Ngăn chặn từ sớm, từ xa

04/12/2024 04:29 PM


Theo thống kê của BHXH Việt Nam, mặc dù tỉ lệ số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp so với số tiền phải thu những năm gần đây giảm dần qua từng năm (năm 2021 chiếm 3,1% đến năm 2022 là 2,91% và năm 2023 là 2,69%), nhưng số tuyệt đối thì lại tăng qua từng năm, đến hết tháng 9/2024, con số này đã lên đến trên 17.000 tỷ đồng.

Trong lúc biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính chỉ mang lại hiệu quả nhất định, thì việc khởi tố hình sự theo quy định của Bộ Luật Hình sự đối với hành vi gian lận, trốn đóng, chậm đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp được xem là “liều thuốc” mạnh, có tính răn đe nhất đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Tính từ năm 2018 đến năm 2023, lực lượng Công an toàn quốc đã tiếp nhận 378 hồ sơ thông tin kiến nghị xử lý hình sự về hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của các DN từ cơ quan BHXH. Song đến nay mới có 1 vụ trốn đóng BHXH bị khởi tố. Mặc dù vậy, do vướng mắc về quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân nên vụ án hiện không khởi tố bị can đối với giám đốc DN, mà cơ quan điều tra chỉ thực hiện quyết định phạt tiền đối với DN trên.

Thứ trưởng Bộ Công an Phạm Thế Tùng cho biết, hiện nay việc khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp còn vướng do cả nguyên nhân khách quan, chủ quan và cả những bất cập về chính sách, pháp luật trong quá trình tổ chức thực hiện.

Cụ thể, Điều 216 về tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định: Người nào có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 6 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tiền 50 triệu đến 200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.

Tuy nhiên, Nghị định số 12/2022/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế lại chưa có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người quản lý, điều hành, người đại diện theo pháp luật của đơn vị SDLĐ. Vì vậy, khi xử lý hình sự theo Điều 216, cơ quan điều tra chỉ xử lý được với pháp nhân, mà không xử lý được với cá nhân.

Mặt khác, việc chứng minh được bản chất hành vi của người SDLĐ trốn đóng BHXH là rất khó do chưa được lượng hóa rõ ràng, cụ thể; khó phân biệt được hành vi chậm đóng vì nguyên nhân khách quan với trốn đóng là ý chí chủ quan, dẫn đến khó xác định được yếu tố lỗi của chủ thể thực hiện hành vi vi phạm và các yếu tố cấu thành tội phạm. “Do đó, đến nay cả nước mới khởi tố được một pháp nhân, chưa có vụ án nào khởi tố bị can về hành vi trốn đóng BHXH quy định tại Điều 216 của Bộ luật Hình sự”- Thứ trưởng Phạm Thế Tùng cho hay.

Thực tế cho thấy, cơ quan BHXH không có khả năng, công cụ để xác định được các hành vi vi phạm nghĩa vụ đóng là trốn đóng hay không phải trốn đóng, cũng không có thẩm quyền để có thể chứng minh được người có nghĩa vụ đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cố ý và có hành vi gian dối và bằng thủ đoạn khác theo hướng dẫn tại Điều 2 Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao. Do vậy, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT vẫn diễn biến phức tạp…

Đồng thời, cần có hướng dẫn cụ thể hơn về việc xử lý hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho NLĐ thực hiện trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018. Theo đó, cần quy định về số tiền đóng mới của DN từ ngày 1/1/2018 đến nay đối với các DN vẫn còn nợ đọng BHXH trong thời gian trước ngày 1/1/2018, bảo đảm quyền lợi của NLĐ nói riêng và quỹ BHXH nói chung, tạo điều kiện cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội trong quá trình xử lý hình sự.

Phía cơ quan Công an cũng đề nghị cơ quan BHXH trong quá trình xử lý vi phạm hành chính cần lập biên bản giao quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho người vi phạm, có tài liệu thể hiện việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế của cơ quan BHXH đã áp dụng đối với đơn vị vi phạm, khẩn trương cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan điều tra. Cơ quan BHXH sau khi thanh tra phải làm rõ được tiền trốn đóng, tiền chậm đóng và tiền lãi nhằm xác định thiệt hại từ hành vi trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của người vi phạm.

Theo các chuyên gia, để bảo vệ quyền lợi về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp tốt hơn cho NLĐ, cần sự phối hợp chặt chẽ từ các bên liên quan. Trong đó, tổ chức Công đoàn có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH cập nhật, nắm bắt thông tin về “sức khỏe” các DN khi bắt đầu có dấu hiệu chậm đóng BHXH. Bởi phát hiện càng sớm, số tiền chậm đóng càng nhỏ, số lãi chậm đóng càng ít thì DN càng có điều kiện khắc phục. Cơ quan BHXH cần chủ động thông báo cho chính quyền địa phương tổ chức thanh tra, giám sát, đôn đốc, nếu có dấu hiệu vi phạm cần chuyển sang cơ quan Công an điều tra để khởi tố. Áp dụng những biện pháp xử lý mạnh tay đối với DN cố tình chây ì chậm đóng, trốn đóng, chiếm dụng tiền BHXH, BHYT, BH thất nghiệp, chắc chắn quyền lợi của NLĐ sẽ được đảm bảo tốt hơn.

 

Bài: Thanh Hằng Đồ hoạ: Hiểu Thanh

  • Lượt truy cập:
  • Tháng này:
  • Hôm nay:
  • Đang trực tuyến: 1