Thực hiện mục tiêu tiến tới BHYT toàn dân

30/06/2020 04:34 PM


Qua hơn 30 năm đổi mới, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở ngày càng được củng cố và phát triển; nhiều dịch bệnh nguy hiểm được khống chế và đẩy lùi; các dịch vụ y tế ngày càng đa dạng, nhiều công nghệ mới được nghiên cứu và ứng dụng. Nhân dân ở hầu hết các vùng miền đã được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ở nước ta vẫn còn có những bất cập, trong đó có vấn đề chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của nhân dân. Điều kiện chăm sóc y tế cho người nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.

 

         

         Với mục tiêu giảm tỷ lệ mắc bệnh tật và tử vong, nâng cao sức khỏe, tăng tuổi thọ, cải thiện chất lượng giống nòi, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, đổi mới và hoàn thiện hệ thống y tế theo hướng công bằng, hiệu quả và phát triển, Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới khẳng định: “Phát triển bảo hiểm y tế toàn dân nhằm từng bước đạt tới sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe, thực hiện sự chia sẻ giữa người khỏe với người ốm, người giàu với người nghèo, người trong độ tuổi lao động với người già, trẻ em”. Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) được Quốc hội thông qua và được ban hành, có hiệu lực từ ngày 01/7/2009 là cơ sở pháp lý cao nhất để thực hiện chính sách tài chính y tế thông qua BHYT, đánh dấu một bước quan trọng trong quá trình thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe nhân dân ở nước ta.

          Để chính sách BHYT được triển khai theo đúng lộ trình đã định, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về khám, chữa bệnh của nhân dân, xây dựng hệ thống tài chính y tế công bằng, hiệu quả và phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe nhân dân cần xây dựng và lựa chọn các giải pháp chiến lược, đồng bộ để vượt qua những thách thức. Việc phát triển, mở rộng BHYT không những để đảm bảo mục tiêu xã hội hóa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn được coi là biện pháp cơ bản đảm bảo tính bền vững của chính sách BHYT. Đổi mới nội dung và tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, với nhiều hình thức để nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và mọi người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của BHYT và nghĩa vụ của mỗi người dân trong việc tham gia BHYT và thực hiện chính sách BHYT. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện chính sách BHYT, Luật BHYT.

          Việc triển khai chính sách BHYT phải thực hiện từng bước và đồng bộ với việc củng cố, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cải cách thủ tục hành chính, nâng cao đạo đức nghề nghiệp để có tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh tốt hơn, đảm bảo chất lượng phục vụ và sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT. Tiếp tục thực hiện chính sách đầu tư cho mạng lưới khám, chữa bệnh đặc biệt là y tế cơ sở; tăng cường thực hiện xã hội hóa công tác y tế, đa dạng các loại hình khám, chữa  bệnh để giảm tải và nâng cao năng lực cũng như chất lượng khám, chữa bệnh BHYT. Nguồn tài chính của quỹ cần được đảm bảo sử dụng có hiệu quả tối đa, thông qua việc đổi mới áp dụng phương pháp thanh toán chi trả phù hợp như: chi trả trọn gói theo “ ca bệnh” hoặc theo “nhóm chẩn đoán” nhằm hạn chế lạm dụng, kiểm soát chi phí tốt hơn và khuyến khích nâng cao hiệu suất của hệ thống cung ứng dịch vụ, sử dụng có hiệu quả quỹ BHYT. Tăng cường năng lực quản lý nhà nước về BHYT;  củng cố, nâng cao năng lực bộ máy thực hiện BHYT từ Trung ương đến địa phương; tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác BHYT; đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm; ứng dụng công nghệ thông tin để tăng cường công tác quản lý BHYT.

          BHYT toàn dân là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước, cung cấp một cơ chế tài chính y tế hướng tới mục tiêu công bằng xã hội trong chăm sóc sức khỏe. Luật BHYT được ban hành thể hiện ý chí và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. Với bản chất nhân đạo của BHYT, với những kết quả đã được khẳng định, với đường lối đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành tích cực của Chính phủ, sự vào cuộc của toàn xã hội, mục tiêu thực hiện BHYT toàn dân sẽ sớm trở thành hiện thực. Tuy nhiên, để thực hiện lộ trình bao phủ BHYT toàn dân theo quy định của Luật, cần tiếp tục triển khai các giải pháp chiến lược, với sự tham gia, phối hợp của mọi cơ quan tổ chức trong và ngoài ngành Bảo hiểm xã hội./.

Đặng Minh Thông