Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để bảo đảm quyền lợi cho người lao động
13/02/2023 07:48 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Cùng với công tác quản lý, thì việc tăng cường thanh tra, kiểm tra thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) của các đơn vị, doanh nghiệp là giải pháp quan trọng nhằm giúp các đơn vị sử dụng lao động ( SDLĐ) tuân thủ tốt hơn các quy định của pháp luật, góp phần đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ), từ đó chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt hơn.
Người lao động giao dịch tại bộ phận một cửa
Đồng thời, công tác thanh tra, kiểm tra giúp doanh nghiệp hạn chế tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH, lạm dụng chính sách an sinh xã hội, trục lợi các quỹ BHXH, BHYT; ngăn ngừa tình trạng vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT.
Trong những năm qua, tình trạng nợ đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN ngày một phổ biến với nhiều hình thức, thủ đoạn trốn đóng tinh vi hơn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó chủ yếu là do: Nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật của các đơn vị sử dụng lao động chưa cao; chế tài xử phạt chưa tương xứng, chưa đủ sức răn đe các hành vi vi phạm; công tác quản lý, xử lý vi phạm ở một số nơi còn lỏng lẻo…Mặt khác, từ khi tổ chức công đoàn được giao chức năng khởi kiện (năm 2016) đến nay, mặc dù cơ quan BHXH và tổ chức công đoàn đã có sự phối hợp chặt chẽ, nhưng chưa có hồ sơ khởi kiện doanh nghiệp nợ BHXH nào được tòa án tiếp nhận và đưa ra xét xử…
Trước thực trạng nói trên, lãnh đạo cơ quan BHXH đã chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành, thanh tra liên ngành để thu hồi nợ đọng, nợ kéo dài và chấn chỉnh hành vi vi phạm luật BHXH, BHYT nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động. Trong năm 2022, thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đã thực hiện thanh tra tại 165 đơn vị (có 25 đơn vị thanh tra đột xuất), tăng 60 đơn vị so với năm 2021; kiểm tra 41 đơn vị (có 30 đơn vị sử dụng lao động, 4 đại lý thu, 01 đại diện chi trả, 01 cơ sở khám chữa bệnh và 5 đơn vị BHXH huyện), tăng 3 đơn vị so với cùng kỳ 2021. Đồng thời, phối hợp kiểm tra liên ngành tại 14 đơn vị (9 đơn vị đột xuất), tăng 9 đơn vị so với năm 2021.
Qua thanh tra, đã phát hiện và yêu cầu các đơn vị khắc phục tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN hơn 50.922 triệu đồng; yêu cầu các đơn vị truy đóng BHXH, BHTN, BHYT cho 510 lao động với tổng số tiền 3.203 triệu đồng; đề nghị thu hồi về quỹ BHXH 13,5 triệu đồng do hưởng chế độ BHXH ngắn hạn sai quy định; thu hồi về quỹ BHYT số tiền 82 triệu đồng do cơ sở khám chữa bệnh đề nghị thanh toán chưa đúng quy định. Mặt khác, qua thanh tra, kiểm tra đã ban hành 203 kết luận thanh tra, kiểm tra; 11 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính (trong đó, UBND tỉnh đã ban hành 04 Quyết định), với số tiền xử phạt 854,4 triệu đồng. Cơ quan BHXH đã phối hợp cùng Tổ công tác liên ngành của tỉnh làm việc với 38 đơn vị SDLĐ chậm đóng, để nợ kéo dài. Qua làm việc đã có 35 đơn vị, doanh nghiệp khắc phục toàn bộ hoặc một phần nợ (có 3 đơn vị không khắc phục được nợ); tổng số tiền nợ khắc phục 6.210 triệu đồng/19.850 triệu đồng. Mặt khác, trong năm 2022, cơ quan BHXH tỉnh đã chuyển hồ sơ sang Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra, khởi tố vụ án hình sự vi phạm luật BHXH đối với 01 đơn vị (Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng Thái Dương). Nhờ vậy, kết thúc năm tài chính 2022 tỷ lệ nợ bảo hiểm của các doanh nghiệp đã kéo giảm xuống còn 3,89% số thu; tỷ lệ bao phủ BHXH đạt 24,42% lực lượng lao động.
Có thể nói, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành là giải pháp nhằm kiểm soát, thúc đẩy các đơn vị tích cực đóng BHXH, BHYT, BHTN, hạn chế thấp nhất tình trạng nợ đọng, nợ kéo dài xâm hại đến quyền lợi, sức khỏe của người lao động trong các đơn vị, doanh nghiệp.
N.Hoàng
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?