Thực trạng của việc rút bảo hiểm xã hội một lần và giải pháp khắc phục

03/01/2023 10:53 AM


Theo thống kê của BHXH tỉnh Bình Thuận, tình trạng người lao động nhận BHXH một lần có xu hướng gia tăng. Đặc biệt trong hơn 02 năm ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều lao động bị mất việc làm hoặc nghỉ việc gián đoạn dẫn đến nhiều khó khăn trong sinh hoạt, lao động, sản xuất. Tính từ đầu năm 2022 đến nay, BHXH tỉnh đã thực hiện giải quyết chế độ BHXH một lần cho trên 11.894 người. Trong khi đó, số người rút BHXH năm 2020 là 11.025 người, 2021 là 12.914 người.

Việc người lao động hưởng BHXH một lần sẽ rất thiệt thòi. Theo đó, khi rút BHXH một lần, số tiền thực tế sẽ thấp hơn nhiều so với số tiền đã tham gia đóng vào quỹ BHXH. Cụ thể, theo quy định hiện nay, tổng mức đóng vào quỹ BHXH sẽ là 22% tiền lương tháng, tương đương trên 2,6 tháng lương/năm. Nếu rút BHXH thì người lao động sẽ chỉ được trả lại bằng 2 tháng lương cho mỗi năm đóng BHXH. Khi về già, người lao động sẽ không có tiền hưu trí, phải sống phụ thuộc vào con cháu. Khi ốm đau, bệnh tật, không được hưởng BHYT miễn phí, khi tử vong, gia đình không được trợ cấp tử tuất, mai táng... Nếu người lao động sau này đi làm trở lại và có tham gia BHXH thì thời gian đóng trước đó cũng không được tính do đã hưởng BHXH một lần.

Nhằm hạn chế tình trạng người lao động hưởng BHXH một lần, BHXH tỉnh đã tăng cường tuyên truyền về lợi ích, tính nhân văn của chính sách BHXH. Cổng thông tin điện tử BHXH tỉnh đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Minh Thông, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh để tìm hiểu về thực trạng của việc rút bảo hiểm xã hội một lần và giải pháp khắc phục.

- Xin ông cho biết ý nghĩa và tính nhân văn của chính sách bảo hiểm xã hội hiện nay ở nước ta.

- Phó Giám đốc Đặng Minh Thông:
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách trụ cột của hệ thống an sinh xã hội, là "một của để dành" được Nhà nước bảo hộ, nhằm bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người tham gia khi họ hết tuổi lao động. BHXH là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động (NLĐ) khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH.

Hiện nay, ở nước ta có 2 loại hình BHXH:

 BHXH bắt buộc là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người NLĐ và người sử dụng lao động (SDLĐ) phải tham gia. Khi tham gia NLĐ được hưởng 05 chế độ: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động- bệnh nghề nghiệp, hưu trí  và tử tuất.

 BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. Người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn, cụ thể: Bằng 30% đối với người tham gia BHXH thuộc hộ nghèo; Bằng 25% đối với người tham gia BHXH thuộc hộ cận nghèo; Bằng 10% đối với các đối tượng khác.

- Thưa ông, gần đây tình trạng người lao động rủ nhau để rút BHXH một lần diễn ra rất nhiều ở các tỉnh, thành phố trên cả nước nói chung và tỉnh Bình Thuận nói riêng, ông đánh giá thế nào về thực trạng này?

- Phó Giám đốc Đặng Minh Thông:

Việc rút BHXH một lần không đem lại lợi ích mà là thiệt thòi cho NLĐ không chỉ về lương hưu hàng tháng mà còn ảnh hưởng đến quyền an sinh lâu dài. Cụ thể, theo quy định, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong đó, người lao động đóng 8% và người sử dụng lao động (SDLĐ) đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, NLĐ sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014. Còn về lâu dài, khi rút BHXH một lần, NLĐ không còn cơ hội được hưởng lương hưu và được cấp thẻ BHYT miễn phí trong suốt thời gian hưởng lương hưu để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe khi về già - độ tuổi dễ gặp bất trắc về sức khỏe, nhất là trong bối cảnh tiềm ẩn nhiều rủi ro, dịch bệnh như hiện nay.

- Vậy, theo Ông đâu là nguyên nhân? Và ngành bảo hiểm xã hội sẽ có những giải pháp gì để khắc phục trong những thời gian tới.

- Phó Giám đốc Đặng Minh Thông:

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng người rút BHXH một lần:

1. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều người bị mất việc, ngừng việc quá thời gian 01 năm, không có việc làm mới nên mới rút BHXH một lần.

2. Nhiều người lao động cuộc sống gặp khó khăn khi thôi việc không có kinh phí tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện

3. Nhiều người lao động chưa hiểu hết thiệt hại khi rút BHXH một lần.

4. Ngoài ra còn các nguyên nhân về chính sách, qui định liên quan cũng dẫn đến nhiều người rút BHXH một lần ( định cư nước ngoài, mắc bệnh ung thư, lao…)

Việc rút BHXH một lần là quyền của người tham gia, song cơ quan BHXH luôn khuyến cáo NLĐ nên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi rút. Tại BHXH tỉnh và các huyện, thị xã, khi tiếp nhận hồ sơ đề nghị rút BHXH một lần, cán bộ BHXH đều tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn NLĐ tham gia BHXH tự nguyện đối với các trường hợp, nghỉ việc sau 01 năm không tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc, hoặc tạm dừng chưa tham gia cho đến khi có điều kiện hơn về tài chính thì tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

BHXH, BHYT là những chính sách an sinh xã hội, bởi thế nên các cấp, các ngành đang nỗ lực để gia tăng số người tham gia và thụ hưởng chính sách. Tuy nhiên, có những người đã tham gia BHXH nhiều năm nhưng chỉ thấy lợi trước mắt mà không thấy được hết giá trị của BHXH đã rút BHXH một lần. Các cấp, ngành phối hợp cùng cơ quan BHXH cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền chính sách, tích cực vận động NLĐ tiếp tục tham gia BHXH để bảo đảm quyền lợi của mình và sự phát triển bền vững của xã hội.

Hiện nay dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội soạn thảo và tổ chức lấy ý kiến góp ý với nhiều điểm mới mang tính đột phá nhằm tạo điều kiện cho nhiều người dân được tiếp cận, thụ hưởng chính sách BHXH. Ông hãy cho bạn xem đài biết thêm về nội dung này.

- Phó Giám đốc Đặng Minh Thông:

Chia sẻ về định hướng chính sách BHXH đến năm 2030 và dự kiến sửa đổi Luật BHXH. Bộ Lao động- Thương binh & Xã hội dự thảo sẽ tập trung vào các nhóm chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ người đóng, hạn chế rút BHXH một lần.

Thứ nhất là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt bằng cách bổ sung các quy định trợ cấp hưu trí xã hội gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; hệ thống BHXH khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung

Hai là để mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc, dự thảo sẽ bổ sung lao động tham gia, bao gồm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng lương, lao động làm việc không trọn thời gian

Ba là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng tối thiểu từ 20 xuống 15, tiến tới còn 10 năm. Việc điều chỉnh tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn, đóng BHXH trong thời gian ngắn được hưởng lương hưu. Chính sách sẽ bổ sung những quy định mới nhằm giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng ngân sách.

Với BHXH một lần, người lao động vẫn sẽ được rút nếu có nhu cầu, song chính sách có thêm nhiều điều khoản khuyến khích lao động tiếp tục đóng góp để hưởng lương hưu thay vì rút 01 lần.

- Trong những năm qua, cơ quan BHXH tỉnh là một trong những đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế…để tăng cường phổ biến cho người dân, người lao động hiểu ý nghĩa và tầm quan trọng của việc tham gia BHXH, cơ quan BHXH có những hình thức tuyên truyền, phổ biến gì mới, dễ nghe, dễ hiểu để mọi người đồng thuận tham gia chính sách BHXH.

- Phó Giám đốc Đặng Minh Thông:

Để nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHXH tỉnh đã chú trọng đổi mới nội dung truyền thông phù hợp với đặc điểm của từng vùng, miền và từng nhóm người tham gia. Trong đó, chú trọng truyền thông về vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền trong chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; trách nhiệm của chủ sử dụng lao động trong việc tham gia BHXH, BHYT cho người lao động; quyền và lợi ích của người dân khi tham gia BHXH và BHYT. Nội dung truyền thông tại các cuộc hội nghị, đối thoại, tư vấn chính sách BHXH, BHYT được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu với nhiều ví dụ minh họa cụ thể, giúp người dân dễ tiếp cận với chính sách BHXH, BHYT. Các sản phẩm truyền thông về BHXH, BHYT được đổi mới về nội dung và hình thức thể hiện. 

Ngoài việc hàng năm BHXH tỉnh phối hợp với các Sở, ban, ngành, đoàn thể tổ chức các cuộc hội nghị tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT đến người lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, hội viên các hội, đoàn thể và người dân trên địa bàn. Phối hợp với ngành Bưu điện tổ chức các buổi Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, hưởng ứng Ngày BHYT Việt Nam 1/7 và tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; đẩy mạnh việc tổ chức các cuộc hội nghị tuyên truyền trực tiếp để phát triển người tham gia BHXH tự nguyện. Công tác phối hợp truyền thông trên Báo, Đài địa phương và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương đóng trên địa bàn được thực hiện thường xuyên, liên tục đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền và mọi tầng lớp Nhân dân về trách nhiệm và quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, việc tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp như: hội nghị, đối thoại, tư vấn gặp nhiều khó khăn, BHXH tỉnh đã phổ biến trong toàn thể CCVC, LĐ tăng cường truyền thông về BHXH, BHYT qua mạng xã hội như zalo, facebook cá nhân; đẩy mạnh truyền thông về BHXH, BHYT trên trang Fanpage và trang Zalo OA của BHXH tỉnh. Phối hợp với Bưu điện tỉnh tổ chức Livestream tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện qua mạng xã hội facebook. Tăng cường truyền thông theo từng nhóm nhỏ để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Chú trọng hình thức phát thanh tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở đến tận thôn, xóm, bản và khu phố. 

Ngoài ra, BHXH tỉnh còn biên soạn, thiết kế các infographic tuyên truyền, tăng cường hướng dẫn người dân, người lao động cài đặt ứng dụng VssID – BHXH số để theo dõi quá trình tham gia và thụ hưởng các chế độ chính sách BHXH, BHYT trên điện thoại thông minh.

Với việc chú trọng đổi mới nội dung và đa dạng các hình thức chuyển tải, công tác truyền thông, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT của BHXH tỉnh đã và đang góp phần tích cực vào việc nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về BHXH và BHYT, tạo sự đồng thuận trong cấp ủy Đảng, chính quyền và mọi tầng lớp Nhân dân về trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Một lần nữa cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phòng vấn. Kính chúc ông sức khỏe và thành công trong công việc.   

NT