Thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức, người lao động

19/11/2024 01:45 PM


Ngày 23/10/2024, Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành Công văn số 3788/BHXH-TCCB hướng dẫn thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức, người lao động ngành BHXH Việt Nam theo Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.

Theo đó, Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện việc đo đạc, đánh giá môi trường lao động tại kho lưu trữ của BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã để xác định các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại theo quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội để thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật đối với viên chức, người lao động làm công tác lưu trữ hồ sơ tại các vị trí việc làm thuộc BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã.

Viên chức, người lao động được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật khi có đủ 02 điều kiện: có quyết định điều động hoặc bố trí, phân công thực hiện nhiệm vụ tại vị trí việc làm lưu trữ hồ sơ của BHXH tỉnh, BHXH các huyện, thị xã; đồng thời, môi trường làm việc, lao động có ít nhất 01 trong 02 yếu tố như: (1) có ít nhất một trong các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn vệ sinh cho phép theo quy định của Bộ Y tế; (2) tiếp xúc với ít nhất 01 yếu tố được xếp từ 04 điểm trở lên thuộc nhóm chỉ tiêu “Tiếp xúc các nguồn gây bệnh truyền nhiễm theo Luật Phòng, chống các bệnh truyền nhiễm” (quy định tại số thứ tự 10.1 Mục A, Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động).

Kho lưu trữ hồ sơ tại Văn phòng BHXH tỉnh

BHXH tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ quan chức năng có thẩm quyền và có đủ điều kiện hoạt động quan trắc môi trường lao động theo quy định của pháp luật để thực hiện số liệu đo, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại làm căn cứ quyết định mức bồi dưỡng bằng hiện vật. Đồng thời, áp dụng các biện pháp kỹ thuật, tăng cường các thiết bị an toàn và vệ sinh lao động để cải thiện điều kiện lao động. Nếu khi chưa thể khắc phục được hết các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại thì tổ chức thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật bảo đảm viên chức, người lao động hưởng đầy đủ, đúng mức bồi dưỡng được phê duyệt để ngăn ngừa bệnh tật và bảo đảm sức khỏe cho viên chức, người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại.

Viên chức BHXH tỉnh thực hiện nhiệm vụ

Thực hiện đo, đánh giá môi trường lao động khi áp dụng các biện pháp để cải thiện điều kiện lao động hoặc khi điều kiện lao động thay đổi, bảo đảm thực hiện tối thiểu 01 lần trong vòng 05 năm (theo quy đinh tại khoản 1 Điều 10 Thông tư số 29/2021/TT-BLĐTBXH ngày 28/12/2021 của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động), căn cứ vào kết quả mới về điều kiện lao động để xem xét điều chỉnh mức bồi dưỡng hoặc dừng thực hiện bồi dưỡng bằng hiện vật.

Bên cạnh đó, còn thực hiện tham vấn ý kiến chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng cơ cấu hiện vật dùng để bồi dưỡng phù hợp với việc thải độc, tăng cường sức đề kháng của cơ thể tương ứng với mức bồi dưỡng được phê duyệt, phù hợp với vị trí việc làm và sức khỏe của viên chức, người lao động.

Việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm. Nếu trong trường hợp viên chức, người lao động làm việc lưu động, phân tán, ít người mà không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ thì phải cấp hiện vật để viên chức, người lao động có trách nhiệm tự bồi dưỡng theo quy định. Không được trả bằng tiền, không được trả vào lương thay cho hiện vật bồi dưỡng./.                                                                 

Hoàng Nhân

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1