Bình Thuận: 05 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội
20/04/2023 03:39 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Có thể thấy, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách Bảo hiểm xã hội; dưới sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự vào cuộc của chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành, cũng như các tổ chức Mặt trận, đoàn thể, chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tại tình Bình Thuận đã từng bước đi vào thực tiễn của cuộc sống; tạo được sự chuyển biến tích cực trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở; nhận thức của người dân, người lao động (NLĐ), tổ chức, doanh nghiệp về BHXH, BHYT ngày càng được nâng cao.
Công tác tuyên truyền về chính sách BHXH được chú trọng và được quan tâm nhiều hơn thông qua sự phối hợp giữa các sở, ngành, các tổ chức, Mặt trận đoàn thể; đặc biệt công tác phát triển người tham gia ngày càng được mở rộng; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện chính sách BHXH, BHTN tại các đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) được tăng cường; công tác giải quyết, chi trả chế độ BHXH luôn kịp thời, đúng quy định... từ đó đã góp phần đưa chính sách BHXH ngày càng lan tỏa trong cuộc sống, hướng tới hoàn thành mục tiêu BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề ra.
Những kết quả đáng ghi nhận
Số người tham gia BHXH tăng trưởng qua hàng năm: Năm 2018 là 95.581 người, đến năm 2022 là 107.921 người, tăng 12,9% so với năm 2018, tỷ lệ tăng bình quân tăng 3,22%/năm (trong đó tham gia BHXH tự nguyện năm 2018 là 1.254 người, đến năm 2022 là 10.623 người, tăng 8,47 lần). Tỷ lệ bao phủ BHXH bằng 14,46% lực lượng lao động (LLLĐ) trong độ tuổi, trong đó BHXH tự nguyện đạt 1,58% (vượt chỉ tiêu mà Nghị quyết 28-NQ/TW đề ra giai đoạn đến năm 2021 đạt 1% LLLĐ trong độ tuổi tham gia BHXH tự nguyện). Số người tham gia BHTN năm 2018 là 82.202 người, đến năm 2022 là 88.647 người, tăng 7,8% so với năm 2018, bình quân tăng 1,9%/năm; tỷ lệ bao phủ BHTN đạt 13,18%.
Tổng số thu BHXH, BHTN năm 2022 là 1.717,8 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2018; trong đó thu BHXH tự nguyện đạt hơn 45,3 tỷ đồng, chiếm 2,7% tổng số thu BHXH, tăng gấp 8,2 lần so với năm 2018. Công tác giải quyết chế độ, chính sách BHXH, BHTN được thực hiện kịp thời, đúng quy định; trong giai đoạn từ năm 2018-2022, đã giải quyết cho 310.284 lượt người hưởng các chế độ BHXH, BHTN; trong đó hưởng BHXH dài hạn: 5.371 lượt (hưu trí: 4.796; khác: 575 lượt); Trợ cấp thất nghiệp: 52.413 lượt người; BHXH 01 lần: 56.651 lượt người; hưởng chế độ BHXH ngắn hạn (ốm đau, thai sản, dưỡng sức PHSK): 196.489; hỗ trợ học nghề 2.192 lượt. Đã chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng cho 143.804 lượt người, với số tiền là 5.010,7 tỷ đồng (trong đó chi trả BHTN với số tiền 663,6 tỷ đồng); chi trả các chế độ BHXH một lần với số tiền 2.126,9 tỷ đồng (trong đó chi BHXH 1 lần theo Điều 60 Luật BHXH với số tiền 1.723 tỷ đồng); chi ốm đau, thai sản, dưỡng sức với số tiền 713,1 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, với phương thức quản lý hiện đại, linh hoạt, sáng tạo; việc chi hỗ trợ BHTN cho người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đã giúp hàng chục nghìn NLĐ vượt qua giai đoạn khó khăn, duy trì cuộc sống, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước; trong năm 2021-2022, cơ quan BHXH đã giải quyết, chi trả kịp thời cho 72.646 NLĐ, với tổng số tiền là 171,4 tỷ đồng từ nguồn quỹ BHTN.
Đẩy mạnh cải cách chính sách BHXH
Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ”, ngành BHXH Việt Nam đã tập trung mọi nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp để cắt giảm tối đa thủ tục hành chính (TTHC), đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số, từng bước hiện đại hóa tất cả các hoạt động nghiệp vụ của Ngành, đáp ứng yêu cầu xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số; được các cấp, các ngành, doanh nghiệp, người dân ghi nhận, đánh giá cao.
Việc chuyển đổi phương thức quản lý từ thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ của Ngành đã được triển khai quyết liệt, giúp giảm tải tối đa thời gian đi lại, tiết kiệm chi phí cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp. Kết quả, đã cắt giảm từ 32 TTHC (năm 2018) xuống chỉ còn 25 TTHC, với 100% TTHC được cung cấp Dịch vụ công (DVC) trực tuyến tích hợp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, đồng thời từng bước tích hợp trên Cổng DVC quốc gia. Giảm đến 50% thời gian giải quyết TTHC so với năm 2018, cụ thể: hồ sơ tham gia BHXH, BHYT, BHTN từ 10 ngày xuống còn 05 ngày; giải quyết chế độ hưu trí từ 20 ngày xuống còn 12 ngày; điều chỉnh thẻ BHYT từ 07 ngày xuống còn 03 ngày; đặc biệt cấp lại thẻ BHYT do mất, hỏng thực hiện cấp lại ngay và liên thông trong toàn tỉnh. 100% kết quả giải quyết TTHC của đơn vị được trả qua dịch vụ bưu chính công ích; đến nay, đã có 3.813/3.861 đơn vị thực hiện các TTHC qua giao dịch điện tử, đạt tỷ lệ 98,8% (tăng 14% so với năm 2018).
Hiện nay, ngành BHXH đang sử dụng hầu hết các phần mềm ứng dụng CNTT vào quản lý các quy trình nghiệp vụ; công chức, viên chức, NLĐ được cấp tài khoản cá nhân để truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành. Theo đó, hầu hết các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của đơn vị, doanh nghiệp, người dân với cơ quan BHXH đều được thực hiện trên môi trường số; người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi. Xây dựng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu (CSDL) của Ngành; cùng với đó, Ngành BHXH đã triển khai ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, hiện tại đã có trên 205.314 tài khoản sử dụng để quản lý, kiểm soát quá trình tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT, sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để đi KCB… Thực hiện đồng bộ CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư; đến nay, hệ thống đã xác thực trên 653.459 trường hợp thông tin nhân khẩu có trong CSDL quốc gia về bảo hiểm với CSDL quốc gia về dân cư; đã có 131/132 cơ sở KCB tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp (đạt 99,2% số cơ sở KCB BHYT), với hơn 77.703 lượt tra cứu thông tin BHYT bằng CCCD gắn chip thành công phục vụ KCB BHYT. Thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, chế độ BHXH qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt tỷ lệ bình quân tăng qua các năm, cụ thể: Năm 2018 đạt 36%; năm 2019 đạt 44%; năm 2020 đạt 51%; năm 2021 đạt 70% và năm 2022 đạt 81%.
Mức độ hài lòng của tổ chức, cá nhân tham gia, thụ hưởng BHXH, BHYT, BHTN đối với sự phục vụ của ngành BHXH được khảo sát và đánh kết quả qua từng năm; đến năm 2022, chỉ số hài lòng đã vượt trên mức phấn đấu theo chỉ tiêu của Ngành đề ra (trên 85%). Đặc biệt trong năm 2020, BHXH tỉnh Bình Thuận đã được xếp hạng nhất về chỉ số năng lực cạnh tranh (DCCI) của tỉnh Bình Thuận, trong 16 đơn vị Sở, ngành của cấp tỉnh.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW
Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chính sách BHXH, BHTN như: Tỷ lệ bao phủ BHXH, BHTN vẫn còn thấp so với mục tiêu của Nghị quyết số 28-NQ/TW; Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa thật sự chủ động, quyết liệt, kịp thời, nên hiệu quả chưa cao. Công tác tuyên truyền, vận động để người dân tiếp cận, nắm bắt kịp thời thông tin về chính sách BHXH đôi lúc, đôi nơi chưa thật sự sâu rộng, nội dung chưa phù hợp với từng vùng miền và tầng lớp nhân dân. Những đơn vị mới thành lập chưa quan tâm đến chế độ, chính sách BHXH, BHTN nên không đăng ký tham gia đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo đúng luật định. Mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện còn thấp; nguồn ngân sách địa phương còn hạn chế, chưa hỗ trợ thêm mức đóng ngoài mức quy định của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện. Thời gian đóng BHXH tự nguyện, điều kiện đủ tuổi để được hưởng lương hưu còn dài; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn; thu nhập của người dân, NLĐ khu vực phi chính thức còn thấp, không ổn định; bên cạnh đó, vẫn còn nhiều người dân chưa thay đổi nhận thức đóng góp, tích lũy chăm lo cho cuộc sống lâu dài, nên còn thiếu quan tâm, chưa tích cực tham gia BHXH tự nguyện. Tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; tác động lớn đến đời sống kinh tế-xã hội của người dân địa phương, nhất là người dân sinh sống ở vùng ven biển, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số nên không đủ điều kiện để tham gia BHXH tự nguyện…
Để khắc phục những hạn chế, nhằm thực hiện có hiệu quả chính sách BHXH, BHTN trong thời gian tới, cần phải thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật về BHXH để thể chế hóa các nhiệm vụ và giải pháp theo Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu và phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết số 28-NQ/TW và Nghị quyết số 125/NQ-CP của Chính phủ đã đề ra đến giai đoạn 2025. Trong đó cần sửa đổi quy định về điều kiện, về thời gian đóng BHXH tự nguyện để được hưởng lương hưu, mở rộng thêm quyền lợi hưởng; tăng mức hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia BHXH tự nguyện nhất là người nông dân, NLĐ ở khu vực phi chính thức không phải người thuộc hộ nghèo, cận nghèo để tăng mức hấp dẫn, khuyến khích tăng số người tham gia BHXH tự nguyện.
Hai là, Cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN ở các cấp; tăng cường hơn nữa công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, hàng năm đưa chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT, BHTN vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, đơn vị.
Ba là, Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về lợi ích BHXH, BHTN; nhất là vị trí, vai trò, ý nghĩa của chính sách BHXH, BHYT trong hệ thống an sinh xã hội của đất nước; đề cao quyền lợi, nghĩa vụ của NLĐ trong việc tham gia BHXH, BHYT, BHTN; chú trọng tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện đến nhóm người là nông dân, phụ nữ, xã viên hợp tác xã,…Tăng cường tuyên truyền chính sách BHXH bắt buộc, BHTN đến chủ sử dụng lao động, NLĐ ở các khu công nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bốn là, Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong việc thực hiện công tác phát triển người tham gia BHXH, BHTN của cơ quan BHXH thông qua việc tăng cường phối hợp chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý; thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các Tổ chức dịch vụ thu, nhân viên thu chấn chỉnh kịp thời sai phạm, nhũng nhiễu làm hạn chế kết quả thực hiện nhiệm vụ công tác phát triển người tham gia.
Năm là, Tập trung đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải cách TTHC, chuyển đổi số, hoàn thiện CSDL quốc gia về bảo hiểm; tích hợp, kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu với các sở ngành; triển khai các nền tảng, giải pháp kỹ thuật mới phục vụ chuyển đổi số của Ngành. Tiếp tục rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng đội ngũ công chức, viên chức có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhất là người đứng đầu; phát triển ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp.
Trần Hiền
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?