Giúp người dân dễ tiếp cận dịch vụ y tế

14/02/2025 08:32 AM


Luật BHYT 2024 vừa được Quốc hội thông qua với 8 điểm mới, trong đó quy định thông cấp KCB BHYT theo hướng không phân biệt địa giới hành chính, giữ ổn định tỷ lệ hưởng BHYT theo quy định của luật hiện hành và mở rộng với một số trường hợp.

Theo đó, người tham gia BHYT được hưởng 100% mức hưởng khi KCB tại cơ sở KCB BHYT cấp ban đầu trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi đi KCB nội trú tại cơ sở KCB BHYT cấp cơ bản trong toàn quốc; 100% mức hưởng khi KCB tại bất kỳ cơ sở KCB BHYT cấp cơ bản, cấp chuyên sâu mà trước ngày 1/1/2025 đã được cơ quan có thẩm quyền xác định là tuyến huyện. Đặc biệt, người bệnh đã được chẩn đoán xác định mắc bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo, bệnh cần sử dụng kỹ thuật cao nằm trong danh mục của Bộ Y tế ban hành có thể đến thẳng trực tiếp cấp chuyên sâu, không cần xin giấy chuyển viện.

Một trong những quy định bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2025 là chi trả trực tiếp chi phí thuốc, VTYT cho người bệnh trong trường hợp cơ sở y tế thiếu thuốc, VTYT. Trường hợp bác sĩ kê đơn thuốc, VTYT nằm trong danh mục BHYT nhưng thời điểm đó BV không có, bệnh nhân phải mua ngoài thì cơ quan BHXH sẽ thanh toán trực tiếp cho người bệnh theo số lượng và đơn giá được ghi trên hóa đơn do người bệnh mua tại cơ sở kinh doanh dược. Để được chi trả, người dân cần chuẩn bị hồ sơ, thủ tục thanh toán trực tiếp gồm các giấy tờ là bản chụp (kèm theo bản gốc để đối chiếu) gồm: thẻ BHYT, CCCD; giấy ra viện, phiếu khám bệnh hoặc sổ khám bệnh; hóa đơn và các chứng từ có liên quan. Cơ quan BHXH có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thanh toán trực tiếp cho người bệnh bằng với chi phí đã mua trong vòng 40 ngày (trường hợp không thanh toán phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do).

Liên quan đến chuyển tuyến theo Luật BHYT, Thông tư số 01/2025/TT-BYT được Bộ Y tế ban hành ngày 1/1/2025 đã tạo nhiều thuận lợi, cải cách thủ tục cho người bệnh khi cần chuyển lên tuyến chuyên sâu. Theo đó, nếu trước đây các loại giấy chuyển tuyến được cấp vào bất kỳ thời điểm nào trong năm và đều hết hiệu lực vào 31/12 của năm đó thì với quy định tại Thông tư 01/2025/TT-BYT, thời hạn giấy này có hiệu lực trong đúng 1 năm, kể từ thời điểm ký giấy chuyển viện. Đồng thời, danh mục các loại bệnh có giấy chuyển viện có giá trị trong 1 năm cũng được nâng lên 141 bệnh (trước đó 62 bệnh) như: Nhiễm nấm chromoblastomycosa (nấm màu) và áp xe do phaeomyces; các bệnh thiếu máu tan máu di truyền khác; suy tủy xương và các bệnh thiếu máu khác; đông máu nội mạch rải rác (hội chứng tiêu fibrin); ban xuất huyết và các tình trạng xuất huyết khác; hội chứng thực bào tế bào máu liên quan đến nhiễm trùng; suy thận mãn tính… Sau 1 năm, giá trị của giấy chuyển viện hết hạn, sức khoẻ của người bệnh đã được điều trị ổn định thì người bệnh có thể quay về cơ sở y tế ban đầu để được tư vấn, quản lý, theo dõi bệnh.

Như vậy, đây là quy định đặc biệt có ý nghĩa trong việc nâng cao chất lượng KCB giúp người bệnh được tiếp cận và điều trị kịp thời một số bệnh cần chuyên môn sâu mà cơ sở y tế cấp cơ bản, cấp ban đầu chưa đủ điều kiện triển khai. Đồng thời, góp phần giảm thủ tục chuyển cơ sở KCB cho người bệnh, giảm chi phí di chuyển, vận chuyển người bệnh, giảm chi phí của hộ gia đình liên quan đến KCB và cũng góp phần sử dụng quỹ BHYT hiệu quả.

Cùng với đó, Luật cũng có nhiều điểm mới liên quan đến công tác giám định BHYT và phát triển mở rộng các nhóm bắt buộc tham gia BHYT được NSNN hỗ trợ tham gia. Cụ thể, về phạm vi mức hưởng, Luật đã mở rộng phạm vi hưởng, với việc quỹ BHYT thanh toán các chi phí KCB từ xa, hỗ trợ KCB từ xa, KCB y học gia đình, KCB tại nhà; tăng độ tuổi được quỹ BHYT chi trả chi phí điều trị lác, cận thị và tật khúc xạ mắt từ 6 đến dưới 18 tuổi. Mở rộng đối tượng, trường hợp được hưởng chi phí vận chuyển; mở rộng mức hưởng lên 100% chi phí KCB đối với một số nhóm đối tượng quy định thuộc đối tượng tham gia BHYT bắt buộc; 100% chi phí KCB đối với trường hợp chi phí cho một lần KCB thấp hơn mức do Chính phủ quy định...

Theo ông Đỗ Xuân Tuyên- Thứ trưởng Bộ Y tế, Luật BHYT 2024 cũng đã sửa đổi, cập nhật đối tượng tham gia. Trong đó, bổ sung các đối tượng đã được luật khác quy định cũng như đối tượng nhân viên y tế và cô đỡ thôn bản để động viên, khích lệ, có chính sách thỏa đáng với đối tượng chăm sóc sức khỏe nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, bảo đảm công bằng với đối tượng khác ở tổ dân phố. Luật giao Chính phủ quy định các đối tượng phát sinh khác sau khi báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Điều chỉnh trách nhiệm đóng BHYT, phương thức, thời hạn đóng, trách nhiệm lập danh sách đóng BHYT, thời hạn thẻ có giá trị sử dụng để phù hợp với việc sửa các đối tượng tham gia BHYT.

Liên quan đến vấn đề chuyển viện, ông Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trước khi Luật BHYT 2024 có hiệu lực, người dân đăng ký KCB ban đầu thường được đăng ký ở cơ sở KCB cấp huyện như BV, TTYT cấp huyện. Khi chuyển viện sẽ phải chuyển từ cơ sở y tế cấp huyện lên BV đa khoa tỉnh và tiếp đó mới lên BV tuyến Trung ương. Như vậy, “rất mất thời gian trong khi có những bệnh yêu cầu phải chuyển ngay”. Bởi luật cũ xác định theo địa giới hành chính nên có người ngay sát cơ sở KCB (cách 5- 7m) nhưng không được đăng ký KCB ở đó mà phải đi ra cơ sở tuyến huyện cách cả 10km. Điều này gây khó khăn cho người dân. Hay khi đi công tác, như từ Hà Nội vào TP.HCM chỉ được thanh toán 100% BHYT khi cấp cứu, còn nếu không may “hắt hơi, sổ mũi” vào khám là phải nộp tiền. Hoặc SV được mua thẻ BHYT nhưng nghỉ Hè hay Tết về quê, đi khám vẫn mất tiền- rất bất cập. Do vậy, với mục đích CCHC, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất, hiệu quả nhất, Bộ Y tế sẽ quy định “hàng rào” kỹ thuật để bảo đảm tuyến trên không bị quá tải. Đơn cử, chỉ có một số trường hợp được thông tuyến như người bị bệnh nan y, bệnh ở dưới không chữa được. “Người bệnh bị ung thư ở tuyến huyện hay tuyến tỉnh không chữa được thì cho họ chuyển thẳng lên Trung ương, làm gì phải bắt họ quay ra tuyến huyện, rồi lại lên tuyến tỉnh xin giấy... Bộ Y tế thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đó là kiên quyết phải CCHC vừa bảo đảm giảm quá tải tuyến trên, vừa kích cầu và nâng cao chất lượng KCB cho tuyến dưới”- ông Tuyên nêu rõ.

Cùng với đó, Luật BHYT 2024 cũng quy định điều chỉnh tỷ lệ chi cho KCB BHYT, chi dự phòng và tổ chức hoạt động BHYT từ số tiền đóng BHYT. Quy định tăng mức phân bổ từ nguồn thu BHYT để chi cho hoạt động KCB lên 92%; giảm số tiền dành cho quỹ dự phòng, tổ chức hoạt động quỹ BHYT xuống 8%, trong đó dành tối thiểu 4% số tiền đóng BHYT cho quỹ dự phòng. Quy định rõ thời hạn thông báo kết quả giám định chi phí KCB để khắc phục vướng mắc về kéo dài thời gian thanh, quyết toán. Mặt khác, Luật cũng quy định về trách nhiệm của Bộ Y tế trong rà soát, cập nhật thường xuyên phác đồ điều trị để bảo đảm thuận tiện trong KCB và thanh toán BHYT; quy định về đánh giá sự hợp lý của việc cung cấp dịch vụ KCB BHYT... “Với những điểm mới cơ bản nêu trên, Luật sẽ giải quyết được căn cơ những tồn tại, vướng mắc mang tính cấp bách sau 15 năm thực hiện Luật BHYT, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, bảo đảm ASXH, quyền, lợi ích của người tham gia BHYT, cơ sở KCB, góp phần từng bước giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ “tiền túi” của người tham gia BHYT và tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ BHYT”- ông Tuyên khẳng định.

Bài: Nguyệt Hà Đồ hoạ: Thanh An