"Ngành BHXH Việt Nam là trụ cột quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội"

04/02/2025 07:26 AM


Nhân dịp năm mới 2025, ông Đào Ngọc Dung- Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH dành cho phóng viên Tạp chí BHXH cuộc trao đổi về những thành tựu đã đạt được của ngành BHXH Việt Nam trong 30 năm qua và những định hướng phát triển trong giai đoạn tới.

* PV: Thưa Bộ trưởng, sự ra đời của ngành BHXH Việt Nam cách đây 30 năm gắn với việc cải cách mô hình tổ chức thực hiện chính sách BHXH- đây được coi là dấu mốc quan trọng trong đảm bảo an sinh xã hội ở Việt Nam. Bộ trưởng đánh giá thế nào về bước chuyển đổi quan trọng này?

- Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung:

Cách đây 30 năm, ngày 16/2/1995, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 19/CP thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện chính sách BHXH đối với chế độ hưu trí và tử tuất thuộc Bộ LĐ-TB&XH và các chế độ ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam. Tiếp đó, ngày 24/01/2002, Chính phủ có Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT thuộc Bộ Y tế sang BHXH Việt Nam để từ đó kiện toàn chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam như ngày hôm nay. Sự ra đời của tổ chức BHXH đã tạo dấu mốc cải cách quan trọng nhằm thu gọn đầu mối tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT theo hướng tập trung, thống nhất trong phạm vi toàn quốc.

Trải qua từng thời kỳ, tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam đã từng bước được kiện toàn theo hướng linh hoạt, hiệu quả, chuyên nghiệp, hiện đại, giảm đầu mối; giảm chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; phù hợp với tinh thần “Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp”. Qua đó, tạo điều kiện để ngành BHXH thực hiện hiệu quả, hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Kết quả trên được thể hiện trên các mặt, lĩnh cực cụ thể như: Hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ được nêu tại các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Tính đến cuối năm 2024, số người tham gia BHXH đạt trên 20 triệu người và đạt 42,7% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,3 triệu người, đạt 4,9% lực lượng lao động trong độ tuổi; 94,1% dân số đã tham gia BHYT. Dự kiến số người tham gia BHXH năm 2025 là 21,343 triệu người đạt 45,1% lực lượng lao động trong độ tuổi (vượt mục tiêu Trung ương giao tại Nghị quyết số 28-NQ/TW khoảng 0,1%).

Cùng với đó, BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông trong tình hình mới. Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển người tham gia; đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng; giải quyết, chi trả kịp thời, đầy đủ các quyền lợi về BHXH, BHYT, BH thất nghiệp; kiên quyết xử lý hoặc kiến nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, quản lý chặt chẽ việc chi trả các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp; tiếp tục rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, bảo đảm đơn giản, dễ dàng, thuận tiện nhất cho người dân, doanh nghiệp; tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hiệu quả công việc, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, NLĐ ngành BHXH Việt Nam; tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút, vận động nguồn lực quốc tế. Đồng thời, động viên, khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân có nhiều thành tích, sáng kiến, cách làm hay; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

Đó là những kết quả nổi bật minh chứng cho thành công củachuyển đổi mô hình tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT ở Việt Nam cách đây 30 năm…

* Độ bao phủ BHXH ngày càng tăng là thành tựu lớn của ngành BHXH. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về BHXH. Theo Bộ trưởng, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?

- Những hạn chế, bất cập trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách BHXH đã được nhận diện tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 Hội nghị lần thứ bảy BCH Trung ương Khóa XII về cải cách chính sách BHXH. Theo đó, hệ thống chính sách, pháp luật về BHXH chưa theo kịp tình hình phát triển kinh tế- xã hội, chưa thích ứng với quá trình già hóa dân số và sự xuất hiện các quan hệ lao động mới. Việc mở rộng và phát triển đối tượng tham gia BHXH còn dưới mức tiềm năng; độ bao phủ BHXH tăng chậm; số người hưởng BHXH một lần tăng nhanh. Tình trạng trốn đóng, nợ đóng, gian lận, trục lợi BHXH chậm được khắc phục…

Những hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu như: Một số cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo thiếu quyết liệt; năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước hiệu quả thấp; tính tuân thủ pháp luật chưa cao; nhận thức của một bộ phận NLĐ, người SDLĐ về vai trò, mục đích, ý nghĩa của BHXH chưa đầy đủ. Hiệu lực, hiệu quả thanh kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong thực hiện chính sách BHXH còn bất cập. Công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về BHXH chưa thật sự tạo được sự tin cậy để thu hút NLĐ tham gia BHXH.

Ngày 29/6/2024 vừa qua, tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật BHXH (sửa đổi) với tỷ lệ 454/465 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, bằng 93,42% tổng số ĐBQH. Qua đó cho thấy sự đồng thuận và thống nhất rất cao của Quốc hội trong việc thể chế hóa các quan điểm cải cách chính sách BHXH đã được nêu tại các Nghị quyết của Trung ương, cũng như kịp thời thực hiện các giải pháp để mở rộng phạm vi bao phủ BHXH, hướng tới BHXH toàn dân. Khi Luật mới có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 sẽ hứa hẹn thúc đẩy gia tăng độ bao phủ về đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, góp phần khẳng định BHXH với vai trò là một trong những trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.

* Duy trì an sinh xã hội bền vững, đồng nghĩa với việc không để người dân vì khó khăn mà phải rời lưới an sinh. Theo Bộ trưởng, để đạt được mục tiêu bao phủ BHXH cho mọi người lao động và để chính sách này phát triển bền vững trong giai đoạn tới, chúng ta cần những giải pháp gì?

- Luật BHXH năm 2024 đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn, khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần, đồng thời sửa đổi các quy định nhằm hướng NLĐ tới chế độ hưu trí thay vì hưởng BHXH một lần. Đối với những NLĐ không hưởng BHXH một lần mà bảo lưu thời gian đóng để tiếp tục tham gia thì có cơ hội được thụ hưởng các quyền lợi cao hơn như: Khi tiếp tục tham gia được hưởng các chế độ với mức hưởng cao hơn; được hưởng lương hưu với điều kiện dễ dàng hơn; trong thời gian hưởng lương hưu được quỹ BHXH đóng BHYT; được hưởng trợ cấp hàng tháng khi không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng thì được NSNN đóng BHYT. Ngoài ra, NLĐ còn có cơ hội được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng cho NLĐ có thời gian đóng BHXH mà bị mất việc làm.

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đã trình Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật Việc làm (sửa đổi) và đã được Quốc hội thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 và dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 9 sắp tới. Luật Việc làm (sửa đổi) khi được Quốc hội thông qua và tổ chức triển khai thực hiện cũng sẽ hứa hẹn đem đến những chính sách phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng sa thải lao động, hỗ trợ NLĐ sau khi mất việc làm thông qua hoàn thiện chính sách để duy trì việc làm, thực hiện có hiệu quả chính sách BH thất nghiệp, phát huy đầy đủ các chức năng của BH thất nghiệp, bảo đảm BH thất nghiệp thực sự là công cụ quản trị thị trường lao động.

* Luật BHXH năm 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 với nhiều điểm mới có lợi nhằm thu hút người lao động tham gia vào lưới an sinh. Vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã chuẩn bị các điều kiện gì để Luật BHXH đi vào cuộc sống, thưa Bộ trưởng?

- Ngay sau khi Luật BHXH (sửa đổi) được Quốc hội thông qua, Bộ LĐ-TB&XH đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về kế hoạch triển khai thi hành Luật BHXH và phân công các bộ, cơ quan trong việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật. Để đảm bảo triển khai thực hiện thành công Luật BHXH mới, trong thời gian sắp tới cần tập trung vào các nhiệm vụ sau:

Một là, khẩn trương triển khai xây dựng 11 Nghị định và 3 Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH tại Quyết định số 717/QĐ-TTg ngày 27/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ;

Hai là, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Luật BHXH đến đông đảo người SDLĐ, NLĐ nhằm nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH.

Ba là, tăng cường công tác thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH. Trên cơ sở quy định làm rõ hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH, áp dụng các chế tài, biện pháp phù hợp nhằm giảm tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH để bảo vệ tốt hơn quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ.

Bốn là, nâng cao năng lực của Hội đồng quản lý BHXH, BHXH Việt Nam thông qua việc các bộ, ngành sớm trình Chính phủ ban hành các Nghị định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, bộ máy sau sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

Năm là, tiếp tục rà soát để đơn giản hóa, giảm bớt thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng CNTT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NLĐ và người SDLĐ tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH.

* Nhân dịp Xuân Ất Tỵ 2025 và hướng tới kỷ niệm 30 năm ngày thành lập ngành BHXH (16/2/1995-16/2/2025), Bộ trưởng có những chia sẻ, nhắn gửi gì để động viên cán bộ, viên chức, NLĐ ngành BHXH?

- Trong chặng đường 30 năm qua, ngành BHXH đã không ngừng nỗ lực và trưởng thành, vượt qua những khó khăn, thách thức để góp phần vào đảm bảo an sinh xã hội của đất nước. Những thành quả nổi bật như mở rộng độ bao phủ, đảm bảo quyền lợi cho hàng chục triệu người dân qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế- xã hội là minh chứng rõ nét cho tinh thần trách nhiệm, sự tận tâm và sáng tạo của các thế hệ cán bộ trong ngành.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều thách thức lớn. Sự biến đổi không ngừng của xã hội, yêu cầu trong việc tiếp tục mở rộng phạm vi bao phủ số người tham gia và thụ hưởng BHXH, cùng với những yêu cầu cấp thiết trong sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giảm biên chế, cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao hiệu quả quản lý Quỹ BHXH đòi hỏi toàn ngành BHXH phải tiếp tục đổi mới, phát huy tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao độ.

Tôi tin tưởng rằng, với truyền thống 30 năm xây dựng phát triển và trưởng thành cùng sự tiếp tục quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, ngành, BHXH Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu an sinh xã hội và xây dựng một Việt Nam phát triển bền vững.

Nhân dịp Xuân mới, tôi xin gửi tới toàn thể cán bộ, viên chức, NLĐ ngành BHXH Việt Nam cùng gia đình lời chúc sức khỏe, hạnh phúc và thành công. Chúc ngành BHXH Việt Nam tiếp tục gặt hái thêm nhiều thành tựu mới, là chỗ dựa vững chắc của nhân dân và NLĐ.

* Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Thực hiện: Nguyệt Hà Trình bày: Hà Hùng