Doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm kéo dài ảnh hưởng người lao động
16/11/2023 02:21 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) kéo dài của các doanh nghiệp (DN) không chỉ gây khó khăn cho việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động (NLĐ).
Công trình xây dựng dân dụng
Hành vi vi phạm pháp luật khi doanh nghiệp trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nghiêm trọng đối với NLĐ, đó là: Không nhận được trợ cấp thất nghiệp; không được chi trả các chế độ như: Ốm đau, thai sản, hưu trí; không thể chốt được sổ BHXH kể cả khi đã chuyển đến làm việc ở một đơn vị khác. Chị Lê Thị Thảo, nhân viên của một Công ty xây dựng ở TP. Phan Thiết chia sẻ: “Do Công ty không đóng BHXH, BHYT nên nhiều nữ công nhân không được hưởng chế độ thai sản mặc dù con của họ đã lớn. Thậm chí có trường hợp NLĐ tử vong, gia đình họ vẫn chưa nhận được chế độ tử tuất. Do không chấm dứt hợp đồng lao động nên không xin được việc làm ổn định dù có tay nghề, NLĐ phải đi làm thuê những công việc thời vụ để có tiền trang trải cuộc sống”.
Theo báo cáo cơ quan BHXH Bình Thuận, đến đầu tháng 11/2023, số tiền chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN phải thu là 183.797 triệu đồng; trong đó: Chậm đóng BHXH là 139.563 triệu đồng, chậm đóng BHYT 38.491 triệu đồng (trong đó tiền ngân sách hỗ trợ đóng BHYT chưa đến kỳ chuyển là 27.269 triệu đồng); chậm đóng BHTN 4.531 triệu đồng, chậm đóng BHTNLĐ-BNN là 1.212 triệu đồng. Số tiền chậm đóng phải thu chiếm tỷ lệ 6,14% dự toán thu. So với cùng kỳ năm 2022 số tiền chậm đóng tăng 20.303 triệu đồng, tương ứng tăng 12,42%. Nguyên nhân là do các đơn vị sử dụng lao động ngành chế biến hải sản, xây dựng, chế biến gỗ…chưa khắc phục được số tiền chậm đóng phát sinh trước và trong giai đoạn xảy ra dịch bệnh Covid-19, nay tiếp tục gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh do thiếu đơn hàng, cắt giảm lao động, hoạt động cầm chừng, để tiền chậm đóng kéo dài (trong đó chậm đóng kéo dài từ 3 tháng trở lên là 93.777 triệu đồng, chiếm 51,0% số tiền chậm đóng). Có nhiều DN chậm đóng với số tiền lớn và kéo dài nhiều tháng, nhiều năm. Các đơn vị này tuy đã được thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an, nhưng vẫn chưa khắc phục (trong đó có 15 đơn vị chậm đóng từ 01 đến trên 9 tỷ đồng/đơn vị với tổng số tiền trên 65 tỷ đồng). Hiện toàn tỉnh có 365 đơn vị phá sản, giải thể, mất tích, ngừng hoạt động với tổng số tiền chậm đóng 16.370 triệu đồng chiếm 8,91% tổng số tiền chậm đóng, không có khả năng thu hồi, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn xử lý của cấp có thẩm quyền. Qua rà soát, đã xác định 276 đơn vị đã ngừng giao dịch với cơ quan BHXH. Những đơn vị này hoạt động thua lỗ, giảm toàn bộ lao động tham gia BHXH, nhưng chưa làm thủ tục giải thể, phá sản; đóng mã số thuế, với số tiền chậm đóng hơn 2.550 triệu đồng…
Trước thực trạng nói trên, ngành BHXH đã tăng cường phối hợp với các ngành, địa phương thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp trong những tháng cuối năm. Trong đó tăng cường đôn đốc, thu tiền chậm đóng; gửi thông báo kết quả đóng BHXH, BHYT, BHTN đến 4.1021 đơn vị; tổ chức đôn đốc thu trực tiếp tại 833 đơn vị, số tiền các đơn vị thu sau đôn đốc hơn 72.465 triệu đồng. Trên cơ sở dữ liệu cơ quan Thuế và Kế hoạch – Đầu tư cung cấp, cơ quan BHXH đã rà soát, khai thác 2.269 đơn vị/49.882 người có quyết toán thuế thu nhập cá nhân, đã phát triển mới 409 lao động/122 đơn vị. Mặt khác, cơ quan BHXH đã thực hiện hậu kiểm 347 đơn vị sử dụng lao động; phối hợp thanh tra chuyên ngành thanh tra đột xuất 49 đơn vị chậm đóng kéo dài. Qua thanh tra đã có 39/49 đơn vị khắc phục toàn bộ số tiền chậm đóng (tỷ lệ khắc phục 44,4%); còn 09/49 đơn vị chưa khắc phục xong. Đồng thời, BHXH tỉnh đã hoàn thành việc rà soát, xác minh tình trạng của 526 đơn vị sử dụng lao động tham BHXH bắt buộc ngừng giao dịch với cơ quan BHXH; qua rà soát, đã xác định 250 đơn vị ngừng hoạt động (đã giải thể; phá sản).
Thời gian còn lại của năm 2023, ngành BHXH tiếp tục tăng cường công tác đôn đốc thu, hậu kiểm; phân công cán bộ bám sát đơn vị sử dụng lao động để đôn đốc nộp tiền đóng, hạn chế đến mức thấp nhất phát sinh tiền chậm đóng mới. Mặt khác, tổ chức mời các đơn vị làm việc hoặc đôn đốc trực tiếp đối với các đơn vị chậm đóng BHXH, BHYT, BHTN từ 3 tháng trở lên; phối hợp tổ công tác Liên ngành tổ chức kiểm tra đơn vị chậm đóng kéo dài với số tiền lớn; phấn đấu đến cuối năm 2023 số tiền chậm đóng giảm xuống đạt tỷ lệ BHXH Việt Nam quy định.
L. THANH
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?