Vừa ứng phó dịch bệnh, vừa lo BHXH cho NLĐ

01/11/2021 07:21 AM


Hàng loạt DN ở các tỉnh phía Nam đã bắt đầu hoạt động trở lại. Những DN vẫn duy trì trả lương, đóng BHXH, BHYT… cho NLĐ trong thời điểm dịch, bắt đầu “hái quả ngọt” khi NLĐ trở lại làm việc đầy đủ.

“Công ty tạm dừng hoạt động một ngày thì khu phố nơi gia đình ở cũng bị phong tỏa do phát hiện ca nhiễm. Chưa kịp dự trữ thực phẩm thì Công đoàn Công ty đã gửi xuống 5 ký gạo, mắm muối, sữa, rau củ… đủ cho gia đình dùng ít nhất một tuần. Phải nghỉ việc vì dịch nhưng em thấy mình vẫn còn may mắn, vì ngoài hỗ trợ lương thực thực phẩm, Công ty vẫn trả lương và đóng BHXH, BHYT nên gia đình không lâm vào cảnh khó khăn”- đó là câu chuyện của chị Hoàng Thị Hà- Công ty TNHH Longrich Việt Nam (KCX Linh Trung II, TP.HCM), một trong những NLĐ đầu tiên trở lại DN làm việc ngay khi Thành phố nới lỏng giãn cách.

Nhiều DN vẫn giữ được NLĐ

Bà Nguyễn Thị Thùy Vân- Chủ tịch Công đoàn Công ty Longrich cho hay, Công ty có hơn 4.000 NLĐ, lại phát hiện nhiều ca nhiễm nên không thể áp dụng sản xuất “3 tại chỗ”. Vì vậy, từ ngày 14/7, Công ty phải dừng hoạt động. “Dù vậy, chúng tôi vẫn cố gắng duy trì việc trả lương, đóng BHXH, BHYT cho NLĐ. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn khi đơn hàng bị trễ, không có doanh thu, nhưng Công ty cố gắng trả một mức lương tạm đủ sống để NLĐ an tâm ở lại Thành phố. Trong 14 ngày đầu theo quy định chỉ cần trả 70% lương cơ bản, nhưng Công ty đã quyết định trả đủ 100% cho NLĐ. Sau đó, DN vẫn duy trì trả theo mức lương tối thiểu vùng (4,42 triệu đồng/tháng) và đóng BHXH, BHYT trên mức này cho NLĐ. Ngoài ra, Công đoàn còn hỗ trợ lương thực cho NLĐ có hoàn cảnh khó khăn sống ở khu phong tỏa”- bà Vân nói.

Từ ngày 4/10, hàng trăm NLĐ của Công ty Nissei Electric Việt Nam (KCX Linh Trung 1, TP.HCM) cũng đã trở lại làm việc. Bà Trần Thị Hồng Vân- Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, trong thời gian dịch vừa qua, Công ty vẫn chi trả 75% lương cơ bản và đóng BHXH, BHYT để NLĐ yên tâm ở lại.

Tương tự, từ ngày 15/7, gần 800 NLĐ Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina (KCN Tân Bình) vẫn được trả lương và đóng BHXH, BHYT nên đến nay cũng đã trở lại làm việc đầy đủ.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Bích Loan- Phó BQL Khu Công nghệ cao TP.HCM cho biết, có gần 60 trong tổng số 85 nhà máy trong Khu Công nghệ cao “vừa sản xuất, vừa cách ly” với quy mô giảm xuống còn 15-30% và gặp không ít khó khăn về tài chính, nhưng chưa ghi nhận trường hợp DN nào dừng trả lương NLĐ.

Trong khi đó, theo ông Phạm Thanh Trực- Phó BQL các KCX-KCN TP.HCM (Hepza), đến nay đã có 1.307 DN trong các KCX-KCN mở cửa trở lại, đạt tỷ lệ hơn 92% (tại Khu Công nghệ cao đạt 100%). Đã có hơn 230.000 NLĐ trở lại làm việc, tỷ lệ đạt khoảng 70%.

Đại diện Hepza cũng cho biết, đa phần DN đóng trong KCX-KCN không bị ảnh hưởng nhiều, bởi khi TP.HCM siết chặt giãn cách xã hội, hầu hết các DN vẫn nỗ lực trả một phần tiền lương và duy trì đóng BHXH, BHYT cho NLĐ cũng như sớm công bố kế hoạch sản xuất trở lại. Chính vì vậy, NLĐ trong các DN này đều ở lại sẵn sàng cho công việc. Điều đó đã giúp các DN thoát được nỗi lo thiếu hụt nhân sự.               

Phạm Thọ