Chuyển đổi số - Đáp ứng phục vụ người dân và doanh nghiệp

11/11/2022 10:14 AM


Những năm qua, Ngành Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đã đầu tư mạnh cho chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, giảm thời gian và chi phí trong giao dịch BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN).

Ngành BHXH Việt Nam đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống giao dịch BHXH điện tử. Đặc biệt, hiện tất cả dịch vụ công của ngành BHXH Việt Nam đã được thực hiện ở mức độ 4, người dân và doanh nghiệp có thể thực hiện bất kể giờ nào trên Cổng dịch vụ công của BHXH Việt Nam, Cổng dịch vụ công quốc gia, ứng dụng VssID - BHXH số và qua các nhà cung cấp dịch vụ kê khai BHXH điện tử (I-VAN).

Hiện tại, BHXH Việt Nam đã hoàn thiện kết nối sử dụng dịch vụ "Xác nhận thông tin hộ gia đình" và triển khai dịch vụ "Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình có giảm trừ mức đóng"; "Giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản, trợ cấp dưỡng sức phục hồi sức khỏe" trên cổng dịch vụ công của ngành và Cổng dịch vụ công quốc gia. Với vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng các bộ, ngành có cung cấp dịch vụ công về chuyển đổi số năm 2021, đã khẳng định và ghi nhận nỗ lực chuyển đổi số, cải cách TTHC của BHXH Việt Nam. Qua đó, góp phần xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia, vì lợi ích người dân và doanh nghiệp.

Ngành BHXH Việt Nam liên tục được đánh giá là một trong những bộ, ngành dẫn đầu trong lĩnh vực chuyển đổi số. Tuy nhiên, chuyển đổi số là một công tác mới, phức tạp, đòi hỏi ngành BHXH Việt Nam phải tiếp tục nắm bắt kịp thời xu thế, liên tục đổi mới, quyết liệt thực hiện trong toàn hệ thống mới có thể thành công. Hiện BHXH Việt Nam đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ nhằm xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về bảo hiểm với các nhiệm vụ: phổ biến, quán triệt các nội dung liên quan; xây dựng quy chuẩn kỹ thuật về thông điệp dữ liệu; hoàn thiện quy chế quản lý, cập nhật, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu trong các hệ thống phần mềm nghiệp vụ và từ CSDL tập trung của ngành; phối hợp các bộ, ngành liên quan định nghĩa các khái niệm...

Tại Bình Thuận, thời gian qua, BHXH tỉnh Bình Thuận đã nỗ lực triển khai thực hiện Chương trình, kế hoạch của BHXH Việt Nam, Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh về công tác chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 theo Đề án 06 của Chính phủ, báo cáo định kỳ và đột xuất theo quy định; tham mưu Tổ Đề án 06 BHXH tỉnh ban hành Công văn đề nghị cơ quan Công an phối hợp xử lý các trường hợp vướng mắc không xác thực thông tin cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư. Tổng hợp danh sách cán bộ trực tiếp nhận và Trả kết quả giải quyết TTHC cấp tỉnh và huyện để đăng ký danh sách cấp chứng thư số chuyên dùng Chính phủ cho cá nhân. Triển khai thí điểm sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT; rà soát thông tin đầu quét Qrcode tại các cơ sở KCB BHYT bị lỗi font tiếng Việt có dấu khi quét CCCD gắn chip; thực hiện liên thông hệ thống Văn bản điều hành của UBND tỉnh với hệ thống Eoffice của Ngành. Phối hợp triển khai số hóa hồ sơ, tài liệu lưu trữ của BHXH tỉnh; hỗ trợ triển khai dịch vụ Gia hạn thẻ BHYT theo hộ gia đình (có giảm trừ mức đóng). Triển khai hệ thống gửi tin nhắn qua Zalo để hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) trong toàn tỉnh nhận thông báo đóng (C12); Thông báo nợ qua tin nhắn Zalo đến đơn vị SDLĐ, giúp đơn vị kịp thời thực hiện nghĩa vụ trích chuyển kinh phí đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động đúng hạn; góp phần giảm tỷ lệ nợ; nợ quá hạn, kéo dài

Tính đến cuối tháng 10/2022, trên địa tỉnh Bình Thuận có 468.189
ĐDCN/CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để đi khám, chữa bệnh; trong đó có 11.610 lượt tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD với 7.740 lượt tra cứu thành công tại 133/133 cơ sở KCB.

Phương Danh