Xây dựng mô hình “Công dân học tập”

07/09/2023 10:06 AM


Học tập là góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị, quê hương, đất nước. Nên mỗi cá nhân phải tự giác học tập, mỗi đơn vị, địa phương, gia đình phải khuyến khích, động viên và tạo điều kiện để tất cả mọi người có thể tham gia học tập, nâng cao kiến thức cho bản thân.

Theo đó, mục tiêu triển khai Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030” của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận là thúc đẩy tinh thần tự giác học tập của mỗi viên chức, người lao động để có cơ hội phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng, sự sáng tạo, tình yêu gia đình, yêu quê hương, đất nước; sống và làm việc hiệu quả, có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Công dân học tập là hạt nhân nòng cốt để xây dựng xã hội học tập. Bởi lẽ muốn có được các mô hình gia đình, cơ quan - đơn vị, cộng đồng học tập thì trước hết phải có những công dân học tập.

Một số viên chức BHXH tỉnh Bình Thuận bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ

Hiện nay, toàn hệ thống chính trị đang thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia, với quyết tâm xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, cơ quan, đơn vị số và cả công dân số. Bởi vậy, tiêu chí mô hình Công dân học tập phải là sản phẩm, là mục tiêu của sự chuyển đổi số, là động lực nhân lực cơ bản để phát triển xã hội số. Trên cơ sở hình thành mô hình “Công dân học tập”, BHXH tỉnh khuyến khích, tạo cơ hội công bằng, điều kiện thuận lợi để công chức, viên chức, người lao động được tham gia học tập, hướng tới mục tiêu công dân số, đáp ứng yêu cầu của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, phấn đấu đến năm 2025 có 60% công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập đạt danh hiệu “Công dân học tập”, 70% những người đạt danh hiệu “Công dân học tập” đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó 60% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá “Công dân học tập” trên môi trường số hóa; đến năm 2030 có 80% công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị học tập đạt danh hiệu “Công dân học tập”, 90% những người đạt danh hiệu “Công dân học tập” đều phải có những kỹ năng số và đáp ứng yêu cầu công việc theo quy định của Chương trình chuyển đổi số quốc gia, trong đó 80% thành thạo kỹ năng số để tự cập nhật thông tin về tiêu chí đánh giá “Công dân học tập” trên môi trường số hóa.

Để đạt được mục tiêu đó, BHXH tỉnh tập trung đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp như: Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, nâng cao nhận thức của cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị về chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng môi trường học tập mà trọng tâm là cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, nhất là công chức lãnh đạo, viên chức quản lý phải làm nòng cốt đi đầu trong phong trào xây dựng các mô hình học tập, phấn đấu trở thành công dân học tập, học thường xuyên; mô hình công dân học tập phải bám sát theo Kế hoạch số 2674/KH-UBND ngày 15/8/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh và Hướng dẫn số 04/HD-KHBT ngày 16/9/2022 của Hội Khuyến học tỉnh Bình Thuận về triển khai Chương trình “Xây dựng mô hình Công dân học tập giai đoạn 2021-2030”, trong đó những tiêu chí được cụ thể hóa từ bộ tiêu chí hướng dẫn của Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam theo Quyết định số 677/QĐ-TTg ngày 03/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ. Các tiêu chí thể hiện rõ mối quan hệ của công dân với việc học tập của bản thân, với công việc - nghề nghiệp, với gia đình, với cơ quan, đơn vị công tác, nơi cư trú, với cộng đồng xã hội và với môi trường sinh sống, làm việc, học tập…; thường xuyên quan tâm, thúc đẩy phong trào thi đua học tập trong cơ quan, đơn vị, không phân biệt lứa tuổi, đối tượng... góp phần nâng cao chất lượng cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ chuẩn mực, có đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; tạo điều kiện, môi trường, cơ hội tốt nhất để cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham gia học tập dưới nhiều hình thức, từ đó đổi mới tư duy và sáng tạo trong công việc để thích ứng với những tác động của nền kinh tế số./.

Hoàng Nhân