Đề xuất các giải pháp triển khai Sổ Sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID
17/04/2024 08:41 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Sáng 15/4, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm- Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06) đã chủ trì cuộc họp của Tổ công tác.
Theo báo cáo của Tổ công tác, đến nay, Bộ Công an đã thu nhận trên 86 triệu thẻ Căn cước công dân gắn chip; thu nhận trên 75,16 triệu hồ sơ định danh điện tử (tăng 680 nghìn tài khoản so với tháng 3/2024), trong đó đã kích hoạt trên 53,88 triệu tài khoản (tăng 630 nghìn tài khoản so với tháng 3/2024, tỷ lệ kích hoạt trên tổng số hồ sơ thu nhận đạt 71,68%).
Cũng trong tháng 4/2024, đã có 29,45 triệu lượt truy cập vào ứng dụng VNeID (tăng 153.308 lượt so với tháng 3/2024), trong đó một số tiện ích có người dùng cao như: DVC thông báo lưu trú có 222.269 lượt; thông báo, phổ biến chính sách, pháp luật mới cho công dân có 82.961 lượt; đăng nhập cổng DVC SSO có 5,9 triệu lượt; sổ hộ khẩu điện tử có 3,27 triệu lượt...
Đồng thời, ngày 12/4/2024, Bộ Công an đã mời 46 công dân trải nghiệm thử các tiện ích trên ứng dụng VNeID. Trên cơ sở đó, đã tiếp thu kết quả đánh giá của người dân và tiếp tục điều chỉnh để đảm bảo ổn định, chính xác trước khi mở rộng sử dụng trong toàn dân...
Tại cuộc họp, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp triển khai Đề án 06 trong thời gian tới như: Xây dựng địa chỉ số quốc gia; rà soát, chấn chỉnh việc cấp Giấy chứng sinh theo đúng mẫu quy định của Bộ Y tế; nghiên cứu, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc cấp, quản lý chữ ký số công cộng; khẩn trương chỉ đạo triển khai phủ sóng viễn thông toàn bộ các điểm lõm; hướng dẫn mô hình, chuẩn hóa dữ liệu khoản thu, thực hiện thanh toán trực tuyến viện phí trên Cổng DVC quốc gia; lộ trình và phương án khắc phục đối với vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện 2 DVC liên thông...
Phát biểu kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị Bộ TT-TT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Tư pháp khẩn trương xây dựng các Nghị định hướng dẫn một số điều của Luật Giao dịch điện tử năm 2023, bảo đảm thống nhất triển khai thực hiện. Đồng thời, đề nghị các bộ, ngành bám sát danh mục 28 nhóm DVC trực tuyến ưu tiên tái cấu trúc quy trình, tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC quốc gia năm 2024; thực hiện tích hợp, kết nối và chia sẻ dữ liệu giữa Cổng DVC quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp bộ, cấp tỉnh với CSDL quốc gia về dân cư và đăng ký DN.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện các điều kiện để tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về 2 DVC liên thông theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các bộ, ngành (Tư pháp, Y tế, LĐ-TB&XH, BHXH Việt Nam) phối hợp với Bộ Công an xây dựng, hoàn thiện phần mềm DVC liên thông trước ngày 15/6/2024 để 2 nhóm TTHC liên thông này được tiếp nhận, giải quyết theo quy định của Nghị định.
Đáng chú ý, các địa phương không tạo tài khoản khác với tài khoản VNeID để thực hiện DVC trực tuyến; phối hợp với Bộ Công an làm sạch tài khoản còn lại trên Cổng DVC quốc gia và thống nhất từ ngày 1/7/2024 chỉ sử dụng tài khoản VNeID đăng nhập Cổng DVC quốc gia. Cùng với đó, các bộ, ngành khẩn trương thực hiện tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa các TTHC trên cơ sở liên thông các dữ liệu điện tử, tái sử dụng dữ liệu để cung cấp DVC trực tuyến.
Để phục vụ triển khai cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024, Bộ trưởng Tô Lâm thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp với Bộ Công an khai thác CSDL quốc gia về dân cư để đảm bảo cuộc tổng điều tra được tiết kiệm, hiệu quả, tránh lãng phí về nguồn lực, giảm chi phí đầu tư, thuận lợi cho người dân.
“Với dữ liệu dân cư được duy trì đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống” hằng ngày của Bộ Công an hoàn toàn có thể khai thác, phân tích được các chỉ tiêu về tình hình di biến động dân cư, tổng dân số hiện có trên toàn quốc, cung cấp và chia sẻ được các thông tin về số hộ, nhân khẩu, độ tuổi, tình trạng hôn nhân, dân tộc, tôn giáo... để cắt giảm các chỉ tiêu phải thu nhận trong quá trình điều tra dân số”- Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị các bộ, ngành có liên quan chủ động thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai Sổ Sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID; xây dựng CSDL quốc gia về người có công với cách mạng và CSDL quốc gia về liệt sĩ bảo đảm tích hợp với các CSDL liên quan; xây dựng địa chỉ số quốc gia; triển khai thực hiện Luật Căn cước 2023.
Bộ trưởng Tô Lâm thông tin thêm, để chuẩn bị đồng bộ dữ liệu về Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an đã rà soát 80 TTHC (68 TTHC thuộc Đề án 06 và 12 TTHC được thực hiện nhiều nhất trên Cổng DVC quốc gia), xác định 1.390 trường dữ liệu gắn với con người do 13 bộ, ngành quản lý, trong đó 1.002 trường dữ liệu đã được số hóa tạo lập dữ liệu; 388 trường dữ liệu chưa được số hóa tạo lập dữ liệu của 6 bộ, ngành (GD-ĐT, LĐ-TB&XH, TN-MT, Tư pháp, Y tế, TAND Tối cao) quản lý.
"Các bộ, ngành khẩn trương tham gia ý kiến, xây dựng lộ trình cụ thể để số hóa, tạo lập dữ liệu và phương án đồng bộ dữ liệu về Trung tâm Dữ liệu quốc gia, nghiên cứu sửa đổi Khung kiến trúc Chính phủ điện tử phiên bản 3.0 để quy định nền tảng chia sẻ, điều phối dữ liệu của Trung tâm Dữ liệu quốc gia là nền tảng trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống thông tin và CSDL của các bộ, ban, ngành, địa phương đặt tại Trung tâm Dữ liệu quốc gia…"- Bộ trưởng Tô Lâm lưu ý.
Hà Thủy
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?