Bình Thuận: Đẩy mạnh phối hợp triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH

02/12/2024 04:02 PM


Thanh toán không dùng tiền mặt đang trở thành xu thế tất yếu trong thời đại chuyển đổi số. Tại Bình Thuận, công tác phối hợp triển khai hình thức thanh toán này trong chi trả lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) dựa trên nền tảng Cơ sở dữ liệu quốc gia (CSDLQG) về dân cư đã và đang mang lại hiệu quả tích cực, góp phần hiện đại hóa hệ thống an sinh xã hội và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

Người hưởng thanh toán không dùng tiền mặt. Ảnh: NT

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là nguồn dữ liệu lớn, chính xác, tích hợp toàn diện thông tin về công dân. Việc ứng dụng dữ liệu này giúp đơn giản hóa quy trình quản lý, giảm thiểu sai sót và tăng cường minh bạch trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Tại Bình Thuận, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan như Công an tỉnh, các ngân hàng thương mại, và các đơn vị dịch vụ công trong việc khai thác, đối chiếu dữ liệu dân cư để đảm bảo chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH đúng đối tượng, đúng quy định.

Việc kết nối CSDLQG về dân cư không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm soát thông tin mà còn là tiền đề quan trọng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).

BHXH tỉnh Bình Thuận đã tích cực triển khai TTKDTM thông qua nhiều hình thức như chuyển khoản ngân hàng, ví điện tử, hoặc các ứng dụng thanh toán trực tuyến. Đây là bước tiến quan trọng giúp giảm phụ thuộc vào tiền mặt, đảm bảo tính an toàn, minh bạch và thuận tiện cho người thụ hưởng.

Một số kết quả nổi bật trong thời gian qua, như: Tỷ lệ chi trả qua ngân hàng tăng cao: Tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh Bình Thuận có 12.732 người/18.597 người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng qua tài khoản cá nhân đạt 68,46%; Đơn giản hóa quy trình: Người thụ hưởng không cần phải đến trực tiếp các điểm chi trả, tiết kiệm thời gian và chi phí đi lại. Đồng thời, đảm bảo an toàn, minh bạch: Hạn chế tối đa rủi ro mất mát, thất thoát và giảm thiểu tình trạng gian lận trong quá trình chi trả.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền cũng được đẩy mạnh để người dân hiểu rõ lợi ích của TTKDTM, từ đó khuyến khích chuyển đổi hành vi tiêu dùng và giao dịch tài chính.

Dù đạt được nhiều kết quả tích cực, quá trình triển khai vẫn còn đối mặt với một số thách thức, như hạn chế về hạ tầng công nghệ tại vùng sâu, vùng xa; một bộ phận người dân còn chưa quen với các hình thức thanh toán mới.

Trong thời gian tới, Bình Thuận sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ, mở rộng hợp tác với các ngân hàng và tổ chức tài chính, đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân.

Việc phối hợp triển khai TTKDTM trong chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH tại Bình Thuận không chỉ hiện đại hóa hệ thống quản lý an sinh xã hội mà còn tạo bước đệm quan trọng trong lộ trình chuyển đổi số quốc gia, hướng đến sự tiện lợi và an toàn cho mọi người dân.

Thanh Hùng - NT

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1