Cựu thanh niên xung phong xây dựng kinh tế mong muốn được hưởng BHYT

23/08/2022 11:29 AM


Ngày 17/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 146/2018/NĐ- CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Theo đó, đối tượng thanh niên xung phong được thanh toán 80% chi phí khám, chữa bệnh (KCB). Mặt khác, hiện nay lực lượng cựu thanh niên xung phong tham gia sau ngày 30/4/1975 làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế chưa được hỗ trợ chính sách BHYT.

Được biết, về mức hưởng BHYT đối với thanh niên xung phong tại khoản 1, điều 14, Nghị định 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định rõ: Thanh niên xung phong đi KCB thì được quỹ BHYT thanh toán chi phí KCB trong phạm vi được hưởng với mức hưởng 80%. Mức hưởng này thấp hơn so với quy định trước đây tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của luật BHYT (mức hưởng 100% chi phí).

Thanh niên xung phong xây dựng kinh tế (ảnh tư liệu)

Riêng đối với thanh niên xung phong có tham gia kháng chiến được Nhà nước tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến thuộc đối tượng người có công với cách mạng, theo luật BHYT người tham gia kháng chiến đồng thời là người có công với cách mạng thì mức hưởng BHYT là 100% chi phí KCB BHYT. Cũng theo Nghị định số 146/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định thì ngân sách địa phương được sử dụng hỗ trợ mức đóng BHYT cho các đối tượng hộ gia đình cận nghèo, người thuộc hộ gia đình nghèo đa chiều, học sinh, sinh viên, người thuộc gia đình làm nông nghiệp, lâm, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình, chứ không quy định địa phương sử dụng ngân sách để nâng mức hưởng BHYT của đối tượng thanh niên xung phong.

Đối tượng thanh niên xung phong được nhà nước đóng BHYT được quy định tại Nghị định 146/2018/NĐ-CP như sau: Thanh niên xung phong thời kỳ chống pháp đã được hưởng trợ cấp theo quyết định  số 170/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ BHYT và trợ cấp mai táng phí; thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ trong kháng chiến; thanh niên xung phong cơ sở ở miền nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; thanh niên xung phong tham gia chiến tranh bảo vệ tổ quốc ở biên giới tây nam, biên giới phía bắc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Căm-Pu-Chia, giúp bạn Lào sau ngày 30/4/1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc, không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, chế độ mất sức lao động hàng tháng thì được hưởng chế độ BHYT theo quy định pháp luật về BHYT.

Đối với trường hợp cựu thanh niên xung phong sau ngày 30/4/1975 làm nhiệm vụ khai hoang phục hóa, khắc phục hậu quả chiến tranh và xây dựng kinh tế mới, đã hoàn thành nhiệm vụ được xuất ngũ, chuyển ngành, thôi việc, không thuộc diện hưởng chế độ hưu trí, mất sức lao động…thì chưa có văn bản quy định vế chính sách hỗ trợ BHYT.

Những vấn đề người dân thuộc đối tượng cựu thanh niên xung phong phản ánh nói trên hiện UBND tỉnh giao cho ngành BHXH tổng hợp báo cáo BHXH Việt Nam và UBND tỉnh tham gia góp ý vào dự thảo luật BHXH sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.                                                                           

NHẬT BẢO