Ngành BHXH đã mang niềm tin đến cho người dân và doanh nghiệp
17/02/2020 08:25 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
(baobaohiemxahoi.vn) Đánh giá cao những thành tựu mà ngành BHXH đạt được trong 25 năm qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch HĐQL BHXH Việt Nam Đinh Tiến Dũng và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đều cùng chung nhận định: Những kết quả tích cực trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT đã khẳng định vị trí trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị và phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Báo BHXH trân trọng lược trích bài phát biểu của 2 Bộ trưởng tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá kết quả 25 năm thực hiện chính sách BHXH, BHYT; các giải pháp triển khai Nghị quyết số 28-NQ/TW và nhiệm vụ công tác năm 2020, do BHXH Việt Nam tổ chức sáng nay (15/2).
• Bộ trưởng Bộ Tài chính, Chủ tịch HĐQL BHXH Việt Nam Đinh Tiến Dũng:
Quỹ an sinh lớn nhất, an toàn và hiệu quả
Sau 25 năm hình thành và phát triển, thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước, quỹ BHXH đã trở thành quỹ an sinh lớn nhất, hoạt động theo nguyên tắc đóng-hưởng và chia sẻ giữa NLĐ cùng thế hệ và các thế hệ tham gia BHXH.
Số người tham gia BHXH, BHYT ngày càng được mở rộng; số người được hưởng BHXH, BHYT không ngừng tăng lên. Kết quả số thu các quỹ BHXH, BHYT liên tục tăng hằng năm. Số nợ BHXH, BHYT phải tính lãi giảm dần qua các năm, đưa tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT xuống dưới 2,6%- mức thấp nhất trong những năm qua. Điều này cho thấy, việc thực thi chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trong toàn xã hội đang có những chuyển biến tích cực. Các DN đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm cũng như giá trị nhân văn khi đóng BHXH, BHYT đầy đủ cho NLĐ.
Quỹ BHXH, BHYT luôn được quản lý, sử dụng đúng mục đích, được quản lý, công khai, minh bạch dưới sự giám sát chặt chẽ của Quốc hội, Chính phủ, HĐQL BHXH Việt Nam và các cơ quan liên quan. Kết quả thanh tra, kiểm toán hàng năm cho thấy, việc quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT luôn đảm bảo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả và tiết kiệm. Quy mô các quỹ tăng qua từng năm, khẳng định tính bền vững, đảm bảo cân đối trong dài hạn. Nhờ đó, Quốc hội, Chính phủ, HĐQL BHXH Việt Nam, NLĐ và nhân dân ngày càng yên tâm, tin tưởng vào BHXH Việt Nam trong thực thi nhiệm vụ.
Hoạt động đầu tư quỹ ngày càng được hoàn thiện, an toàn và hiệu quả. Số dư đầu tư lũy kế các quỹ bảo hiểm năm 2019 đạt trên 800.000 tỷ đồng, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015; lãi thu từ đầu tư năm 2019 đạt trên 47.000 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Thủ tướng Chính phủ giao. Lãi thu từ đầu tư hàng năm đều tăng, lãi suất đầu tư bình quân luôn vượt cao so với chỉ số lạm phát. Quỹ BHXH, BHYT được đầu tư an toàn, bảo toàn giá trị và tăng trưởng.
Kết quả thực hiện các chính sách BHXH, BHYT trong 25 năm qua cho thấy chủ trương của Đảng, Nhà nước về sự đổi mới cơ chế tài chính đối với quỹ BHXH, BHYT là một định hướng rất đúng đắn. Quỹ BHXH, BHYT tách độc lập khỏi NSNN, được quản lý theo nguyên tắc thống nhất theo chế độ tài chính của nhà nước, đảm bảo tính khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch, được sử dụng đúng mục đích.
Hai lần cải cách chính sách BHXH, BHYT có ý nghĩa rất quan trọng, là bài học kinh nghiệm thực tiễn quý báu để tiếp tục phát huy, đẩy mạnh cải cách tổng thể chính sách xã hội trong thời gian tới. Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, hoạt động của BHXH Việt Nam luôn được giám sát, chỉ đạo sát sao của HĐQL với các thành viên là đại diện các bộ, ngành liên quan, đảm bảo hoạt động của BHXH Việt Nam minh bạch, hiệu lực và hiệu quả. Xin thay mặt HĐQL BHXH Việt Nam, tôi đánh giá cao và biểu dương thành tích các đồng chí đạt được trong suốt thời gian vừa qua.
Bên cạnh việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia về chế độ hưu trí, chăm sóc sức khỏe y tế, giảm thiểu thiệt hại và rủi ro cho NLĐ, quỹ BHXH, BHYT còn là một nguồn tài chính quan trọng, trở thành công cụ tài chính hiệu quả tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ, đáp ứng nhu cầu huy động vốn của NSNN, tham gia đầu tư vào một số dự án quan trọng của quốc gia. Đồng thời, hỗ trợ Chính phủ trong việc thực hiện chính sách tài chính vĩ mô, ổn định tài chính quốc gia, cơ cấu lại nợ công, tiết kiệm chi phí vay, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của đất nước…
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao, phát huy tối đa các tiềm năng thực tiễn và nhất là để đạt được mục tiêu BHXH, BHYT toàn dân, đòi hỏi BHXH Việt Nam phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu đổi mới hình thức đầu tư quỹ, nhằm bảo toàn và phát triển có hiệu quả nguồn tài chính của quỹ theo hướng đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả.■
• Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng:
BHXH Việt Nam đi đầu trong đổi mới công nghệ
Là cơ quan luôn phối hợp với BHXH Việt Nam theo dõi, đánh giá cải cách TTHC và xây dựng Chính phủ điện tử, chúng tôi thấy rằng, trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2017-2019, BHXH Việt Nam đã cắt giảm khoảng 90% TTHC; số giờ thực hiện TTHC cho người dân và DN đã giảm 60%- đây là nỗ lực rất lớn của BHXH Việt Nam.
Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành của ngành BHXH là một bước đột phá rất quan trọng. BHXH Việt Nam đã cơ bản hoàn thiện CSDL hộ gia đình tham gia BHYT, hệ thống tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung của Ngành. Đây chính là nền tảng CSDL quốc gia rất quan trọng về bảo hiểm theo Quyết định số 74 của Thủ tướng. Trong khi chúng ta chưa xây dựng, hoàn thiện CSDL quốc gia về dân cư, thì việc 86 triệu thẻ BHYT là những căn cứ rất quan trọng để xác thực và định danh.
Khi chúng ta thực hiện Trục liên thông văn bản quốc gia và xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, thì 18 dịch vụ công mà BHXH tham gia rất thành công. Ngành BHXH đã xây dựng và đưa vào sử dụng hệ thống cấp mã số BHXH và quản lý BHYT hộ gia đình; Cổng Thông tin điện tử tích hợp hệ thống giao dịch BHXH điện tử để cung cấp 18 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Hệ thống thông tin giám định BHYT cũng kết nối liên thông giữa các cơ quan BHXH với gần 100% cơ sở KCB trên toàn quốc. Như vậy, có thể nói, các vấn đề gian lận thanh toán BHYT, gian lận KCB vừa qua cũng đã được xử lý cơ bản triệt để, đây là điều rất mừng!.
Bên cạnh đó, BHXH Việt Nam cũng đã xây dựng hệ thống thu nộp, chi trả điện tử BHXH, hệ thống quản lý văn bản điều hành, hệ thống chatbot, trả lời tự động, thắc mắc của người dân, rồi hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và DN với cơ quan BHXH, ứng dụng BHXH trên thiết bị di động. Chúng tôi đánh giá cao Trung tâm Dịch vụ khách hàng phục vụ tư vấn, giải đáp cho người dân và NLĐ về vấn đề liên quan đến BHXH, BHYT. Cùng với đó, chúng tôi cho rằng, ngành BHXH đã thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu, hệ thống thông tin, CSDL với các bộ, ngành rất tốt.
Đặc biệt, năm 2019 đã khai trương CSDL chuyên ngành BHXH, kết nối thông tin quản lý hộ tịch với Bộ Tư pháp trên Trục liên thông để khai sinh, cấp thẻ BHYT cho các cháu dưới 6 tuổi. Cơ quan BHXH cũng là một trong 4 cơ quan, cùng với Bộ Công thương, Bộ GTVT và Bộ Tài chính là những đơn vị đầu tiên thực hiện tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, như việc cấp lại thẻ BHYT do hỏng, mất.
BHXH Việt Nam cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong kết nối với Trục liên thông văn bản quốc gia với các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Đã sử dụng 100% chữ ký số cá nhân trong văn bản phát hành điện tử theo Quyết định số 28/2018 của Thủ tướng. Tính đến ngày 14/2/2020, đã có 109 hồ sơ thực hiện qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, trong đó số lượng hồ sơ thực hiện tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia nhiều nhất trong các bộ, ngành, địa phương. Như vậy, đã có 42.3000 bộ hồ sơ và khoảng trên 20.000 văn bản đã được gửi nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia. Có thể nói, đây là cách quản trị rất thông minh, tiết kiệm chi phí mà ngành BHXH đã thực hiện rất tốt theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Vấn đề liên quan đến xây dựng Cổng Dịch vụ công quốc gia, chúng tôi xin đề xuất mấy việc:
Trước hết, ngành BHXH cần tiếp tục làm sạch, chuẩn hóa dữ liệu về định danh cá nhân. Tổ chức để trở thành một nhà cung cấp dịch vụ định danh điện tử, một giải pháp định danh và xác thực điện tử không chỉ cho ngành BHXH, mà cung cấp cho các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức khác- đây là cơ sở rất quan trọng, là cốt lõi để phục vụ cho xác định định danh.
Thứ hai, đề nghị ngành tiếp tục tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, nhất là vấn đề đơn giản hóa các TTHC, vấn đề kết nối, tích hợp, đưa các dịch vụ công thiết yếu có số lượng hồ sơ cung cấp cho người dân, DN lên Cổng Dịch vụ công quốc gia tới đây như: Vấn đề cấp khai sinh kết nối toàn quốc; cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi, cấp đổi thẻ BHYT mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký thẻ BHYT- làm như vậy sẽ rất thuận lợi cho người dân và DN.
Thứ ba, đề nghị phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH nghiên cứu đơn giản hóa quy trình, biểu mẫu báo cáo 6 tháng, 1 năm; tình hình thay đổi lao động để tích hợp, liên thông thủ tục báo tăng, báo giảm lao động của ngành BHXH và khai trình lao động như báo cáo 6 tháng, báo cáo 1 năm.
Thứ tư, nghiên cứu triển khai kết nối nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng đã giao cho các cơ quan, trong đó Văn phòng Chính phủ là tới đây sẽ thực hiện toàn bộ các thanh toán trên Cổng từ thanh toán nộp thuế, phí, lệ phí, thuế trước bạ, hay thuế thu nhập cá nhân, nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính giao thông đường bộ...
Thứ năm, cần lựa chọn các chế độ báo cáo để chuẩn hóa biểu mẫu.
Việc ngành BHXH thực hiện tốt các nhiệm vụ, đạt được những mục tiêu đặt ra có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả chung của Chính phủ, mang đến niềm tin và thu hút NLĐ tham gia BHXH. Đặc biệt, việc ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành của ngành BHXH là một bước đột phá rất quan trọng...■
NT (Lược ghi)
NT
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?