Bình Thuận phấn đấu đạt “Mục tiêu kép”: Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội

01/06/2020 11:06 AM


(binhthuan.gov.vn) 6 tháng đầu năm 2020, Bình Thuận triển khai kế hoạch kinh tế - xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là chịu sự tác động của hạn hán và dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, với sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân; tỉnh đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, chuyển sang trạng thái bình thường mới, từng bước khắc phục khó khăn thúc đẩy kinh tế phát triển.

Đảm bảo đồng thời “Mục tiêu kép”

Trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng bởi hạn hán và dịch bệnh Covid-19, ngay từ đầu năm 2020, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình dịch bệnh; đồng thời, kịp thời ban hành các kế hoạch và nhiều văn bản triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, giải ngân các nguồn vốn đầu tư, bảo đảm an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội, ứng phó với dịch bệnh Covid-19.

Ngay sau khi phát hiện ca dương tính đầu tiên, tỉnh Bình Thuận đã chủ động triển khai các biện pháp quyết liệt phòng chống dịch. Với sự đồng lòng, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, đến nay, tỉnh Bình Thuận đã liên tiếp 77 ngày không ghi nhận thêm trường hợp nào nhiễm Covid-19, 9/9 ca nhiễm Covid-19 đã được chữa khỏi bệnh và xuất viện, không còn trường hợp nào nghi nghiễm Covid-19 đang theo dõi, giám sát tại các cơ sở điều trị và cơ sở cách ly tập trung. 237 đối tượng vòng 1 (F1) của 09 ca dương tính đã được cách ly tập trung và xử lý theo quy định, đều có kết quả xét nghiệm âm tính và theo dõi tại địa phương.

Thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh, các địa phương trong tỉnh đã cơ bản thực hiện xong việc chi trả cho các đối tượng chính sách và đối tượng thân nhân người có công. Hiện nay, các địa phương đang tích cực chỉ đạo các cơ quan chuyên môn cấp huyện và UBND các xã, phường, thị trấn triển khai việc rà soát, thống kê và hướng dẫn hoàn chỉnh hồ sơ các đối tượng: Người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động hoặc nghỉ việc không hưởng lương; người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm và hộ kinh doanh.

Ngoài ra, các ngành: Thuế, ngân hàng, công thương, nông nghiệp trong tỉnh cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giúp người dân và cộng đồng doanh nghiệp từng bước vượt qua những tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19.

Bên cạnh việc chủ động quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tỉnh Bình Thuận vẫn song hành nhiệm vụ kép khi giữ được đà tăng trưởng về kinh tế. Ước trong 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 5,01% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 17.140 tỷ đồng, tăng 8,9% so với cùng kỳ; trong đó giá trị sản xuất và phân phối điện duy trì mức tăng cao; các công trình, dự án điện đôn đốc triển khai, tiếp tục thu hút dự án thứ cấp vào các khu công nghiệp.

Sản xuất nông nghiệp cũng nhiều cố gắng, chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết; phòng chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi được triển khai tích cực, đàn lợn được phục hồi. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, giá cả; hoạt động thương mại, dịch vụ, giá cả hàng hóa, dịch vụ giữ ổn định, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất, sinh hoạt của nhân dân, nhất là trong dịp lễ, tết và đảm bảo đủ nguồn cung ứng phó với dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh Covid-19, hạn hán cũng đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt, nhiều chỉ tiêu kinh tế của tỉnh bị sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề với lượng khách giảm 47,6%, doanh thu giảm 37,4%.

Biến áp lực thành động lực tăng trưởng

Tại cuộc họp Ủy ban nhân dân tỉnh thảo luận, cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 vào ngày 21/5 vừa qua, các thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh đã tập trung phân tích, đánh giá các kết quả đạt được cũng như xây dựng các kịch bản ứng phó thích hợp trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

Hội nghị đã nhận định, 5 nội dung chính cần phải tập trung thực hiện trong thời gian tới, đó là: đề ra giải pháp quyết liệt nhằm thu hút và khơi thông các nguồn lực, hiến kế thúc đẩy giải ngân 100% vốn đầu tư công, triển khai hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các gói chính sách của Trung ương, tập trung kích cầu nội địa (nhất là về du lịch, thị trường tiêu thụ) trong trạng thái bình thường mới, thực hiện chính sách an sinh xã hội tại địa phương.

Hiện nay, tỉnh Bình Thuận là địa phương có môi trường đầu tư cực kỳ thuận lợi với nhiều nhà đầu tư, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đang tìm kiếm cơ hội và triển khai các dự án lớn. Đây chính là cơ hội để tỉnh bứt phá, tăng tốc bù vào thời gian chững lại trong phát triển kinh tế và ảnh hưởng của dịch bệnh vừa qua.

Để phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020, Bình Thuận tiếp tục khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Bên cạnh đó, tập trung lãnh đạo huy động nguồn lực thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống hạn, ưu tiên giải quyết nước sinh hoạt không để cho nhân dân thiếu nước sinh hoạt, phát sinh dịch bệnh. Chỉ đạo sản xuất nông nghiệp, cân đối nguồn nước cho vụ Hè Thu 2020 theo kế hoạch đề ra; nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết hạn hán và ứng phó với lũ, bão; bảo đảm an ninh lương thực, tăng việc làm cho người lao động để sản xuất nông nghiệp “thật sự trở thành là bệ đỡ của nền kinh tế” trong bối cảnh ứng phó dịch bệnh Covid-19 đang còn diễn biến phức tạp, khó lường.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy nhanh tiến độ thi công, tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng và thực hiện tốt giải ngân nguồn vốn các dự án đầu tư công; đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, giải quyết ngay những khó khăn, vướng mắc, tạo mọi thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, nhất là về đất đai, đầu tư, xây dựng, tín dụng, thuế, hải quan…; đẩy nhanh thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh theo kế hoạch đề ra…

Riêng về lĩnh vực du lịch, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, tổ chức các sự kiện của tỉnh sau dịch Covid-19, làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch an toàn với nhiều hình thức, nhiều kênh nhằm phát triển thị trường khách du lịch mới; đổi mới nâng cao chất lượng dịch vụ chu toàn nhất, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thu hút du khách của các thị trường tiềm năng.

 

TT Dân