Để chính sách BHYT phát triển bền vững

15/11/2021 07:20 AM


Tỷ lệ người tham gia BHYT đã đạt và vượt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 68/2013/QH13. Tuy nhiên, để đạt các mục tiêu trong giai đoạn mới, mở rộng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân, nhất là bảo đảm tính bền vững của BHYT cần có điều kiện quan trọng khác…

Quyền lợi BHYT ngày càng mở rộng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, chính sách BHYT giúp mọi người dân tiếp cận dễ dàng, bảo đảm cơ chế tài chính cho công tác KCB. Thời gian qua, chính sách này đã thể hiện rõ vai trò của mình và hầu hết các đối tượng yếu thế trong xã hội đã được thụ hưởng chính sách theo quy định. Hầu hết các dịch vụ y tế được quỹ BHYT chi trả 100%, người tham gia BHYT không phải trả thêm tiền, trong khi chất lượng dịch vụ y tế ngày càng nâng cao.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, phạm vi hưởng BHYT ở Việt Nam cao hơn nhiều so với mức đóng. Do đó, để bảo đảm tính bền vững của chính sách, việc mở rộng số người tham gia BHYT là vấn đề cần được chú trọng và phải theo nguyên tắc đóng- hưởng, chia sẻ rủi ro. “Tới đây, Luật BHYT sửa đổi sẽ sửa theo hướng tất cả người dân phải được tiếp cận dịch vụ BHYT. Chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu mở rộng đối tượng để bảo đảm người dân được hưởng chế độ BHYT, đóng BHYT nhưng bảo đảm tính bền vững là rất quan trọng, chứ không phải đến khi ốm đau mới đóng hoặc năm có năm không thì không bảo đảm nguồn tài chính vững bền cho BHYT được”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long khẳng định.

Cho ý kiến về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, một số đại biểu đã khẳng định “BHYT chính là điểm tựa của người dân khi KCB”, nhất là trong bối cảnh giá các dịch vụ y tế, thuốc điều trị ngày càng tăng cao. Đặc biệt, việc tham gia BHYT trong thời gian qua đạt mục tiêu đề ra và mọi người dân đều có thể tiếp cận được chính sách BHYT. Các nhóm đối tượng khó khăn cũng được NSNN hỗ trợ mức đóng BHYT như nhóm hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách hay gia đình nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình…

Chia sẻ về thực tế tại địa phương, đại biểu Đoàn Thị Lê An (Cao Bằng) cho biết: “Sống tại vùng có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, tôi cảm nhận rõ ý nghĩa của những chính sách đó đối với người dân. Chính sách đã góp phần giúp đồng bào DTTS được tiếp cận với chính sách BHYT, giúp giảm chi phí chăm sóc sức khỏe”.

Cần tiếp tục chính sách hỗ trợ

Cũng theo đại biểu Đoàn Thị Lê An, những năm qua, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến việc thực hiện chính sách BHYT đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tuy nhiên, đến hết tháng 10, số người tham gia BHYT giảm do tác động của dịch bệnh COVID-19, khiến nhiều địa phương khó khăn trong bố trí ngân sách hỗ trợ mức đóng BHYT cho một số đối tượng. Ngoài ra, còn do ảnh hưởng của việc thực hiện Quyết định số 861 của Chính phủ, khiến có địa phương giảm từ 97% xuống còn 94%, có địa phương giảm từ 95% xuống còn 90% người dân tham gia BHYT.

“Thực hiện Quyết định số 861, tỉnh Cao Bằng có trên 41.800 người DTTS không còn thuộc diện được NSNN đóng BHYT. Qua một thời gian tuyên truyền, hiện mới có 24.600 người tiếp tục tham gia, còn trên 17.000 người không đủ điều kiện để tham gia hoặc mới chỉ tham gia 3 tháng, dẫn đến không bền vững, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và dễ dẫn đến nguy cơ phát sinh hộ nghèo, tái nghèo cao”- đại biểu An quan ngại.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Đình Thanh (Kon Tum) cho biết, sau khi có Quyết định 861, số người được NSNN hỗ trợ đóng BHYT giảm mạnh (kể từ tháng 8/2021 cả nước có khoảng 4 triệu người). Qua khảo sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum, trong số những người không còn được NSNN hỗ trợ đóng BHYT, có nhiều trường hợp có hoàn cảnh rất khó khăn, không có khả năng tự tham gia BHYT. Riêng tỉnh Kon Tum, trong số 51.863 người không còn được hỗ trợ BHYT, có đến 49.356 người DTTS.

Trước tình trạng trên, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần rà soát, đánh giá thực trạng để kịp thời ban hành các chính sách phù hợp, nhằm tiếp tục hỗ trợ người dân có khó khăn tham gia BHYT, để họ được tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng tài chính cho gia đình. Đồng thời, nâng mức hỗ trợ cho một số nhóm như: HSSV, hộ nông-lâm-ngư nghiệp có mức sống trung bình… Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thanh tra, kiểm tra để kịp thời xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật. Sớm xây dựng, hoàn thiện trình Quốc hội dự án Luật BHYT (sửa đổi) và Luật KCB (sửa đổi).

Nguyệt Hà