BHXH Việt Nam: Tự hào truyền thống, vững bước tương lai

10/02/2025 07:35 AM


Đến hết năm 2024, cả nước có 20,15 triệu người tham gia BHXH, tương đương 42,7%lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, do kiên trì, bền bỉ, liên tục tuyên truyền vận động, đã có khoảng 2,31 triệu người tham gia BHXH tự nguyện; 16,13 triệu người tham gia BHTN; 95,55 triệu người tham gia BHYT, chiếm 94,29% dân số; quỹ BHXH và các quỹ thành phần trở thành quỹ an sinh lớn nhất, quỹ tài chính lớn thứ hai sau ngân sách nhà nước; quỹ BHYT đảm bảo chi trả cho 183,6 triệu lượt khám chữa bệnh theo chế độ BHYT… Có lẽ, đây là những con số mà thế hệ cán bộ đầu tiên của ngành BHXH Việt Nam cách đây 30 năm khó có thể tưởng tượng được. Tuy nhiên từ đó đến nay, dù gặp phải không ít khó khăn, nhưng với sự đoàn kết, nỗ lực không ngừng của toàn Ngành, chúng ta đã từng bước vượt qua để đạt được những thành tựu đáng tự hào. Những kết quả Ngành đạt được không chỉ khẳng định chủ trương của Đảng và Nhà nước về đổi mới chính sách và việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT là hoàn toàn đúng đắn, mà còn tạo lập cơ sở quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội quốc gia, góp phần tạo nền tảng quan trọng để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...

An sinh xã hội nói chung, BHXH và BHYT nói riêng là nền tảng rất quan trọng cho sự ổn định và phát triển của bất cứ quốc gia nào. Đây cũng là tiêu chí để đánh giá sự phồn thịnh, văn minh của một đất nước. Chính vì vậy, trên thế giới, chính sách BHXH, BHYT đã có lịch sử hàng trăm năm.

Sớm nhận rõ vai trò, ý nghĩa của các chính sách này, ngay từ khi thành lập nước, dù còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều quy định về các chế độ BHXH và nhiều lần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Việc thực hiện các chế độ BHXH đã góp phần tích cực vào những thành công của cách mạng Việt Nam. Tuy nhiên, trong gần nửa thế kỷ, chính sách BHXH chỉ áp dụng đối với cán bộ, công nhân viên làm việc trong khu vực Nhà nước và lực lượng vũ trang; quỹ BHXH chủ yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo; các chế độ được thực hiện phân tán bởi nhiều cơ quan, tổ chức...

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986), đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Quan hệ lao động theo cơ chế mới cũng hình thành, đòi hỏi phải có những thay đổi tương ứng về chính sách xã hội nói chung, chính sách BHXH nói riêng. Việc xóa bỏ bao cấp cũng đặt ra yêu cầu hình thành BHYT nhằm huy động sự đóng góp tài chính từ cộng đồng để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”.

Thể chế hóa những định hướng của Đảng và Hiến pháp 1992, năm 1994, Bộ luật Lao động đã được Quốc hội thông qua. Bộ luật Lao động đã có một chương về BHXH, trong đó quy định đối tượng tham gia BHXH là tất cả những người lao động làm công ăn lương trong các đơn vị thuộc mọi thành phần kinh tế; quỹ BHXH là quỹ độc lập với ngân sách, được hình thành từ sự đóng góp của chủ sử dụng lao động, người lao động và sự hỗ trợ của Nhà nước; thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý quỹ BHXH và thực hiện các chế độ BHXH... Căn cứ các quy định của Bộ luật Lao động, năm 1995, Điều lệ BHXH áp dụng đối với công chức, viên chức, người lao động và Điều lệ BHXH áp dụng đối với lực lượng vũ trang đã được ban hành, thay thế cho các Điều lệ tạm thời ban hành trước đó.

Cùng với việc đổi mới chính sách, ngày 16/2/1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Nghị định 19/CP của Chính phủ, quyết định thành lập BHXH Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH ở Trung ương và địa phương thuộc hệ thống Lao động-Thương binh và Xã hội và Liên đoàn Lao động, với chức năng, nhiệm vụ chính là tổ chức thu BHXH, chi BHXH, giải quyết chế độ chính sách và bảo toàn, đầu tư, tăng trưởng quỹ BHXH. Hệ thống BHXH Việt Nam được tổ chức và quản lý tập trung, thống nhất, từ cấp Trung ương đến cấp quận, huyện.

Đây là bước đi quan trọng trong việc đổi mới hệ thống chính sách và việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH nhằm tạo sự công bằng về quyền lợi đối với người lao động thuộc tất cả các thành phần kinh tế, tạo cơ sở hình thành thị trường lao động phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ
nghĩa; giảm dần gánh nặng đối với ngân sách nhà nước trong thực hiện chính sách; nâng cao trách nhiệm của người sử dụng lao động và người lao động trong đảm bảo an sinh cho chính người lao động. Việc hình thành hệ thống tổ chức BHXH thống nhất nhằm giải quyết những vướng mắc, chồng chéo giữa
chức năng quản lý nhà nước và chức năng quản lý sự nghiệp, tạo điều kiện cho các hoạt động của sự nghiệp BHXH ngày càng hiệu quả, phù hợp với xu hướng chung của thế giới...

Thực hiện tiến trình cải cách bộ máy của Chính phủ, ngày 24/1/2002, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 20/2002/QĐ-TTg chuyển BHYT Việt Nam sang BHXH Việt Nam; BHXH Việt Nam được giao thêm nhiệm vụ thực hiện chính sách, chế độ BHYT cho các đối tượng tham gia BHYT.

Từ năm 1995 đến nay, để đáp ứng những yêu cầu mới trong từng giai đoạn phát triển của đất nước, nhất là yêu cầu đảm bảo an sinh xã hội, Đảng đã có nhiều định hướng quan trọng về việc hoàn thiện, nâng cao tính hiệu quả của chính sách và thực hiện chính sách BHXH, BHYT. Trên cơ sở đó, hệ thống chính sách BHXH, BHYT đã không ngừng được hoàn thiện, thể hiện qua việc ban hành Luật BHXH (năm 2006), Luật BHYT (năm 2008); Luật BHXH và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật BHYT cùng trong năm 2014. Đến năm 2024, Luật BHXH, Luật BHYT tiếp tục được sửa đổi và đã được Quốc hội thông qua.

Để ngành BHXH Việt Nam thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH, BHYT và BHTN (chính sách BHTN thực hiện từ năm 2009), từ năm 2002 đến nay, tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam đã nhiều lần được điều chỉnh, sắp xếp theo các nghị định của Chính phủ (như Nghị định 94/2008/NĐ-CP; Nghị định 116/2011/NĐ-CP; Nghị định 05/2014/NĐ-CP; Nghị định 01/2016/NĐ-CP và gần đây nhất là Nghị định số 89/2020/NĐ-CP) theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu
lực, hiệu quả. Các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của BHXH Việt Nam cũng được sửa đổi, bổ sung để đáp ứng những yêu cầu mới của việc tổ chức, triển khai thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT theo quy định của pháp luật trong từng giai đoạn.

Cùng với đó, đội ngũ cán bộ BHXH Việt Nam cũng từng bước được bổ sung, đặc biệt là nâng cao về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, đủ sức đáp ứng khối lượng công việc liên tục tăng nhanh cũng như yêu cầu ngày càng cao về chất lượng phục vụ, với quan điểm xuyên suốt của Ngành là lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm phục vụ.

Nhìn lại 30 năm xây dựng và phát triển ngành BHXH Việt Nam, có thể thấy, hệ thống BHXH Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, triển khai đồng bộ các giải pháp phù hợp, hiệu quả để đưa chính sách BHXH, BHTN, BHYT vào cuộc sống. Trong đó, dấu ấn đáng ghi nhận nhất là diện bao phủ BHXH, BHTN, BHYT không ngừng mở rộng. Nếu như năm 1995, BHXH Việt Nam mới quản lý 2,27 triệu lao động được bàn giao từ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sang, thì đến cuối năm 2024, số tham gia BHXH trên cả nước ước đạt 20,15 triệu người, tương đương 42,71% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó số tham gia BHXH tự nguyện đạt 2,31 triệu người, tương đương 4,9% lực lượng lao động trong độ tuổi, vượt 2,4% so với mục tiêu giai đoạn đến năm 2025 theo Nghị quyết 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Số lao động tham gia BHTN cũng đạt trên 16,1 triệu người, tương đương 34,18% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số tham gia BHYT đã có sự đột phá, từ hơn 13 triệu người (16,5% dân số) vào năm 2002 tăng lên hơn 95,5 triệu người vào năm 2024, tương đương 94,29% dân số, gần bằng mục tiêu đề ra cho năm 2025 theo Nghị quyết số 20-NQ/TW, cơ bản hoàn thành mục tiêu bao phủ toàn dân. Việc tăng nhanh số người tham gia BHXH, BHTN, BHYT không chỉ là thành tựu quan trọng của Ngành, mà còn đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều người dân, người lao động được bảo vệ bởi lưới an sinh xã hội. Điều đó góp phần tạo sự an toàn, ổn định, góp phần thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, thể hiện rõ tính nhân văn và bản chất tốt đẹp của chế độ ta.

Song song với đó, số thu vào quỹ BHXH, quỹ BHYT cũng ngày càng tăng. Nếu như trong 5 năm đầu thành lập, số thu của toàn Ngành mới đạt hơn 20.000 tỷ đồng, riêng năm 2000 thu trên 5.000 tỷ đồng, thì năm 2024 tổng số thu BHXH, BHTN, BHYT là 552.242 tỷ đồng. Sự lớn mạnh của Quỹ đã giúp Ngành có đủ nguồn lực để đảm bảo chi trả chế độ cho đối tượng thụ hưởng và Quỹ đã có tích lũy, khắc phục được tình trạng chậm chi trả như trong giai đoạn Quỹ còn phụ thuộc hoàn toàn vào ngân sách nhà nước. Tỷ lệ chi từ nguồn Quỹ ngày càng tăng, tỷ lệ chi từ ngân sách nhà nước cho BHXH, BHYT ngày càng giảm, giúp Nhà nước có điều kiện tập trung nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế- xã hội khác. Ngoài ra, nguồn tiền tích lũy từ quỹ BHXH được sử dụng để đầu tư tăng trưởng theo quy định đã đóng góp tích cực vào sự phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, giúp Chính phủ điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội quốc gia…

Trong công tác thực hiện chế độ chính sách, từ năm 1995 đến nay, toàn Ngành đã giải quyết cho trên 3,14 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng; hơn 17,8 triệu lượt người được hưởng các chế độ BHXH một lần; khoảng 154 triệu lượt người hưởng các chế độ BHXH ngắn hạn; hơn 10,7 triệu lượt người hưởng trợ cấp thất nghiệp và 284.000 lượt người hưởng chế độ hỗ trợ học nghề. Tổng số chi BHXH, BHTN là khoảng 3,132 triệu tỷ đồng, trong đó riêng chi lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng là hơn 2,297 triệu tỷ đồng. Bên cạnh chi trả tiền mặt trực tiếp tại các điểm chi trả; chi thông qua đơn vị sử dụng lao động; chi tại nhà đối với những người già yếu, ốm đau, không có khả năng đi đến điểm chi trả, tính đến hết năm 2024, đã có 80% số người hưởng tại khu vực đô thị nhận các chế độ BHXH,
trợ cấp thất nghiệp qua tài khoản cá nhân, vượt 20% so với chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao.

Về BHYT, từ năm 2002 đến nay, BHXH Việt Nam đã đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh BHYT cho gần 2,618 tỷ lượt người với tổng chi phí khoảng 1,162 triệu tỷ đồng. Riêng trong giai đoạn 2016-2024, quỹ BHYT đã đảm bảo quyền lợi cho hơn 1,483 tỷ lượt khám chữa bệnh BHYT (bình quân 164,7 triệu lượt/năm) với tổng chi phí 915.713 tỷ đồng (bình quân 101.700 tỷ đồng/năm).

Ngoài ra, một trong những “điểm nhấn” trong chặng đường 30 năm qua là việc BHXH Việt Nam đã chủ động phối hợp đề xuất và tập trung thực hiện chính sách hỗ trợ cho hơn 13,3 triệu người lao động và hàng trăm ngàn đơn vị sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 với trên 47.200 tỷ đồng, chiếm hơn 45,3% tổng giá trị các gói hỗ trợ COVID-19 của Chính phủ (104.000 tỷ đồng). Trong điều kiện dịch bệnh nhiều khó khăn, nhưng toàn Ngành đã tập trung thực hiện các chính sách này đảm bảo kịp thời, không có độ trễ, chính xác, trực tiếp, thiết thực, được xã hội, người lao động, doanh nghiệp đánh giá cao.

Những kết quả mà các thế hệ công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành đạt được trong 30 năm qua chính là những dấu ấn quan trọng cho thấy sự thành công trong việc hiện thực hóa các định hướng, mục tiêu được Đảng, Nhà nước đặt ra đối với sự nghiệp BHXH, BHTN, BHYT của đất nước nói chung và ngành BHXH Việt Nam nói riêng trong từng giai đoạn.

Để đạt được những kết quả trên, BHXH Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham mưu với Đảng và Nhà nước trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, hoàn thiện chính sách và tham gia xây dựng chính sách, pháp luật BHXH, BHTN, BHYT; chú trọng phát huy trách nhiệm của hệ thống chính trị, nhất là trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc thực hiện chính sách; nâng cao vai trò của các tổ chức đảng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ngành... Toàn Ngành luôn chú trọng kiện toàn tổ chức, đi đôi với nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động; không ngừng hoàn thiện hệ thống quy trình quản lý nội bộ và các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, nhất là những quy trình liên quan đến công tác thu, chi, giải quyết chế độ chính sách; thực hiện các giải pháp quản lý, sử dụng quỹ đúng quy định, an toàn, hiệu quả; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác kiểm toán, thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, BHYT; chú trọng rà soát, kiểm soát phòng chống trục lợi quỹ…; đổi mới hoạt động báo chí, truyền thông, đưa chính sách đến gần với Nhân dân; chủ động, tích cực
hội nhập, hợp tác quốc tế… BHXH Việt Nam cũng là một trong những cơ quan đi đầu trong cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi giao dịch với cơ quan BHXH, góp phần quan trọng vào việc xây dựng Chính
phủ điện tử...

Nhìn lại những thành tựu đã đạt được trong 30 năm qua, BHXH Việt Nam trân trọng ghi nhận và biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp trách nhiệm, có hiệu quả của các ban, bộ, ngành, các tổ chức chính trị- xã hội; sự hỗ trợ nhiệt tình của các đối tác, tổ chức quốc tế; cấp ủy, chính quyền cùng các ngành, các tổ chức, đoàn thể tại địa phương cũng như sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân… Đây chính là những điểm tựa quan trọng để Ngành vượt qua khó khăn, từng bước trưởng thành và hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong chặng đường sắp tới, nhiệm vụ đặt ra đối với Ngành là phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, giải pháp trong phát triển sự nghiệp an sinh xã hội nói chung, sự nghiệp BHXH, BHTN, BHYT nói riêng theo các định hướng của Đảng, nhất là những nội dung đã được nêu tại văn kiện Đại hội XIII; Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH; Nghị quyết số 42-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới cũng như Chiến lược phát triển ngành BHXH Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Luật BHXH 2024, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT (2024).

Với sự quan tâm, ủng hộ của cả hệ thống chính trị và người dân; phát huy những thành tựu to lớn đạt được sau 30 năm xây dựng và phát triển cũng như tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, tận tụy, trách nhiệm với công việc, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn của đội ngũ công chức, viên chức, người lao động…, chúng ta tin tưởng rằng, trong những năm tới, BHXH Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thành sứ mệnh mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; trở thành điểm tựa an sinh vững chắc cho người dân; phát triển theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với định hướng phát triển hệ thống chính sách BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế… theo những yêu cầu được đặt ra trong giai đoạn phát triển mới của đất nước; góp phần cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Trình bày: Hà Hùng