Làm sạch thông tin công dân trong triển khai đề án 06/CP

28/08/2023 03:56 PM


Ngày 06/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là đề án 06).

Người dân khám bệnh tại Bệnh viện đa khoa An Phước bằng thẻ CCCD

Khi triển khai thực hiện đề án này, người dân và doanh nghiệp được hưởng rất nhiều lợi ích. Đặc biệt, khi hệ thống định danh và xác thực điện tử được đưa vào sử dụng sẽ là nền tảng để phát triển hệ sinh thái số trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến gắn kết với chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, người dân và doanh nghiệp được cung cấp tài khoản định danh điện tử để phục vụ các giao dịch trên môi trường điện tử, thanh toán điện tử gắn với các hệ sinh thái, các cơ sở dữ liệu quốc gia, sử dụng chữ ký số, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử…tạo điều kiện cho người dân trong quá trình hoạt động, sản xuất, kinh doanh. Các tiện ích của việc thực hiện đề án 06 là: Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội (nghiên cứu, triển khai việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ căn cước công dân (CCCD) đối với các lĩnh vực tài chính, ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội khác); phục vụ công dân số (ứng dụng VNEID hoặc qua thẻ CCCD gắn chip điện tử); hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp…Thời gian qua, Công an Bình Thuận đã phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh triển khai đề án 06 của Chính phủ trên địa bàn Bình Thuận. Đến đầu tháng 8/2023 toàn tỉnh có số lượng CCCD/ĐDCN được đồng bộ, xác thực là 974.940 người/1.043.335 người đang tham gia BHXH, BHYT đạt tỷ lệ 93%, số còn lại phải xác thực, đồng bộ là 7% tương ứng 68.395 người. Trong đó, số chưa có CCCD/ĐDCN là 41.785 người; số có CCCD/ĐDCN nhưng chưa đồng bộ 26.610 người do thông tin chưa trùng khớp với dữ liệu dân cư Quốc gia. Trong đó, có 968.898 số ĐDCN/CCCD được đồng bộ với thẻ BHYT còn hiệu lực để KCB tại 132 cơ sở KCB BHYT và đã có 176.065 lượt tra cứu thông tin BHYT qua CCCD, (tra cứu thành công là 142.017 lượt).

Tuy nhiên, tỷ lệ giao dịch điện tử trên cổng DVC vẫn còn thấp; việc trang bị đầu đọc mã Qrcode tại các cơ sở KCB chưa đầy đủ và đồng bộ theo quy chuẩn; tỷ lệ người tham gia được cập nhật số ĐDCN/CCCD và xác thực đúng với CSDL Quốc gia về dân cư chưa đảm bảo tiến độ đề ra. Mặt khác, công tác KCB BHYT bằng CCCD gắn chíp tại một số cơ sở y tế còn gặp nhiều khó khăn. Bởi, tỷ lệ người dân dùng điện thoại thông minh chưa nhiều, cũng như chưa quen tiếp cận với DVC. Dữ liệu người tham gia BHXH, BHYT chưa xác thực với CSDL Quốc gia về dân cư…Đối với trẻ em dưới 6 tuổi chưa có số ĐDCN hoặc đã có thông tin ĐDCN nhưng không xác thực được, (hiện có 28.695 trẻ em chưa được đồng bộ, chưa có số ĐDCN/CCCD và 23.063 trẻ em có số ĐDCN/CCCD nhưng chưa xác thực đúng). Thông tin ĐDCN trẻ em đã cập nhật đầy đủ thông tin, nhưng chỉ mới đăng ký khai sinh, chưa đăng ký thông tin thường trú; có trường hợp thông tin mã QR trên CCCD gắn chíp bị lỗi phông chữ tiếng Việt…

Trong thời gian tới cần đẩy nhanh tiến độ cập nhật, xác thực đồng bộ ĐDCN/CCCD theo chỉ đạo của BHXH Việt Nam; làm sạch thông tin công dân trong việc triển khai đề án 06/CP. Đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về các DVC thiết yếu đã được tích hợp trên cổng DVC Quốc gia, của Ngành BHXH để người tham gia BHXH, BHYT hiểu và thực hiện giao dịch hiệu quả.                                                               

 

H.Nhật