Người lao động mất việc kỳ vọng chính sách trợ cấp thất nghiệp
18/01/2024 11:06 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Hậu dịch bệnh Covid-19, đang làm cho tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng xuất khẩu của ngành may mặc, giày da, thủy sản, chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng… nên nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động.
Lao động trong các doanh nghiệp xây dựng gặp nhiều khó khăn do không có công trình
Trong bối cảnh đó, chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đã kịp thời hỗ trợ người lao động bị mất việc làm bù đắp được một phần chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống. Đồng thời, kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới. Nhờ có các chính sách hỗ trợ từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp mà hàng ngàn người lao động đã vượt qua khó khăn về kinh tế, giải quyết được vấn đề việc làm để tạo thu nhập ổn định.
Làm công tác quản lý một cơ sở chế biến thủy sản tại thành phố Phan Thiết được hơn sáu năm. Vì lý do sức khỏe và công việc chưa phù hợp nên tháng 8/2023 chị Thảo xin nghỉ việc. Trong thời gian nghỉ việc chị được hưởng tiền trợ cấp thất nghiệp hơn 4,5 triệu đồng mỗi tháng. Trong 5 tháng hưởng chế độ thất nghiệp cuộc sống của chị tương đối ổn định. Chị Thảo chia sẻ: “Nhờ hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp mà cuộc sống của gia đình tôi được ổn định. Mặt khác, trong thời gian hưởng chế độ thất nghiệp tôi được Trung tâm giới thiệu việc làm tư vấn nên tôi đã được một doanh nghiệp nhận và bố trí công việc phù hợp với khả năng ngành nghề được đào tạo tại trường đại học”.
Toàn tỉnh Bình Thuận có khoảng 676.877 người trong độ tuổi lao động, nhưng tỷ lệ tham gia BHTN mới đạt 14,34 % lực lượng lao động. Trong năm 2023 có 11.228 người nghỉ việc hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 5,4% so với năm 2022. Nguyên nhân chính khiến người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng là do doanh nghiệp, đơn vị giải thể, phá sản, thay đổi cơ cấu; hết hạn hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc; chấm dứt hợp đồng lao động/ hợp đồng làm việc trước thời hạn; người lao động bị xử lý kỷ luật, sa thải…Bên cạnh đó, còn có nguyên nhân khác đó là do người lao động chuyển sang làm việc ở lĩnh vực mới hoặc chuyển sang công việc mới… Khi họ áp dụng hình thức này thì nhiều lao động bị giảm thu nhập nên đã xin nghỉ việc. Cùng với sự thay đổi của thị trường lao động, xu hướng dịch chuyển lao động cũng rất rõ rệt. “Người lao động ưa thích tìm kiếm những công việc linh hoạt, bán thời gian, với ngành nghề, thu nhập ổn định”. Số người hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2023 tăng cao, đó cũng là tín hiệu nguy cơ khó khăn của doanh nghiệp và sự đi xuống của thị trường lao động. Mặt khác, một bộ phận chủ doanh nghiệp chưa ý thức hết trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHTN, chưa kịp thời đóng tiền phát sinh hàng tháng. Hiện toàn tỉnh có 365 đơn vị phá sản, giải thể, mất tích, ngừng hoạt động với tổng số tiền chậm đóng 16.370 triệu đồng không có khả năng thu hồi, nhưng chưa có văn bản hướng dẫn xử lý. Qua rà soát, đã xác định 276 đơn vị đã ngừng giao dịch với cơ quan BHXH. Những đơn vị này hoạt động thua lỗ, giảm toàn bộ lao động tham gia BHXH nhưng chưa làm thủ tục giải thể, phá sản. Vì thế, quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, cuộc sống khó khăn, người lao động phải tìm việc mới.
Để chính sách BHTN phát huy hiệu quả hơn, người lao động mong muốn mở rộng đối tượng tham gia; giảm mức đóng BHTN; tăng quyền lợi như: Hỗ trợ tư vấn, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng nghề, học nghề. Mặt khác, người lao động cũng mong muốn nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp; bổ sung quy định hỗ trợ người lao động bị mất, giảm việc làm do thiên tai, dịch bệnh từ quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
L. THANH
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?