Đề xuất một số tình huống khám chữa bệnh được hưởng 100% bảo hiểm y tế

03/05/2024 02:57 PM


Bộ Y tế đang phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành liên quan nhanh chóng hoàn thiện việc xây dựng dự thảo sửa đổi Luật bảo hiểm y tế để trình Chính phủ, trình Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua.

Ảnh minh họa: Việt Dũng/TTXVN

Ảnh minh họa: Việt Dũng/TTXVN

Việc sửa đổi Luật bảo hiểm y tế hướng đến tạo công bằng, thuận lợi cho việc cung ứng, sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; nâng cao hiệu quả hoạt động của y tế cơ sở, quan tâm đến chăm sóc sức khỏe ban đầu, góp phần quản lý toàn diện sức khỏe người dân.

Khi nào người khám chữa bệnh được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế 100%

Tại dự thảo luật, Bộ Y tế đã đề xuất một số tình huống khám chữa bệnh được hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế 100%

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất quy định mức hưởng bảo hiểm y tế 100% cho các trường hợp không phải theo trình tự, thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, phân cấp chuyên môn, kỹ thuật.

Một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần phẫu thuật hoặc sử dụng kỹ thuật cao được đến khám chữa bệnh tại cơ sở có chuyên khoa thuộc cấp khám chữa bệnh cơ bản, chuyên sâu theo quy định của Bộ Y tế được thanh toán 100% theo mức hưởng.

Về nội dung này, Vụ trưởng Vụ bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) Trần Thị Trang giải thích: Ví dụ với một số bệnh hiếm, bệnh cần phải sử dụng kỹ thuật cao hoặc với các bệnh mà tại bệnh viện cấp cơ bản như huyện, tỉnh chưa điều trị được, chưa được phê duyệt danh mục kỹ thuật thì người dân có thể đến thẳng cơ sở cấp chuyên sâu, bệnh viện tuyến cuối, đầu ngành để được chẩn đoán, điều trị. Như vậy vẫn được coi là đúng cấp chuyên môn kỹ thuật, được hưởng chi phí 100% quyền lợi bảo hiểm y tế.

Cũng theo Vụ trưởng Trần Thị Trang, ngoài đề xuất trên, dự thảo cũng đề xuất, với một số bệnh sau khi chẩn đoán ban đầu ở tuyến trên, chuyên sâu, kỹ thuật cao, có thể trở về chăm sóc tại y tế xã hay bệnh viện huyện thì người bệnh được tiếp nhận quản lý bệnh tại tuyến dưới và nhận thuốc giống như thuốc ở tuyến trên (ví dụ như thuốc tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường...), như khi khám ở bệnh viện tuyến tỉnh, hay bệnh viện thuộc Bộ Y tế.

Một đề xuất khác là người bệnh được tự đến khám chữa bệnh tại cơ sở y tế thuộc chuyên môn kỹ thuật cao hơn tại địa phương hoặc địa phương giáp ranh trong trường hợp cơ sở đăng ký khám chữa bệnh ban đầu, cơ sở y tế cấp chuyên môn kỹ thuật cao hơn liền kề với cơ sở mà người bệnh đăng ký khám chữa bệnh ban đầu không có đủ năng lực, phạm vi hoạt động chuyên môn đối với một số dịch vụ kỹ thuật, một số bệnh theo quy định của Bộ Y tế sẽ được thanh toán 100% theo mức hưởng.

Mở rộng phạm vi quyền lợi chi trả bảo hiểm y tế

Bộ Y tế đề xuất mở rộng phạm vi quyền lợi chi trả bảo hiểm y tế đối với việc khám chữa bệnh để đánh giá nguy cơ và điều trị ngăn ngừa sự xuất hiện, tiến triển của một số bệnh có tỷ lệ mắc cao, đạt hiệu quả khi can thiệp sớm, góp phần giảm gánh nặng bệnh tật ở giai đoạn muộn để đồng bộ với khái niệm khám chữa bệnh mới được điều chỉnh trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Theo đó, các bệnh được đề xuất chi trả cho đánh giá nguy cơ, điều trị ngăn ngừa bao gồm ung thư cổ tử cung; ung thư vú.

Vụ trưởng Trần Thị Trang cho rằng: "Đây là nhóm bệnh ung thư phổ biến, gây gánh nặng bệnh tật lớn và có nhiều bằng chứng về chi phí- hiệu quả của các biện pháp sàng lọc, bệnh cạnh đó thực tiễn nhiều quốc gia đã thưc hiện chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh này".

Dự thảo luật bảo hiểm y tế sửa đổi cũng quy định đối với các chế phẩm máu, khí y tế (O2, N2O) và các chế phẩm khác để điều trị bệnh: chế phẩm dinh dưỡng đặc biệt, sữa mẹ hiến tặng thanh trùng... thuộc phạm vi được hưởng bảo hiểm y tế để bảo đảm tính bao quát, đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Thực tế các chế phẩm này không phải là thuốc nhưng được dùng để điều trị bệnh, đã được quy định trong các hướng dẫn chẩn đoán điều trị của Bộ Y tế, WHO, các hội y khoa thế giới. Cùng đó, một số đã được Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán (máu, chế phẩm máu, O2, N2O) cần được cập nhật trong Luật bảo hiểm y tế để đúng yêu cầu chuyên môn, quyền lợi của người bệnh và bảo đảm tính pháp lý cao.

Dự thảo luật cũng đề xuất mở rộng độ tuổi điều trị lác, sụp mí và tật khúc xạ của mắt đối với người dưới 18 tuổi để phù hợp về chỉ định chuyên môn và điều trị hiệu quả.

Bên cạnh đó, một trong những chính sách lớn đề xuất tại dự thảo Luật bảo hiểm y tế là điều chỉnh chi phí quản lý tối đa 5% như quy định hiện hành xuống tối đa 4% cho hoạt động quản lý quỹ bảo hiểm y tế. Phần còn lại 1% bổ sung vào quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Với việc này giúp tổng kinh phí được bổ sung vào quỹ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế mỗi năm khoảng 1.100 tỷ đồng sẽ được phân bổ, điều tiết ngay từ đầu năm cho các cơ sở khám chữa bệnh.

"Chính sách này góp phần tăng nguồn kinh phí chi cho khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trong bối cảnh mức đóng BHYT còn thấp, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân ngày càng tăng. Đồng thời tăng phân bổ cho khám chữa bênh bảo hiểm y tế sẽ góp phần tăng quyền lợi và khả năng tiếp cận của người dân với các dịch vụ y tế, từ đó làm giảm tỷ lệ mắc, điều trị các bệnh, tật. Cùng đó, chính sách này cũng tác động đến giảm nghèo thông qua hạn chế chi từ tiền túi của những người dân do tăng tiếp cận với dịch vụ y tế”, bà Trần Thị Trang nhấn mạnh.

Nguồn: baotintuc.vn

  • Lượt truy cập: 2615051
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 2399
  • Đang trực tuyến: 1208