Thể chế hóa mạnh mẽ Nghị quyết 28-NQ/TW
13/08/2024 01:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
Theo đánh giá, trước khi Luật BHXH 2024 vừa được Quốc hội thông qua, nhiều nội dung của Nghị quyết 28-NQ/TW cũng đã từng bước được Quốc hội, Chính phủ thể chế hóa trong hệ thống các văn bản pháp luật. Trong đó, với việc thông qua Bộ luật Lao động năm 2019, nội dung về tuổi nghỉ hưu đã quy định một cách cụ thể, giải quyết vấn đề được xem là khó với hầu hết các quốc gia trong quá trình cải cách chính sách BHXH. Theo quy định của Bộ luật Lao động, từ năm 2021, Việt Nam thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu; đối với những ngành nghề đặc biệt, NLĐ được quyền nghỉ hưu sớm hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu chung.
Bên cạnh đó, việc cải cách TTHC, ứng dụng CNTT, đơn giản hoá các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và DN cũng được đẩy mạnh. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1939/QĐ-TTg phê duyệt Đề án: “Đẩy mạnh cải cách TTHC, thực hiện DVC trực tuyến mức độ 4, đẩy mạnh xây dựng CSDL quốc gia về BHXH, bảo đảm tính kết nối, chia sẻ dữ liệu với các CSDL quốc gia có liên quan”. Việc xây dựng CSDL về BHXH cũng được quan tâm, thể hiện rõ qua Nghị định số 43/2021/NĐ-CP quy định CSDL quốc gia về Bảo hiểm, được ban hành ngày 31/3/2021. Ngày 15/10/2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2020/NĐ-CP quy định về phối hợp liên thông thủ tục đăng ký thành lập DN, chi nhánh, văn phòng đại diện, khai trình việc SDLĐ, cấp mã số đơn vị tham gia BHXH, đăng ký sử dụng hóa đơn của DN nhằm hướng tới mục tiêu tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu giữa cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư, tài chính, thuế, lao động để nâng cao hiệu quả quản lý đối tượng tham gia BHXH và thực thi chính sách BHXH.
Ngoài ra, việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH cho các địa phương cũng được thực hiện. Nội dung này đã được Chính phủ chỉ đạo rõ trong Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 3/8/2018 và Nghị quyết số 69/NQ-CP ngày 19/5/2022.
Về phát triển BHXH tự nguyện, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện. Theo đó, NSNN hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện ngày càng lớn hơn. Năm 2018, tổng mức hỗ trợ 39,5 tỷ đồng; năm 2019 là 93,5 tỷ đồng; năm 2020 là 173,5 tỷ đồng; năm 2021 là 287,4 tỷ đồng; năm 2022 là 218,7 tỷ đồng.
Những khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện cũng dần được khắc phục. Đặc biệt là việc nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia BHXH, thể hiện qua việc Chính phủ ban hành Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH, NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, chậm đóng, gian lận, trục lợi tiền BHXH cũng được tăng cường qua thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực thanh tra ngành LĐ-TB&XH giai đoạn 2021- 2025” (theo Quyết định số 212/QĐ-TTg). Căn cứ vào Luật Thanh tra năm 2022, ngày 11/1/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2024/NĐ-CP quy định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Nghị định đã quy định việc thành lập cơ quan thanh tra ở BHXH Việt Nam và vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra BHXH Việt Nam.
Các nội dung mới hơn như đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH cũng đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong quá trình thể chế hóa Nghị quyết 28-NQ/TW. Trong đó, Hiệp định giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc về BHXH đã được ký kết, phê duyệt và ban hành kế hoạch thực hiện.
Trước khi Quốc hội thông qua Luật BHXH 2024, đã có khoảng 15 nội dung nêu trong Nghị quyết 28-NQ/TW từng bước được thể chế hóa. Nhiều vấn đề khó khăn được tháo gỡ, tạo thuận lợi rất lớn cho công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT.
Tiếp tục quá trình hoàn thiện chính sách BHXH, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 được kỳ vọng sẽ thể chế hóa một cách mạnh mẽ hơn nữa các định hướng được nêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW. Đặc biệt là một loạt các nội dung khó như việc hạn chế tình trạng BHXH một lần, giảm số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí; sửa đổi cách tính lương hưu; mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết…
Thực tế cũng cho thấy, quá trình dự thảo Luật BHXH 2024 cũng gặp nhiều vấn đề phức tạp. Dù vậy, ngày 29/6/2024, Luật BHXH 2024 đã chính thức được thông qua. Các định hướng được nêu tại Nghị quyết 28-NQ/TW tiếp tục được thể chế hoá mạnh mẽ. Trong đó, Điều 21 Luật BHXH 2024 đã quy định rõ về đối tượng, điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Hay như với vấn đề sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu được hưởng chế độ hưu trí, Luật mới cũng đã quy định thời gian đóng BHXH từ 15 năm trở lên là một trong những điều kiện để hưởng lương hưu (quy định trước kia là 20 năm).
Với định hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác hướng tới chính sách BHXH bắt buộc đối với toàn bộ NLĐ có việc làm, có thu nhập và tiền lương khi có đủ điều kiện cần thiết, Luật mới cũng đã có những quy định mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương; NLĐ làm việc không trọn thời gian (NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Với nhiệm vụ nghiên cứu thiết kế các gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với NLĐ trong khu vực phi chính thức, Luật BHXH 2024 cũng có những thay đổi lớn như quy định NLĐ tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm cả lao động nữ và nam) khi sinh con nếu đáp ứng đủ điều kiện (đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con) thì được hưởng trợ cấp bằng 2 triệu đồng cho một con (bằng mức mà NSNN đang hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người DTTS khi sinh con đúng chính sách dân số). Chế độ trợ cấp thai sản của BHXH tự nguyện do NSNN đảm bảo, người tham gia BHXH tự nguyện sẽ không phải đóng thêm so với hiện hành.
Ngoài ra, các chế tài xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, nhất là đối với các hành vi trốn đóng, trục lợi BHXH đã được xây dựng có tính hoàn thiện chặt chẽ hơn. Về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp được quy định, làm rõ nội hàm tại Điều 38 và Điều 39. Về biện pháp xử lý hành vi vi phạm về chậm đóng, trốn đóng BHXH bắt buộc, BH thất nghiệp quy định Điều 40 và Điều 41. Trong đó, đã quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền trốn đóng (như lĩnh vực thuế); xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật... Các quy định này đã được nghiên cứu xây dựng để nhằm nâng cao tính tuân thủ pháp luật về BHXH thông qua thực hiện đồng bộ các biện pháp hành chính, kinh tế, tư pháp để tăng số người tham gia BHXH, đi đôi với chú trọng tăng số người thụ hưởng quyền lợi BHXH, đặc biệt là chế độ hưu trí.
Vấn đề BHXH 1 lần, Luật BHXH 2024 cũng đã xây dựng phương án được cho là tối ưu nhất ở thời điểm hiện tại; bảo đảm tính kế thừa quy định hiện hành, không làm ảnh hưởng nhiều đến gần 18 triệu người đang tham gia BHXH nên sẽ hạn chế được việc gây xáo trộn trong xã hội. Điều kiện hưởng BHXH một lần được thể hiện tại điểm đ khoản 1 Điều 70 và điểm đ khoản 1 Điều 102. Theo đó, NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày Luật BHXH 2024 có hiệu lực thi hành (1/7/2025), đã chấm dứt tham gia BHXH, sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc mà cũng không tham gia BHXH tự nguyện, có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần. Quy định này cũng hướng tới tiếp cận theo tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế về BHXH và góp phần thích ứng với tốc độ già hóa dân số rất nhanh hiện nay ở nước ta. Về lâu dài, người tham gia mới sẽ chỉ còn hưởng BHXH một lần trong một số trường hợp đặc biệt nên sẽ góp phần gia tăng số người ở lại hệ thống để được thụ hưởng các chế độ của BHXH từ chính quá trình tích lũy, đóng BHXH; giảm gánh nặng cho cả xã hội, NSNN sau này ưu tiên cân đối nguồn lực để thực hiện các chính sách, chế độ mang tính chất bảo trợ xã hội.
Với những điểm mới trong Luật BHXH 2024, có thể thấy, Nghị quyết 28-NQ/TW đã được thể chế hóa một cách mạnh mẽ hơn. Quá trình cụ thể hóa các định hướng này sẽ còn tiếp tục, nhất là những vấn đề phải quy định trong các văn bản dưới Luật.
Bài: Minh Đức Đồ họa: Thanh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?