Phát triển hệ thống ASXH bền vững: Hợp tác cùng vượt qua thách thức

21/02/2020 08:20 AM


Chiều 20/2, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc tế "Phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững hàm ý và cơ hội đối với Việt Nam".

Tham dự hội thảo có Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh; các Phó Tổng Giám đốc: Nguyễn Đình Khương, Trần Đình Liệu, Đào Việt Ánh, Lê Hùng Sơn; lãnh đạo các vụ, ban thuộc BHXH Việt Nam cùng đại diện BHXH các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Thái Nguyên và Bắc Ninh.

Về phía Hiệp hội an sinh xã hội thế giới (ISSA) có ông Marcelo Abi-Ramia Caetano- Tổng Thư ký ISSA, ông Chang Hee Lee- Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam, ông Kidong Park- Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, bà Keiko Inoue- Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ouk Samvithyea- Giám đốc Quỹ An sinh xã hội quốc gia Campuchia, Phó Chủ tịch Hiệp hội An sinh xã hội ASEAN (ASSA) nhiệm kỳ 2019-2020…

Không để ai bị bỏ lại phía sau

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh nhấn mạnh: Năm 2020 là năm có ý nghĩa hết sức quan trọng với Việt Nam khi đảm nhiệm đồng thời vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021. Đây là những trọng trách thể hiện sự tin cậy và kỳ vọng của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

Trong bối cảnh đó, chuyến thăm Việt Nam của người đứng đầu Diễn đàn đa phương lớn nhất thế giới về ASXH thể hiện sự ủng hộ và đánh giá cao những nỗ lực, đóng góp tích cực, có tính kết nối của BHXH Việt Nam trên cương vị Chủ tịch ASSA nhiệm kỳ 2018- 2019 và cũng là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ISSA nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển bền vững ASXH trên phạm vi toàn cầu như mục tiêu ISSA đề ra. Đồng thời thúc đẩy cộng đồng ASXH ASEAN “gắn kết và chủ động thích ứng” trước tác động mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0; tự do dịch chuyển lao động trong khu vực như chủ đề Năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Đặc biệt, trong suốt chặng đường 25 năm phát triển, BHXH Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các tổ chức quốc tế, đặc biệt là ILO, WHO, WB, ASSA và ISSA- những tổ chức giúp cơ quan BHXH tiếp cận, nắm bắt cũng như vận dụng những kinh nghiệm quốc tế để xây dựng và phát triển ngành BHXH chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững nhằm đáp ứng sự hài lòng của người dân.

Kết quả đạt được trong 25 năm qua là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực phát triển không ngừng của BHXH Việt Nam và sự trợ giúp có hiệu quả của các đối tác song phương, đa phương quốc tế: Hệ thống chính sách pháp luật về BHXH, BHYT ngày càng hoàn thiện và đồng bộ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế- xã hội đất nước và thông lệ quốc tế; diện bao phủ BHXH, BHYT ngày càng mở rộng với gần 16 triệu người tham gia BHXH (chiếm 32% lực lượng lao động), gần 86 triệu người tham gia BHYT (chiếm 90% dân số); quỹ BHXH, BHYT trở thành quỹ an sinh lớn nhất; cải cách hành chính, ứng dụng CNTT đạt nhiều kết quả nổi bật như: Cắt giảm 3/4 số TTHC, xây dựng CSDL quốc gia và cấp mã định danh BHXH cho 97 triệu người dân, góp phần xây dựng nền kinh tế số và chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho toàn xã hội và đặc biệt là đưa vào vận hành Hệ thống giám định BHYT điện tử kết nối với 100% cơ sở khám chữa bệnh thực hiện giám định tự động chi phí BHYT giúp quản lý, sử dụng quỹ BHYT công khai, minh bạch, hiệu quả. Đây cũng chính là công trình của BHXH Việt Nam đã được ISSA tặng Giải thưởng toàn cầu về ứng dụng CNTT năm 2018.

Cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Minh, thực hiện mục tiêu và định hướng phát triển của Chính phủ để BHXH, BHYT thực sự trở thành hai trụ cột chính của hệ thống ASXH ở Việt Nam, mở rộng vững chắc diện bao phủ hướng tới BHYT toàn dân và BHXH cho mọi NLĐ, từng bước hình thành và phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng theo nguyên tắc công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

“Chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế về đào tạo nâng cao năng lực cán bộ, năng lực quản trị hệ thống, ứng dụng CNTT, trao đổi thông tin và chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật, nhất là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững, phù hợp với điều kiện của Việt Nam nhằm tăng khả năng thích ứng với quá trình cải cách ASXH trên thế giới, ứng phó tốt hơn trước những tác động mạnh mẽ của quá trình toàn cầu hóa, già hóa dân số và Cách mạng công nghiệp 4.0. Hội thảo chính là hành động cụ thể hóa nhu cầu hỗ trợ của chúng tôi và khả năng đáp ứng của các bạn trong nỗ lực chung xây dựng, phát triển hệ thống ASXH bền vững vì lợi ích của mọi người dân. Phát triển nhưng không để ai bị bỏ lại phía sau trong tiến trình này đòi hỏi sự quyết tâm, tính năng động và sáng tạo vượt bậc của mỗi chúng ta”- Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Thông tin về kết quả đạt trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh khẳng định, 25 năm xây dựng và phát triển, BHXH Việt Nam đã hoàn thành đầy đủ toàn diện tất cả các chỉ tiêu về BHXH, BHYT được Đảng, Chính phủ giao trong đó, hệ thống chính sách BHXH, BHYT ngày càng hoàn chỉnh. Diện bao phủ BHXH, BHYT liên tục được mở rộng đây là một thành công của Việt Nam trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, thu nhập đầu người còn thấp; số người hưởng chế độ BHXH, BHYT tăng nhanh; số lượt người được thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT hàng năm vượt trên 2 lần dân số, chính sách BHXH, BHYT đã dần trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của người dân doanh nghiệp đóng góp thành tựu vào nền kinh tế- xã hội thời kỳ đổi mới; ứng dụng CNTT, cải cách thủ tục hành chính có những bước đột phá- CNTT được ứng dụng cơ bản 100% môi trường điện tử, dần dần kết nối với bộ, ngành, người dân doanh nghiệp; quy mô quỹ BHXH và năng lực của cơ quan BHXH ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đề ra, dần chuyển sang phục vụ lấy người dân và doanh nghiệp là trung tâm phục vụ, xây dựng hệ thống đa phương tiện, chatbox để tương tác với người dân và doanh nghiệp…

Hợp tác cùng vượt qua thách thức

Cũng theo Phó Tổng Giám đốc Đào Việt Ánh, việc thực hiện chính sách BHXH, BHYT dù đã đạt nhiều kết quả tích cực, song vẫn còn những thách thức trong xây dựng chính sách cũng như việc tổ chức thực hiện. Theo đó, diện bao phủ BHXH, BHYT tăng nhanh qua từng năm, song mới đạt 32% lực lượng lao động tham gia BHXH và vẫn còn 10% dân số chưa có thẻ BHYT; phương thức thanh toán chi phí BHYT ở Việt Nam áp dụng phí theo dịch vụ với nhiều khó khăn trong quản lý quỹ KCB BHYT do chi phí nâng cao, cơ sở y tế thực hiện theo hình thức tự chủ, mức đóng BHYT không tăng; thách thức trong việc thiết kế và tổ chức chính sách BHXH, BHYT một cách hiệu quả bền vững trong điều kiện các mạng công nghiệp 4.0; tính tuân thủ pháp luật của người dân và DN trong việc chấp hành chính sách pháp luật về BHXH, BHYT còn chưa cao; năng lực tổ chức thực hiện của cơ quan BHXH đòi hỏi ngày càng cao đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của người dân và Chính phủ…

“Tuy vậy, trước yêu cầu đổi mới, BCH Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH với gồm 11 nội dung cải cách cụ thể, trong đó nhấn mạnh BHXH, BHYT đảm bảo tính linh hoạt, hội nhập…; tập trung mở rộng đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình; tiếp tục tăng cường công tác truyền thông, đây mạnh thanh kiểm tra xử lý vi phạm; tăng cường hợp tác chia sẻ kinh nghiệm quốc tế; nâng cao năng lực, cơ quan BHXH hướng tới tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động BHXH…”- Phó Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, ông Marcelo Abi-Ramia Caetano- Tổng Thư ký ISSA đã chia sẻ những thách thức về ASXH trên thế giới như: Thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giữa tiếp cận hệ thống ASXH của các nhóm đối tượng trong xã hội đặc biệt là nhóm tự hành nghề, lao động ở nông thôn, người lao động ở khu vực phi chính thức cũng như lao động nữ; đảm bảo tiếp cận với hệ thống ASXH đầy đủ suốt cuộc đời của NLĐ. Thực tế, hiện nay trên thế giới có nhiều biến đổi, thất nghiệp hay việc làm không thường xuyên cũng là một yếu tố tác động đến lương hưu của NLĐ khi nghỉ hưu và nhiều lao động thậm chí còn bị đe dọa sẽ không có lương hưu khi ngừng làm việc do đóng không đủ số năm để hưởng lương hưu...

Dưới góc độ khác, ông Chang Hee Lee- Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam chia sẻ, ILO và Chính phủ Việt Nam có mối quan chặt chẽ, ILO hỗ trợ đối thoại chính sách, quá trình cải tổ các luật pháp về BHXH, đang hướng tới đẩy mạnh thực thi chính sách (tuân thủ, tăng cường vai trò thanh tra, truyền thông về BHXH…). 

Cũng theo ILO, tăng độ bao phủ BHXH- đây là nỗ lực của các bộ ngành liên quan để xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, mối liên kết lương hưu có đóng góp và không đóng góp, đẩy mạnh hơn nữa mối liên kết đó, làm thế nào tăng độ phủ BHXH với NLĐ trong khu vực phi chính thức bởi phần lớn lao động phi chính thức không được thụ hưởng BHXH.

Để bao phủ BHXH tới mọi NLĐ như Nghị quyết số 28 đã đề ra, cần tăng cường sự phù hợp và tuân thủ, vai trò của thanh tra ASXH, điều phối ASXH, tính đầy đủ của các dịch vụ thông qua sự kết hợp các hoạt động khác nhau như: Triển khai thực thi luật phải xác định kê khai thu nhập, công thức tính lương hưu từ tính trung bình lương cơ sở theo chỉ số CPI, giảm hưởng BHXH 1 lần... BHXH Việt Nam đã đổi mới công nghệ để tăng cường tính tuân thủ pháp luật, song cần nâng cao hơn nữa năng lực quản lý, nỗ lực hơn nữa đảm bảo BHXH đến mọi NLĐ…

Giới thiệu các hướng dẫn của ISSA về thực hiện ASXH, ông Jens Schremmer- Chánh Văn phòng Hiệp hội ASXH quốc tế khẳng định, điều quan trọng nhất là lồng ghép và tổng hợp các kinh nghiệm về ASXH của các quốc gia khác nhau. Đây là những tiêu chuẩn, công cụ để thực hiện quản lý ASXH dựa trên kinh nghiệm toàn cầu đã được các nhà thực hành trong hiệp hội đã thực hiện, được chuẩn hoá, giám sát bởi các tổ chức quốc tế (quản lý tăng cường hơn nữa mức độ bao phủ BHXH, mức độ tuân thủ chính sách, ứng dụng CNTT truyền thông…). “Làm thế nào để xây dựng được văn hoá về BHXH, đẩy mạnh hơn nữa chất lượng dịch vụ, xây dựng niềm tin của công chúng về ASXH, ứng dụng các công nghệ mới, các dữ liệu lớn về ASXH giữa các tổ chức khác nhau. Tăng cường tính tuân thủ cũng như phòng ngừa gian lận, kiểm soát gian lận trong lĩnh vực BHXH. Nâng cao năng lực luôn cần thiết với BHXH Việt Nam với những dự án về truyền thông, sử dụng hướng dẫn dể giải trình với HĐQL cũng như các bên liên quan…”- Jens Schremmer phân tích.

V.Thu- Thanh Hằng