dữ liệu giữa các cơ quan an sinh xã hội hay giữa cơ quan an sinh xã hội với các cơ quan hành chính khác là điều kiện quan trọng. 

Bài: Minh Đức Đồ họa: Thanh An

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1