Khỏa lấp các khoảng trống về tỷ lệ bao phủ BHXH trong khu vực phi chính thức

12/07/2024 09:50 AM


Thách thức trong triển khai BHXH tự nguyện và kế hoạch mở rộng độ bao phủ tại Việt Nam; già hoá dân số, tình trạng chính thức và vai trò của chương trình an sinh xã hội; kinh nghiệm ở các quốc gia có độ bao phủ mở rộng như Hàn Quốc, Trung Quốc;

BHXH cho NLĐ ở Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ; những tác động của việc hỗ trợ mức đóng đến việc mở rộng phạm vi người tham gia; nâng cao hiệu quả triển khai chương trình BHXH tự nguyện… Đó là những nội dung được các chuyên gia chia sẻ tại Hội thảo “Thực hiện chính sách BHXH: Kinh nghiệm quốc tế và hàm ý cho Việt Nam”, do BHXH Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) phối hợp tổ chức hôm nay (11/7) tại Quảng Ninh.

Chia sẻ tại Hội thảo, ở góc độ hoạch định chính sách, ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, Luật BHXH (sửa đổi) gồm 11 Chương, 141 Điều, với 5 nhóm chính sách lớn: Xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt; mở rộng diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH; mở rộng diện bao phủ đối tượng thụ hưởng BHXH; quy định quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng hoá danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ; tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước, đẩy mạnh CCHC...

Ông Trần Hải Nam- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TBXH)

Trong đó, nhiều nội dung mới như: Bổ sung tầng trợ cấp hưu trí xã hội do NSNN bảo đảm; bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; mở rộng quyền lợi hưởng; bổ sung quy định về quản lý thu, đóng BHXH; đa dạng danh mục, phương thức đầu tư (tự đầu tư, ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước, thị trường quốc tế) theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; quy định cụ thể trách nhiệm quản lý nhà nước, quản lý quỹ BHXH, duyệt, thẩm định, phê chuẩn quyết toán chi tổ chức và hoạt động BHXH; đơn giản TTHC về BHXH, giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.

Theo ông Trần Hải Nam, mặc dù Luật BHXH (sửa đổi) có nhiều điểm mới và thể hiện rõ tính ưu việt; song Việt Nam cũng đang đối diện với những khó khăn, thách thức trong thực hiện các chính sách an sinh, nhất là trong bối cảnh kinh tế-xã hội trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn, dịch bệnh, chiến tranh, nguy cơ lạm phát, tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại; tình trạng việc làm, thu nhập của NLĐ bị ảnh hưởng, cũng như những thay đổi cơ cấu dân số, tác động của già hóa dân số ngày càng rõ rệt; mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH cả về đối tượng tham gia và đối tượng thụ hưởng… làm gia tăng những thách thức nhằm đưa chính sách vào cuộc sống.

Đồng quan điểm, ông Đinh Duy Hùng- Phó Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, sau hơn 15 năm triển khai thực hiện, chính sách BHXH tự nguyện tại Việt Nam đã đi vào cuộc sống. Theo đó, đến năm 2020, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1.124.548 người, tăng gần gấp đôi so với năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, từ năm 2021, tốc độ phát triển BHXH tự nguyện có xu hướng chậm lại, khi cả nước có 1.449.820 người tham gia, chỉ tăng 29% so với năm 2020.

Đáng chú ý, việc phát triển BHXH tự nguyện trong khu vực phi chính thức đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức liên quan đến cơ chế, chính sách như: Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu; các mức hỗ trợ người tham gia; quy định về thời gian đóng tối thiểu; điều kiện hưởng BHXH một lần; các chế độ được hưởng thiếu tính hấp dẫn; linh hoạt các gói BHXH tự nguyện. Bên cạnh đó, còn có những thách thức liên quan đến tổ chức thực hiện như sự quan tâm vào cuộc của chính quyền các cấp, các ngành còn hạn chế, chưa quyết liệt; lao động khu vực phi chính thức có công việc bấp bênh, thiếu ổn định; yêu cầu mở rộng người tham gia BHXH tự nguyện ngày càng cao trong khi nguồn nhân lực của ngành BHXH Việt Nam còn hạn chế, nhân viên tổ chức dịch vụ thu còn kiêm nhiệm, thiếu kinh nghiệm…

Theo ông Hùng, Luật BHXH (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã khắc phục được những bất cập của chính sách, đồng thời ngành BHXH Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp mở rộng diện bao phủ BHXH ở khu vực phi chính thức như: Tăng cường phối hợp với các bộ, ngành truyền thông chính sách đến với đông đảo người dân; kiện toàn thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; phân công, phân nhiệm cụ thể, đồng thời gắn trách nhiệm thực hiện đến từng thành viên.

Cùng với đó, tiếp tục cải cách, đơn giản hoá các TTHC và đẩy mạnh ứng dụng CNTT, để tạo thuận lợi cho người tham gia; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành theo quy định. Đổi mới các hoạt động truyền thông; mở rộng mạng lưới tổ chức dịch vụ thu, điểm thu để tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH. Rà soát, nghiên cứu, phân nhóm người tham gia tiềm năng làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, kịch bản phù hợp với từng địa phương và tình hình thực tiễn...

Ông Robert Palacios- Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB

Ông Robert Palacios- Chuyên gia Kinh tế trưởng của WB lại có góc nhìn từ đánh giá việc già hoá dân số và tình trạng phi chính thức ở Châu Á tác động đến an sinh xã hội và bài học cho Việt Nam. Theo ông Robert Palacios, Đông Nam Á đang có tốc độ già hoá dân số chưa từng thấy. Dẫn chứng thêm số liệu tại một số quốc gia như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc và Hàn Quốc, ông Robert Palacios nhận định, cùng với già hoá dân số, thì số lao động trong độ tuổi đang giảm dần và già đi trước khi đạt được mức thu nhập cao.

Trước tình trạng này, ông Robert Palacios cho rằng, để bảo đảm an sinh cho lao động khu vực phi chính thức, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng các giải pháp thúc đẩy lương hưu tự nguyện, mở rộng lương hưu xã hội, tăng mức độ bao phủ BHXH tự nguyện, xây dựng các cơ chế khuyến khích người tham gia vào hệ thống an sinh xã hội.

Chia sẻ thành công về giải quyết “điểm mù” trong phạm vi bao phủ hưu trí quốc gia của Hàn Quốc, TS.Hyunpo Moon- Chuyên gia tư vấn của WB cho biết, ban đầu, Cơ quan Hưu trí Quốc gia Hàn Quốc chỉ chi trả cho lao động toàn thời gian, sau đó liên tục được mở rộng để chi trả cho nơi làm việc có 5 lao động toàn thời gian trở lên, nông dân và ngư dân, người dân thành thị và nơi làm việc có từ 1 lao động trở lên; và hiện tại đã trở thành chương trình hưu trí cho toàn dân. Nhờ mở rộng dần từng nhóm đối tượng, đến năm 2020, số người được bảo hiểm theo chương trình hưu trí quốc gia (NPS) chiếm đến 72,2% trong tổng số người từ 18-59 tuổi.

Đồng thời, để thu hẹp khoảng cách bao phủ người tham gia, từ năm 2012, Chính phủ Hàn Quốc đã cung cấp các khoản trợ cấp mức đóng góp cho nhóm lao động mục tiêu. Trong đó, hướng đến những NLĐ có mức lương thấp làm việc trong DN nhỏ; thực hiện trợ cấp cho NLĐ và người SDLĐ, không giới hạn số NLĐ và DN mới đăng ký, mức đóng góp được bảo hiểm cho cả hưu trí quốc gia và việc làm…

Chia sẻ thành công trong bảo đảm an sinh đối với lao động phi chính thức trước những thách thức về già hoá dân số, TS.Benxi Lin- Trường Kinh tế và Quản lý (Đại học Nông lâm Phúc Kiến, Trung Quốc) và TS.Zhang Yu- Khoa Kinh tế Nông nghiệp (Đại học Texas A&M) cho biết, dân số Trung Quốc đang già hoá nhanh ở hầu hết các quốc gia khác. Theo dự báo của Liên hợp quốc, năm 2000, tỷ lệ người trên 60 tuổi ở Trung Quốc là trên 20% dân số; năm 2020 là trên 30% dân số. Tỷ lệ người già phụ thuộc ở nông thôn và thành thị của Trung Quốc cũng ở mức cao.

Thực tế này đòi hỏi Trung Quốc cần một hệ thống hưu trí bền vững, với độ bao phủ rộng và phúc lợi thích đáng, để có thể đáp ứng nhu cầu của dân số già ở nông thôn. Theo đó, năm 2009, Trung Quốc đã triển khai chương trình Hưu trí nông thôn mới (NRPS) với đối tượng tham gia là người không hưởng lương ở nông thôn và sẽ nhận lương hưu vào năm 60 tuổi. Chương trình phấn đấu đạt bao phủ toàn bộ vào năm 2020, nhưng thực tế đã đạt được mục tiêu này vào năm 2012.

Năm 2011, quỹ hưu trí xã hội dành cho cư dân thành thị (URSP) được thành lập theo mô hình của NRSP, nhắm đến những người không thuộc các chương trình hưu trí khác. Đến năm 2014, chương trình URSP đã hoàn thành độ bao phủ. Chính phủ đã hợp nhất 2 chương trình thành hệ thống hưu trí cơ bản cho cư dân thành thị và nông thôn (URBP).

Đánh giá thành công trong việc hoàn thành bao phủ nhóm lao động khu vực phi chính thức một cách nhanh chóng tại Trung Quốc, TS.Zhang Yu cho rằng, việc hỗ trợ tài chính của Chính phủ là rất quan trọng trong bao phủ người tham gia. Cùng với đó, là sự vào cuộc của chính quyền cơ sở, cán bộ các thôn, bản; cũng như việc cải thiện niềm tin của người dân vào Chính phủ, tăng cường hỗ trợ đóng góp và cải thiện cơ chế khuyến khích, qua đó góp phần vào sự thành công bền vững trong bao phủ chính sách hưu trí đến lao động khu vực phi chính thức.

Bích Thủy