Phát huy vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong đảm bảo an sinh xã hội đất nước
16/02/2024 07:46 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2023, trước bối cảnh một số chính sách về BHYT thay đổi, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi khó khăn chung của nền kinh tế - xã hội… đã tác động trực tiếp đến công tác phát triển người tham gia BHYT của ngành BHXH Việt Nam. Song dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, sự phối hợp tích cực của cấp ủy, chính quyền các cấp, toàn Ngành đã đoàn kết, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu mở rộng hiệu quả diện bao phủ BHYT với trên 93 triệu người tham gia, tiếp tục tiệm cận mục tiêu BHYT toàn dân đã được Đảng, Chính phủ giao phó và đảm bảo ngày càng có thêm nhiều người dân được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
Mới đây, phóng viên Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Đức Hòa, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam xung quanh công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT của Ngành trong năm 2023.
PV: Năm 2023 được đánh giá là năm thành công trong việc mở rộng diện bao phủ BHYT của ngành BHXH Việt Nam, đến nay tỷ lệ người tham gia BHYT đã đạt 93,35% dân số, ông đánh giá như thế nào về kết quả này và việc đảm bảo chăm sóc sức khỏe cho người tham gia BHYT đã được ngành BHXH Việt Nam triển khai hiệu quả ra sao trong năm vừa qua, thưa ông?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa: Tính đến hết năm 2023, toàn quốc đã có 93,307 triệu người dân có thẻ BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 93,35% dân số và có hơn 174,8 triệu lượt khám chữa bệnh (KCB) BHYT (tăng trên 23,4 triệu lượt KCB so với năm 2022) với số chi KCB BHYT khoảng 124,3 nghìn tỷ đồng. Theo đó, chính sách BHYT ngày càng đi vào cuộc sống, đã giúp cho hàng triệu người dân được chăm sóc sức khỏe, giảm bớt gánh nặng về tài chính khi không may bị ốm đau, bệnh tật. Điều này thể hiện quyết tâm chính trị trong công cuộc chăm sóc sức khỏe Nhân dân của Đảng, Nhà nước ta.
Là cơ quan tổ chức, thực hiện chính sách BHYT, trong năm qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực, trách nhiệm phối hợp cùng với các Bộ, Ngành, đặc biệt là Bộ Y tế trong quá trình xây dựng, sửa đổi Luật BHYT. Ngoài ra, BHXH Việt Nam cũng kịp thời tham mưu, phối hợp đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP ngày 19/10/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, góp phần mở rộng thêm nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ đóng BHYT; nâng mức hưởng BHYT của người tham gia kháng chiến và bảo vệ Tổ quốc, người phục vụ người có công; quy phạm hoá quy định lập, giao dự toán và thông báo số dự kiến chi KCB BHYT để hướng tới sử dụng nguồn kinh phí KCB BHYT hiệu quả và giải quyết vướng mắc về cơ chế thanh toán chi phí KCB BHYT giai đoạn 2019 đến 2022. Theo đó, các đề xuất của BHXH Việt Nam, đơn cử như: Mở rộng quyền lợi thụ hưởng chính sách BHYT của một số nhóm đối tượng; tháo gỡ vướng mắc trong thanh toán chi phí KCB, tăng cường các biện pháp quản lý, sử dụng quỹ BHYT… đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất của các Bộ, ngành và được Chính phủ cụ thể hóa tại Nghị định số 75.
Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa.
Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng chủ động, tích cực phối hợp với Bộ Y tế xây dựng và triển khai thực hiện quy định chuẩn hóa và định dạng dữ liệu đầu ra phục vụ việc quản lý, giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT và giải quyết các chế độ liên quan; góp phần chuẩn hóa dữ liệu đưa lên Hệ thống Thông tin giám định BHYT của Ngành, đảm bảo tính chính xác, minh bạch trong công tác giám định, thanh toán chi phí KCB BHYT.
Song song đó, BHXH Việt Nam thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo BHXH các tỉnh kịp thời phối hợp chặt chẽ với các ngành trong việc triển khai thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn, tổ chức hội nghị hoặc làm việc trực tiếp với lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, các Sở ngành địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp để bàn về các giải pháp phát triển người tham gia; Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số; Tăng cường công tác truyền thông; Phối hợp với các Tổ chức Dịch vụ thu triển khai các hình thức tư vấn, vận động người tham gia, ưu tiên vận động, khuyến khích 100% thành viên thuộc hộ gia đình tham gia; Thường xuyên thực hiện kiểm tra, hướng dẫn nghiệp vụ giám định; Thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, xử lý các đơn vị chậm đóng BHYT;…
Đặc biệt, trong năm qua, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực triển khai chương trình “Tặng sổ BHXH, thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn” tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, hướng tới nhóm người chưa có thẻ BHYT thuộc diện mới thoát nghèo, người thuộc hộ cận nghèo, người có mức sống trung bình chưa tham gia BHYT và người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế khác… Đây là hoạt động xã hội có ý nghĩa thiết thực, giúp người dân có hoàn cảnh khó khăn được tham gia BHYT và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn, có cơ hội thoát bẫy nghèo đói khi không may ốm đau, bệnh tật. Hy vọng chương trình sẽ có sức lan tỏa rộng rãi trong xã hội, góp phần hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân.
Với những nỗ lực trong thực hiện đồng bộ các giải pháp triển khai chính sách BHYT như đã nêu trên, ngành BHXH Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu bao phủ BHYT, đảm bảo được quyền lợi KCB BHYT cho người có thẻ BHYT.
PV: Có thể thấy, trong năm qua, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với Bộ Y tế trong việc xây dựng hệ thống pháp luật về BHYT và có nhiều nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc trong thanh quyết toán chi phí KCB BHYT, đảm bảo lợi ích cho người dân tham gia KCB BHYT. Ông có thể chia sẻ thêm về những giải pháp này thưa ông?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa: Bên cạnh việc chi trả kịp thời, đầy đủ các chế độ KCB BHYT cho người tham gia, thời gian qua, BHXH Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với ngành Y tế đề xuất và triển khai các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ, đảm bảo nguồn kinh phí KCB BHYT cho các cơ sở KCB thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế, đem lại quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT theo Luật định. Trong đó, hoàn thiện, xây dựng quy chế phối hợp giữa 2 cơ quan trong tình hình mới; thống nhất tăng cường, phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong xây dựng hệ thống pháp luật về BHYT, tuyên truyền, phổ biến chính sách; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế… Với các đầu việc cụ thể đã được các đơn vị liên quan của Bộ Y tế và BHXH Việt Nam phối hợp chặt chẽ, triển khai toàn diện. Sau thời gian có những gián đoạn do dịch bệnh, năm 2023, hai cơ quan đã luân phiên tổ chức họp, giao ban để kịp thời thảo luận, tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai chính sách BHYT.
Hai cơ quan đã phối hợp tiếp tục hoàn thiện các dự thảo: Luật BHYT sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT; Trình cấp có thẩm quyền ban hành các Nghị định, Nghị quyết, Chỉ thị về chính sách BHYT, phát triển chính sách BHYT, nâng cao hoạt động y tế cơ sở; bổ sung nhiều quyền lợi, nhóm được hỗ trợ tham gia BHYT… Hai cơ quan đã phối hợp triển khai hiệu quả Nghị định số 75/2023-NĐ-CP của Chính phủ; Ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn địa phương, cơ sở KCB trong thực hiện chính sách BHYT.
Đáng chú ý, trong KCB BHYT, hai ngành đã phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý KCB, giám định và thanh quyết toán chi phí KCB BHYT; sử dụng CCCD gắn chíp, ứng dụng VssID thay thế thẻ BHYT trong KCB BHYT...
Trong thời gian tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế tập trung đề xuất, tham mưu sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong công tác KCB BHYT; đồng thời, phối hợp tìm ra các phương án tối ưu để hướng tới mục tiêu lâu dài là chăm sóc sức khỏe và đảm bảo kịp thời, đầy đủ lợi ích cho người có thẻ BHYT.
PV: Hiện ngành BHXH Việt Nam được đánh giá là một trong những cơ quan triển khai hiệu quả công tác chuyển đổi số và ứng dụng CNTT. Xin ông cho biết công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT của Ngành trong lĩnh vực BHYT đã đem lại hiệu quả cụ thể gì cho người tham gia, cơ sở KCB và chính cơ quan BHXH?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa: Có thể khẳng định, bên cạnh việc tham gia và được thụ hưởng những quyền và lợi ích thiết thực của chính sách BHYT, người tham gia BHYT còn được trải nghiệm, sử dụng những tiện ích đơn giản, thuận lợi về thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến lĩnh vực BHYT thông qua việc cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam trong những năm qua.
Việc gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết các TTHC về BHYT được thực hiện linh hoạt với nhiều phương thức như: Trực tiếp tại Bộ phận Một cửa; Qua dịch vụ bưu chính công ích (tổ chức, doanh nghiệp không phải trả phí); Qua giao dịch điện tử và dịch vụ công (DVC) trực tuyến: BHXH Việt Nam đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công mức độ 4 cho tất cả các TTHC của Ngành (bao gồm 25 TTHC), trong đó có 05 thủ tục liên quan đến đăng ký, điều chỉnh đóng BHYT, cấp đổi thẻ BHYT.
Cùng với đó, hệ thống thông tin giám định BHYT của BHXH Việt Nam đã mang lại nhiều hiệu quả đối với người tham gia BHYT, cơ sở y tế, cơ quan BHXH và các cơ quan quản lý. Trong đó, giúp giảm đáng kể thời gian chờ KCB, các thông tin về thẻ BHYT được tra cứu trực tuyến và cập nhật trực tiếp vào phần mềm quản lý KCB của cơ sở y tế; Các trường hợp gia hạn thẻ, đủ điều kiện miễn cùng chi trả được cập nhật ngay giúp người bệnh được đảm bảo đầy đủ quyền lợi KCB ngay khi đang điều trị tại bệnh viện; Người bệnh tự tra cứu được thông tin về chi phí điều trị, các dịch vụ đã sử dụng, minh bạch quyền lợi hưởng BHYT đồng thời tăng cường vai trò tham gia kiểm soát sử dụng quỹ KCB của người tham gia BHYT. Hiện, toàn Ngành đã kết nối với gần 13 nghìn cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc để tiếp nhận dữ liệu đề nghị thanh toán chi phí KCB BHYT hằng ngày.
Chính sách BHYT tiếp tục phát huy vai trò đảm bảo an sinh xã hội đất nước.
Ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị đi động thực sự là kênh giao tiếp, cung cấp cho người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT các thông tin, tiện ích, thực hiện các dịch vụ công một cách tiện lợi, dễ dàng, nhanh chóng nhất. Ứng dụng này có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện thủ tục KCB BHYT của người dân, cung cấp các thông tin liên quan đến việc KCB, lịch sử KCB BHYT... giúp người tham gia chủ động quản lý các thông tin KCB BHYT của bản thân và trực tiếp giám sát để đảm bảo quyền lợi người tham gia, đảm bảo sự công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức thực hiện chính sách.
Bên cạnh đó, nhằm đơn giản hóa thủ tục KCB BHYT, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi KCB, thực hiện Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu quốc gia về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Công an triển khai thực hiện việc xác thực thông tin công dân, sử dụng CCCD gắn chíp, ứng dụng định danh điện tử quốc gia thay thế thẻ BHYT giấy để KCB BHYT…
Có thể thấy, công tác cải cách TTHC, đẩy mạnh ứng dụng CNTT, chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã mang lại nhiều tiện ích, tạo thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí khi tham gia, thụ hưởng các chế độ, chính sách BHYT cho người tham gia. Những lợi ích này cho thấy công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đang có hướng đi đúng, đem lại những kết quả tích cực, góp phần phục vụ người thụ hưởng, đảm bảo an sinh xã hội ngày càng tốt hơn; từ đó khuyến khích người dân tích cực tham gia BHYT, góp phần hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân.
PV: Bước sang năm mới 2024, ông có thể cho biết về quyết tâm và những giải pháp của ngành BHXH Việt Nam trong việc triển khai, tổ chức thực hiện chính sách BHYT?
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa: Năm 2024, dự báo tiếp tục còn nhiều khó khăn thách thức đối với công tác tổ chức thực hiện chính sách BHYT của Ngành. Tuy nhiên, toàn Ngành vẫn quyết tâm đặt muc tiêu phấn đấu đạt tỉ lệ 95,15% dân số tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân theo đúng tinh thần Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới của Ban Chấp hành Trung ương. Theo đó, ngành BHXH Việt Nam sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp như:
Tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong quá trình xây dựng văn bản hướng dẫn tổ chức thực hiện chính sách BHYT, bảo đảm bám sát yêu cầu thực tiễn, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh. Đồng thời, phối hợp với ngành Y tế tăng cường công tác quản lý quỹ KCB BHYT đối với các cơ sở KCB; quan tâm đầu tư nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến cơ sở để thu hút người có thẻ BHYT đến khám, điều trị, giảm tình trạng người bệnh tập trung quá đông lên tuyến trên.
Đảm bảo cấp kinh phí để các cơ sở KCB BHYT hoạt động theo đúng quy định; thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời các chi phí KCB BHYT cho người tham gia. Toàn ngành tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển mạnh mẽ ứng dụng CNTT trong tổ chức thực hiện BHYT. Tăng cường công tác giám định trên Hệ thống thông tin giám định BHYT; áp dụng quy trình giám định BHYT mới gồm hai phương pháp chủ động và tự động; chủ động và phối hợp với ngành Y tế kiểm soát các chi phí bất hợp lý tại các cơ sở KCB BHYT theo cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định BHYT.
Đẩy mạnh công tác truyền thông chính sách BHYT, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân tích cực và chủ động tham gia BHYT.
Chỉ đạo, lãnh đạo BHXH các tỉnh, thành phố tiếp tục phát huy vai trò tham mưu với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHYT trên địa bàn: mở rộng hiệu quả diện bao phủ BHYT; ngăn ngừa các hành vi trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT; bảo đảm cân đối quỹ KCB BHYT trên địa bàn một cách bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Giám đốc!
PV
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Chúc mừng Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/02
Tọa đàm, Sinh hoạt ngày Quốc tế Phụ nữ 08/3
Thăm, chúc Tết gia đình chính sách
Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2021