Sắp xếp, tinh gọn 2 Uỷ ban, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, BHXH Việt Nam
11/12/2024 07:22 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Ngày 10/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc đã chủ trì các cuộc họp về sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và BHXH Việt Nam.
Báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước nêu rõ quan điểm, nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy là: Nhất quán tuân thủ và nghiêm túc triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn theo định hướng, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.
Thực hiện chuyển giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu tại các tập đoàn, tổng công ty do Ủy ban làm cơ quan đại diện chủ sở hữu về các bộ quản lý chuyên ngành; chuyển giao bộ máy nhân sự quản lý theo nguyên tắc "người theo việc" đồng bộ với phương án chuyển giao doanh nghiệp; đảm bảo quyền lợi, công việc cho cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức của Ủy ban.
Cho ý kiến chỉ đạo về việc sắp xếp Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc chuyển giao các tập đoàn, tổng công ty về bộ quản lý ngành là người phải theo việc, người nào việc đấy. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, "giao quyền mạnh" để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh hiệu quả, phát triển mạnh theo quy định của pháp luật. Phải đảm bảo các tập đoàn, tổng công ty hoạt động hiệu quả cả trước, trong và sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy.
Nguyên tắc sắp xếp phải tách bạch một cách hợp lý giữa chức năng quản lý nhà nước của bộ quản lý ngành với hoạt động của doanh nghiệp.
“Đề nghị các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, tập trung đẩy nhanh tiến độ xử lý các công việc theo đúng kế hoạch, tiến độ đề ra”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Về sắp xếp Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ chuyển về đâu, biên chế về đấy. Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thì tiếp nhận nhân sự. Đề nghị Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai phương án chuyển giao nhân sự; đề xuất chuyển giao trụ sở, tài sản.
Đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc yêu cầu việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phải bảo đảm hoạt động hiệu quả.
Ngân hàng Nhà nước cũng báo cáo cụ thể về phương án sắp xếp các vụ, cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc; phương án sắp xếp Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng và các Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương. Trong đó có 2 khối giảm lớn nhất đó là Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh thành và sắp xếp lại Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng từ mô hình Tổng cục xuống thành các cục.
Trong quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần làm tốt công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong hệ thống, đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phải đảm bảo quy mô hợp lý, đủ người, đủ trách nhiệm để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao. Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát, tính toán để cân đối, đảm bảo giảm đầu mối theo đúng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến chỉ đạo đối với Ngân hàng Nhà nước về việc tiếp nhận một phần chức năng, nhiệm vụ và nhân sự của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia.
Về sắp xếp, tinh gọn bộ máy BHXH Việt Nam, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đã báo cáo khái quát về mạng lưới BHXH, tính đặc thù và hoạt động và công tác quản lý Quỹ BHXH, BHYT.
Trên cơ sở thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, những năm gần đây BHXH Việt Nam đã triển khai việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Triển khai các chỉ đạo của cấp trên, căn cứ yêu cầu bảo đảm tính bền vững, tăng đội bao phủ, BHXH Việt Nam xây dựng phương án chuyển BHXH Việt Nam từ trực thuộc Chính phủ về trực thuộc Bộ Tài chính; tổ chức thành đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài chính.
Đồng thời đề xuất cụ thể phương án thực hiện việc sắp xếp tinh gọn bộ máy. Hiện BHXH Việt Nam có 21 ban và tương đương, sẽ triển khai sáp nhập, hợp nhất để giảm 5 đơn vị.
Tương tự, tại BHXH các tỉnh cũng sẽ sắp xếp để giảm 24,6% đầu mối. Ở cấp huyện cũng tiếp tục tinh gọn, tổ chức mô hình liên huyện tại các địa phương thuận lợi, đồng thời có tính toán tới đặc thù những huyện khó khăn, qua đó sẽ giảm đầu mối BHXH cấp huyện…
BHXH Việt Nam cũng nêu các đề xuất liên quan đến việc quản lý BH thất nghiệp; triển khai thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ LĐTBXH, Y tế, Nội vụ, Tư pháp… khẳng định sự cần thiết và đồng tình, thống nhất cao với việc tổ chức BHXH Việt Nam đặt trực thuộc Bộ Tài chính.
Khẳng định tầm quan trọng của Quỹ BHXH (tầm cỡ quốc gia) các bộ, ngành cũng đề nghị phải tính toán, thiết kế để bảo đảm tính độc lập tương đối phù hợp với tính đặc thù của cơ quan này.
Ý kiến các bộ ngành cũng góp ý về việc tổ chức và hoạt động của Hội đồng Quản lý Quỹ BHXH cũng như sắp xếp, tổ chức các cơ quan bên trong của BHXH Việt Nam, tiêu chí tổ chức cơ quan BHXH cấp huyện để bảo đảm hoạt động hệ thống cơ quan BHXH an toàn, hiệu quả.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh gọn để bộ máy gọn nhẹ, giảm chi thường xuyên, hoạt động hiệu quả, nâng cao năng lực quản trị quốc gia.
Nêu rõ các mốc thời gian cần thực hiện, Phó Thủ tướng yêu cầu sau sắp xếp, bộ máy phải gọn nhẹ hơn trước, hoạt động hiệu quả hơn, chi thường xuyên ít hơn và số đầu mối phải giảm tối thiểu 15%; giảm bớt khâu trung gian; phân cấp phân quyền mạnh hơn, rõ hơn; ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu bộ máy làm việc phải giữ ổn định để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia BHXH.
Đề nghị BHXH Việt Nam tính toán tên gọi cho phù hợp với một Quỹ nhà nước ngoài ngân sách ở tầm quốc gia, đặt tại Bộ Tài chính nhưng hoạt động độc lập theo đúng quy định của pháp luật; bảo đảm tính liên tục, liên hoàn, phục vụ người dân tốt nhất, mọi lúc, mọi nơi. Bộ Tài chính chỉ thực hiện chức năng quản lý nhà nước.
Phó Thủ tướng cũng nêu ý kiến về Hội đồng quản lý BHXH; kết thúc hoạt động của Ban Cán sự Đảng, tiến hành thành lập đảng bộ; dự thảo Nghị định chức năng nhiệm vụ, phạm vi công tác…
Phó Thủ tướng yêu cầu thu gọn đầu mối bộ máy BHXH ở Trung ương, chỉ giữ các đơn vị "xương sống", sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có tính chất tương đồng; thu gọn đầu mối BHXH các tỉnh. Đối với các huyện miền núi, do đặc thù địa hình, thì nên giữ nguyên. Còn khu vực đồng bằng có thể thu gọn lại và thành lập mô hình BHXH liên huyện.
BHXH Việt Nam vẫn quản lý Quỹ BH thất nghiệp, Quỹ BHYT.
Phó Thủ tướng yêu cầu BHXH Việt Nam tiếp thu ý kiến để hoàn thiện, gửi báo cáo đúng thời gian quy định.
Minh Đức (Theo VGP)
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?