Hoàn thiện dự án Luật BHXH (sửa đổi) đảm bảo chất lượng

10/05/2024 09:28 AM


Chiều 9/5, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp xin ý kiến Lãnh đạo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) và Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Mở đầu cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dự kiến sẽ thông qua 10 Luật, cho ý kiến về 11 dự án Luật, trong đó có dự án Luật BHXH (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Đây là hai dự án luật khó, nhất là Luật BHXH (sửa đổi) cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, đúng quy định trước khi trình Quốc hội, bởi đây là dự án luật có liên quan đến nhiều đối tượng, tới NLĐ với nhiều vấn đề đáng quan tâm như rút BHXH một lần, mức lương…

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, cách đây 2 ngày, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành bàn về vấn đề cải cách tiền lương theo vị trí việc làm và việc sửa đổi Luật BHXH cũng có nội dung liên quan đến vấn đề cải cách tiền lương.

Nhấn mạnh, sau Kỳ họp thứ 6, đây là lần thứ hai, Thường trực Ủy ban Xã hội báo cáo với lãnh đạo Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, tại cuộc họp hôm nay, Ủy ban Xã hội sẽ thể hiện rõ chính kiến, phương án lựa chọn.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh

“Dự án Luật BHXH (sửa đổi) là dự án luật khó, cần có sự thống nhất giữa Chính phủ và Ủy ban TVQH trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, đồng thời tính toán đến khả năng thực hiện”- Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu tham dự cuộc họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao sự chủ động, tinh thần trách nhiệm của Ủy ban Xã hội và sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan chủ trì thẩm tra với Ban Soạn thảo, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban TVQH và các bộ, ngành có liên quan trong việc thẩm tra dự án Luật BHXH (sửa đổi) và dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam, Đảng đoàn Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện nghiêm túc Kết luận 3487 của Ủy ban TVQH trong việc bổ sung hồ sơ trình Quốc hội và nghiên cứu tiếp thu các nội dung, vấn đề nào chưa tiếp thu phải có giải trình thấu đáo và hợp lý. Đồng thời, chủ động báo cáo xin ý kiến các cấp có thẩm quyền về các nội dung đã được nêu trong Kết luận số 3487, các nội dung khác mà Tổng LĐLĐ Việt Nam thấy cần thiết và kịp thời thông tin đến cơ quan chủ trì thẩm tra và bổ sung trong tài liệu trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 tới.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban TVQH, Chính phủ, ý kiến thẩm tra, ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan trong cuộc họp này để hoàn thiện thêm hồ sơ dự thảo luật, bảo đảm chất lượng. Đặc biệt, Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các cơ quan của Quốc hội để hoàn thiện báo cáo thẩm tra dự án luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 tới.

Nguyệt Hà

  • Lượt truy cập: 2612273
  • Tháng này: 4424
  • Hôm nay: 5387
  • Đang trực tuyến: 464