Nhiều khó khăn khi thực hiện thu BHXH bắt buộc với chủ hộ kinh doanh
08/04/2025 08:34 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo quy định tại Luật BHXH 2024, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, chủ hộ của hộ kinh doanh có đăng ký tham gia BHXH bắt buộc theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, để thực hiện quản lý cũng như thu BHXH bắt buộc với nhóm này là không hề dễ dàng.
Thực tế là từ năm 2003 đến nay, cơ quan BHXH tại các địa phương đã thực hiện thu BHXH bắt buộc đối với một số chủ hộ kinh doanh. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính đến hết ngày 31/5/2023, số chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc (theo diện người lao động) là 3.567 người; số tiền đã đóng vào Quỹ BHXH là 113 tỷ đồng.
Có thể thấy, nhu cầu tham gia BHXH bắt buộc của nhóm chủ hộ kinh doanh là có. Tuy nhiên, để thực hiện quản lý và thu với nhóm này sẽ gặp không ít khó khăn. Theo thông tin của cơ quan Thuế, tính riêng trong năm 2024 có khoảng 80.000 hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai; khoảng hơn 2 triệu hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán.
Nhiều trường hợp chủ hộ kinh doanh hết tuổi lao động, đang hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hàng tháng khác, hoặc đang tham gia BHXH bắt buộc theo nhóm đối tượng khác.
Như vậy, cơ quan BHXH sẽ rất khó khăn trong việc xác định đối tượng tham gia cũng như giám sát và quản lý; khả năng tài chính là những vấn đề lớn có thể phát sinh khi thực hiện thu BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh, khi thực hiện từ ngày 1/7 tới đây...
Nếu như với các đơn vị SDLĐ khác, thường sẽ có nhân sự phụ trách kế toán hoặc làm công tác hành chính, nhân sự, đồng thời kiêm luôn việc chuyên trách thực hiện các thủ tục về BHXH bắt buộc, bao gồm các thủ tục cơ bản như: đăng ký tham gia, báo tăng, giảm số đối tượng đóng, chốt sổ, dừng đóng hay giải quyết các chế độ ngắn hạn (ốm đau, thai sản…). Các nghiệp vụ này nếu do chủ hộ kinh doanh thực hiện sẽ khá phức tạp.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc mới nhất đã đưa ra lộ trình tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh, song khi đánh giá tác động, cơ quan soạn thảo cũng dự liệu nhiều vấn đề phát sinh khi thực hiện.
Theo đó, cơ quan soạn thảo nhận định khi quy định chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH bắt buộc, có một số vấn đề cần được xem xét để đảm bảo tính khả thi và công bằng.
Chủ hộ kinh doanh không phải là một đối tượng có hình thức pháp lý rõ ràng như các doanh nghiệp, nên việc xác định ai là chủ hộ kinh doanh sẽ gặp khó khăn, nhất là đối với các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, dẫn đến khó xác định đối tượng thuộc diện tham gia.
Ngoài ra, khả năng tài chính của chủ hộ kinh doanh cũng là vấn đề cần xem xét. Đối với những hộ kinh doanh nhỏ, việc tham gia BHXH bắt buộc có thể là yếu tố phát sinh thêm chi phí thường xuyên, mức thu nhập của nhóm này cũng không ổn định. Điều này có thể khiến họ không muốn tham gia, hoặc có thể tìm cách né tránh việc đóng BHXH bắt buộc.
Cùng với đó là nhiều khó khăn trong việc giám sát và quản lý với số lượng lớn chủ hộ kinh doanh tham gia BHXH. Đa số các hộ kinh doanh không có bộ phận kế toán chuyên nghiệp để thực hiện việc báo cáo thu nhập và đóng BHXH.
Trong giai đoạn đầu thực hiện, một phần không nhỏ chủ hộ kinh doanh có thể chưa hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHXH bắt buộc, dẫn đến những hạn chế trong việc chủ động đăng ký tham gia. Thực tế này, đòi hỏi việc thu BHXH bắt buộc với nhóm chủ hộ kinh doanh phải được tính toán, quy định hợp lý để đảm bảo tính khả thi. Cơ quan BHXH cũng phải nghiên cứu để chuẩn bị thực hiện các công tác quản lý với nhóm đối tượng mang tính đặc thù này.
Minh Đức
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
[Phóng sự] BHXH Việt Nam - 30 năm hành trình an ...
Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Tọa đàm, Sinh hoạt ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3
Thăm, chúc Tết gia đình chính sách
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021