Vượt qua thách thức hoàn thành các chỉ tiêu năm 2022
04/01/2023 01:59 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Năm 2022, tuy dịch bệnh đã được kiểm soát, song hoạt động của ngành Bảo hiểm xã hội còn đầy khó khăn và thách thức do hậu quả của dịch bệnh để lại. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có bước phục hồi, nhưng tốc độ phát triển chậm. Mặt khác, Bình Thuận là tỉnh có cơ cấu kinh tế chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, dịch vụ; quy mô các doanh nghiệp trong tỉnh phần lớn là nhỏ và siêu nhỏ, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ, sử dụng ít lao động. Không ít doanh nghiệp du lịch, dịch vụ, chế biến hải sản, xây dựng, may mặc, giáo dục dân lập, đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính…bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 chưa khắc phục được số tiền nợ phát sinh trước và trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh, tiếp tục để nợ kéo dài với số tiền nợ lớn. Do vậy, số người tham gia BHXH còn thấp so với lực lượng trong độ tuổi lao động của tỉnh, độ bao phủ BHXH tăng chậm.
Đối với số người tham gia BHYT ở địa bàn nông thôn tuy có tăng, nhưng thiếu bền vững, nhất là khu vực hộ gia đình, học sinh sinh viên tham gia với thời gian ngắn hạn (từ 1-3 tháng) khi thẻ BHYT hết hạn, chưa tiếp tục tham gia lại; người dân tộc thiểu số, người sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và kể cả các xã xây dựng nông thôn mới tỷ lệ bao phủ BHYT đạt rất thấp. Công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện càng khó khăn hơn bao giờ hết. Vì từ ngày 01/01/2022 theo chuẩn hộ nghèo khu vực nông thôn tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021- 2025 tăng từ mức 700.000đ lên 1.500.000 đ/tháng, do đó ít nhiều đã ảnh hưởng đến người tham gia BHXH tự nguyện. Mặt khác, mức đóng tăng cao, nhiều người tham gia BHXH tự nguyện có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập hạn chế, không ổn định nên không tiếp tục tham gia hoặc không tham gia mới. Hơn nữa, chính sách BHXH tự nguyện chưa đủ hấp dẫn để vận động người dân tham gia.
BHXH Bình Thuận phối hợp với ngành Bưu điện tuyên truyền chính sách BHXH, BHYT
Trước những khó khăn và thách thức đó, ngành Bảo hiểm xã hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành các mặt hoạt động sát sao, kịp thời và quyết liệt. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các ngành hữu quan trong việc tuyên truyền, vận động phát triển người tham gia, kéo giảm nợ và giải quyết các chính sách bảo hiểm xã hội kịp thời, chính xác…nên đã tạo được sự chuyển biến rõ nét. Các mặt công tác, các chỉ tiêu được UBND tỉnh giao cơ bản hoàn thành và hoàn thành vượt mức. Nhất là trên lĩnh vực thu BHXH, BHYT, BHTN đã có nhiều chuyển biến tích cực, đến ngày 31/12/2022 thu đạt 100% kế hoạch; phát triển số người tham gia các loại bảo hiểm tăng trưởng cao so với năm trước; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,5% dân số; nợ bảo hiểm xã hội giảm xuống dưới mức cho phép. Công tác giám định BHYT đi vào ổn định, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng quỹ BHYT tại các cơ sở khám chữa bệnh; hạn chế tối đa tình trạng bội chi, vượt quỹ. Công tác cải cách thủ tục hành chính có nhiều chuyển biến, hiện có 98,6% đơn vị đã đăng ký thực hiện thủ tục hành chính qua giao dịch điện tử.
Lê Thanh
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?