Bình Thuận hoàn thành chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm, đảm bảo an sinh xã hội

31/01/2020 10:33 AM


(binhthuan.gov.vn) Thời gian qua, với sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó nòng cốt là Bảo hiểm xã hội tỉnh, qua đó đã tập trung triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm, đảm bảo an sinh xã hội vững chắc cho người dân. Tổng số người tham gia BHYT trong năm 2019 đạt mức 86,2% - vượt và đạt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh.

Những kết quả quan trọng

       Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội tỉnh, trong năm 2019, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, tuy nhiên với sự nỗ lực của các cấp, các ngành nên việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả nhất định, góp phần ổn định tình hình kinh tế - chính trị và đảm bảo chính sách an sinh xã hội tại địa phương. Bảo hiểm xã hội tỉnh đã có nhiều cố gắng làm tốt vai trò tham mưu, phối hợp với các sở, ngành, các địa phương, chủ động tổ chức thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao cơ bản đạt được các yêu cầu đặt ra. Cấp ủy, chính quyền các địa phương, các sở, ban, ngành, mặt trận, đoàn thể đã chủ động và tích cực trong công tác phối hợp, chỉ đạo thực hiện các giải pháp phát triển đối tượng tham gia và thu BHXH, BHYT, BHTN.

(Hoạt động tuyên truyền về lợi ích khi tham gia BHXH, BHYT đến công nhân, người lao động)

       Theo số liệu mới nhất từ Bảo hiểm xã hội tỉnh, tổng số người tham gia BHYT toàn tỉnh là 991.014 người, đạt 101,3% kế hoạch, tăng 2,3%, tăng 22.482 người so với năm 2018. Tỷ lệ bao phủ BHYT chung toàn tỉnh đạt 86,2% dân số (bao gồm 70.646 người dân Bình Thuận đi học tập và lao động ngoài tỉnh được cấp thẻ BHYT), dân số năm 2019 là 1.232.039 người (căn cứ theo số liệu do Cục Thống kê tỉnh cung cấp). Vượt 0,2% chỉ tiêu bao phủ do Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Bình Thuận năm 2019 (86% dân số).

       Số lao động tham gia BHXH bắt buộc là 97.232 người, đạt 100,6% kế hoạch năm, tăng 2.905 người, tăng 3,1% so với năm 2018; số người tham gia BHXH tự nguyện là 4.334 người, đạt 111,3% kế hoạch năm, tăng 3.080 người, tăng 245,6% so với năm 2018; số lao động tham gia BHTN là 87.703 người, đạt 101,1% kế hoạch năm, tăng 5.501 người, tăng 6,7% so với năm 2018.

       Bên cạnh đó, công tác thu BHXH, BHYT, BHTN là 2.394.754 triệu đồng đạt 103,1% kế hoạch thu cả năm 2019, vượt 71.400 triệu đồng, tăng 10,3%, tương ứng tăng 223.314 triệu đồng so với năm 2018.

Sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị

       Sức khỏe là vốn quý nhất của nhân dân. Nắm rõ được điều này, trong những năm vừa qua, các cấp chính quyền tại Bình Thuận luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của nhân dân và đã ban hành, chỉ đạo thực hiện nhiều chủ trương, chính sách, trong đó chú trọng đến việc tăng cường tỷ lệ tham gia BHYT nhằm giúp người dân khắc phục những rủi ro bệnh tật và giảm gánh nặng chi phí trong khám, chữa bệnh.

       Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó xác định rõ nhiệm vụ liên quan đến công tác phát triển đối tượng tham gia, thu BHXH, BHYT, BHTN và kiểm soát dự toán khám chữa bệnh BHYT; đồng thời yêu cầu các sở, ngành, địa phương nghiêm túc triển khai thực hiện.

(Bảo hiểm xã hội tỉnh đưa vào vận hành Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tại Trung tâm Hành chính công)

       Bên cạnh đó, Bảo hiểm xã hội tỉnh đã không ngừng đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội. Chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, người lao động và nhân dân về công tác BHXH, BHYT, BHTN để họ tự quan tâm và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của mình theo quy định của pháp luật.

      Ngành cũng đã chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ công chức, viên chức làm công tác BHXH, BHYT và không ngừng đổi mới tác phong, lề lối làm việc từ hành chính sang phục vụ; nâng cao phẩm chất, đạo đức của viên chức trong thực thi công vụ; thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành về công tác BHXH, BHYT; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhất là hành vi trốn đóng, nợ tiền BHXH, BHYT và các hành vi gian lận, trục lợi BHXH, BHYT, BHTN; làm tốt công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến công tác BHXH, BHYT.

Tham gia bảo hiểm đem lại nhiều lợi ích cho người dân

Những vấn đề còn tồn tại

       Đánh giá một cách khách quan, trong năm 2019, mặc dù kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN của tỉnh Bình Thuận đã đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, tuy nhiên việc phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN chưa thật sự bền vững, nhất là đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHTN, đối tượng tham gia BHYT thuộc hộ gia đình, hộ gia đình cận nghèo…

       Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh đánh giá, so với cuối năm 2018, số người tham gia BHYT tăng 22.482 người, số người tham gia BHYT theo hộ gia đình tăng 22.728 người, khối doanh nghiệp tăng 2.609 người, thì số người tham gia BHYT giảm mạnh chủ yếu ở một số đối tượng như: Người thuộc hộ gia đình cận nghèo giảm 2.087 người, người thuộc hộ gia đình nghèo giảm 7.630 người, do đã thoát nghèo nhưng chưa có điều kiện tham gia lại; người đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo giảm 598 người; người lao động trong các đơn vị hành chính sự nghiệp giảm 309 người, cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn giảm 384 người do sắp xếp lại bộ máy; thân nhân của chiến sĩ, sĩ quan Công an giảm 351 người do xuất ngũ, nghỉ hưu…Vì vậy, công tác phát triển đối tượng tham gia BHYT năm 2019 tuy có tăng, nhưng không thể bù đắp được số lượng giảm, dẫn đến tỷ lệ tham gia BHYT tuy đạt theo quy định, nhưng vẫn còn thấp so với thực tế.

       Bên cạnh đó, việc khai thác, phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN trong các doanh nghiệp mới thành lập còn rất khó khăn: Năm 2019, tăng mới được 366 đơn vị với 1.777 lao động, số đơn vị tăng mới chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ sử dụng ít lao động, hoặc sử dụng lao động gia đình… Trong khi đó những doanh nghiệp có sử dụng số lao động nhiều thì tình hình sản xuất kinh doanh khó khăn, thường biến động lao động, số lao động tăng mới không bù được số lao động giảm (khoảng 6.522 người).

       Đối tượng vận động tham gia BHXH tự nguyện chủ yếu là người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, làm nông nghiệp, ngư nghiệp phần lớn có thu nhập thấp và không ổn định, nhận thức của người dân chưa cao về lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện; mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn thấp, chưa kích thích người dân tham gia; chế độ BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn, thời gian tham gia để được hưởng chế độ còn quá dài...

       Bước sang giai đoạn mới, những khó khăn nêu trên cần được sớm giải quyết một cách triệt để, có như vậy việc phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm mới đi vào thực chất, bền vững, đảm bảo an sinh xã hội theo đúng chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước./.

Hữu Tri