Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp - quyền lợi của người lao động
22/09/2023 10:19 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
[https://baoangiang.com.vn/] Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là điều không ai mong muốn và luôn cố gắng phòng tránh. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn xảy ra những vụ tai nạn rất đáng tiếc. Vì vậy, việc ra đời của bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là cần thiết, giúp bù đắp một phần tổn thất, mất mát cho người lao động (NLĐ)…
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là một trong 5 chế độ của chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), được quy định trong Luật BHXH. Từ ngày 25/6/2015, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII đã thông qua và thống nhất, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cụ thể tại Luật An toàn và vệ sinh lao động. Đây là chính sách an sinh xã hội, nhằm bù đắp một phần tổn thất cho NLĐ và người sử dụng lao động nếu không may gặp sự cố. Với chính sách này, NLĐ bị tai nạn sẽ được chi trả một khoản phí để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Theo đó, NLĐ sẽ được trợ cấp 1 lần khi bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30%. Trường hợp suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 5 lần mức lương cơ sở. Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% sẽ được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Ngoài mức trợ cấp này, NLĐ còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Cụ thể, từ 1 năm trở xuống sẽ được tính bằng 0,5 tháng tiền lương. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.
Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp giúp bù đắp một phần tổn thất, mất mát cho người lao động
Đối với NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên, sẽ được hưởng trợ cấp hàng tháng. Theo đó, nếu suy giảm 31% khả năng lao động sẽ được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở. Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương. Ngoài mức trợ cấp trên, mỗi tháng, NLĐ còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH. Từ 1 năm trở xuống được tính bằng 0,5% mức lương.
Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng BHXH được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị. Ngoài ra, nếu NLĐ bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống; mù 2 mắt; cụt, liệt 2 chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định trên, còn được hưởng trợ cấp phục vụ hàng tháng bằng mức lương cơ sở.
Bên cạnh những trường hợp trên, NLĐ tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đang làm việc mà bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì thân nhân được hưởng trợ cấp 1 lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.
Ngoài ra, NLĐ sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 5-10 ngày. Mức hưởng 1 ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.
NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp khi trở lại làm việc. Mặt khác, doanh nghiệp, người sử dụng lao động được hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, như: Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp; phục hồi chức năng lao động. Đồng thời, hỗ trợ điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan BHXH; huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…
Theo quy định hiện hành, trách nhiệm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thuộc về người sử dụng lao động, mức đóng bằng 0,5% mức lương cơ sở cho mỗi NLĐ. Mức đóng chỉ còn 0,3% nếu doanh nghiệp bảo đảm một số điều kiện: Trong vòng 3 năm không bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý hình sự; chấp hành báo cáo định kỳ về an toàn vệ sinh lao động đúng thời hạn; tần suất tai nạn lao động giảm từ 15% trở lên/năm.
NLĐ được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện, như: Bị tai nạn tại nơi làm việc và trong giờ làm việc; ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động. Ngoài ra, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn áp dụng đối với NLĐ bị tai nạn trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý. Với mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn như trên.
Với những cơ chế linh hoạt, thông thoáng như trên càng thấy rõ hơn, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ngày càng thể hiện rõ vai trò bệ đỡ, điểm tựa an sinh của NLĐ. Những quyền lợi này góp phần giúp NLĐ vượt qua khó khăn, giảm gánh nặng về chi phí khám, chữa bệnh khi không may gặp rủi ro. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng an sinh xã hội, giúp người dân có một cuộc sống ổn định và tốt hơn.
Đức Toàn
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Bàn giao công trình “Thắp sáng đường quê” năm 2024
Bình Thuận: Đẩy mạnh phối hợp triển khai thanh toán không ...
Kinh tế hồi phục nhiều lao động tham gia vào hệ thống an ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?