Luật BHXH 2024: Động lực phát triển người tham gia BHXH
27/08/2024 02:57 PM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
* PV: Từ góc nhìn của người làm công tác thu, ông có thể cho biết, các nội dung nào của Luật BHXH 2024 được dự báo sẽ tác động mạnh đến tốc độ gia tăng số người tham gia BHXH?
- Ông Dương Văn Hào:
Như mọi người đã biết, Luật BHXH 2024 có nhiều nội dung sửa đổi với những điểm mới tích cực. Theo chúng tôi, các nội dung này sẽ đem đến những tác động mạnh mẽ cho quá trình phát triển người tham gia BHXH trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ nhất, số người thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng hơn so với Luật BHXH 2014, bao gồm các nhóm như: Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố; NLĐ làm việc không trọn thời gian; người quản lý DN, người quản lý điều hành HTX không hưởng tiền lương. Như vậy, phạm vi bao phủ BHXH sẽ được mở rộng đáng kể, qua đó tạo động lực để đạt các chỉ tiêu về BHXH, BHYT đã được Đảng, Nhà nước đặt ra trong giai đoạn tiếp theo.
Thứ hai, việc mở rộng quyền lợi, đặc biệt là bổ sung chế độ hưởng thai sản vào chính sách BHXH tự nguyện và điều chỉnh số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu- là các yếu tố được kỳ vọng sẽ tăng sức hấp dẫn của chính sách BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng. Quá trình tuyên truyền, vận động BHXH tự nguyện sẽ có nhiều thuận lợi hơn.
Thứ ba, các quy định về hưởng BHXH một lần được xây dựng phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn, hướng tới mục tiêu khuyến khích NLĐ tham gia BHXH dài lâu. Đây cũng là nội dung được dự báo sẽ đem đến những thuận lợi đáng kể cho quá trình phát triển người tham gia BHXH trong giai đoạn tiếp theo, khắc phục được những hạn chế đã tồn tại nhiều năm trước đó.
Thứ tư, Luật BHXH 2024 đã dành cả một chương quy định về đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. Đây là hành lang pháp lý quan trọng để công tác quản lý thu, đóng BHXH được tổ chức một cách bài bản, hiệu quả hơn, nhất là các nội dung mới quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH.
Ngoài ra, còn có một số nội dung có liên quan đến thu, phát triển người tham gia được quy định gắn với trách nhiệm của các bộ, ngành, nhất là gắn với trách nhiệm của UBND các cấp. Tiêu biểu như, Điều 138 đã quy định: UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước HĐND cùng cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện chính sách BHXH, phát triển đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và chậm đóng BHXH bắt buộc, trốn đóng BHXH bắt buộc trong phạm vi địa phương.
Hay Khoản 1 Điều 30 quy định: Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các cấp phối hợp với cơ quan BHXH để tổ chức việc xác định đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; các cơ quan chủ quản CSDL quốc gia và CSDL chuyên ngành về lao động, dân cư, thuế, đăng ký DN có trách nhiệm kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu liên quan đến người tham gia và người thuộc diện tham gia BHXH với cơ quan BHXH theo quy định của Chính phủ.
Khuyến khích các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế-xã hội, khả năng cân đối ngân sách, kết hợp huy động các nguồn lực xã hội hỗ trợ thêm tiền đóng BHXH cho người tham gia BHXH tự nguyện và hỗ trợ thêm cho người hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (Khoản 6 Điều 6).
* Như ông nói, những nội dung mới hứa hẹn sẽ đem đến nhiều thuận lợi cho công tác thu và phát triển người tham gia BHXH. Vậy, trong quá trình thực hiện, liệu chúng ta có gặp khó khăn, thách thức?
- Với bất cứ luật nào cũng vậy, càng nhiều điểm mới thì quá trình thực hiện và cụ thể hoá lại càng phải đối mặt với nhiều khó khăn. Với Luật BHXH 2024 cũng vậy. Do tính chất đặc thù, phạm vi tác động rất rộng của chính sách, cũng như có sự liên quan đến nhiều bên, với hàng trăm nghìn đơn vị SDLĐ và hàng chục triệu NLĐ, nên quá trình triển khai chắc chắn sẽ có nhiều áp lực cho cơ quan BHXH.
Bên cạnh đó là một số vấn đề mới về giao dịch điện tử, quản lý thu BHXH cũng đòi hỏi phải được chuẩn bị thực hiện kỹ càng, bao gồm cả việc xây dựng văn bản pháp lý quy định chi tiết, xây dựng quy trình nghiệp vụ thông suốt từ cấp Trung ương tới từng cán bộ ở cơ sở... Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng sẽ phải chuẩn bị các yếu tố về phần mềm, hạ tầng công nghệ, đường truyền kỹ thuật, rà soát, sàng lọc, chuẩn hoá dữ liệu quản lý thu và người tham gia BHXH, để đảm bảo các yêu cầu được thực hiện có tính chuyển tiếp giữa luật cũ và luật mới.
Đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc được mở rộng, đồng nghĩa với trách nhiệm thực hiện của cơ quan BHXH sẽ lớn hơn, chỉ tiêu phát triển BHXH hằng năm sẽ tăng theo. Do đó, đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn nữa…
Nêu khái quát một vài điểm như vậy để thấy rằng, sẽ có một khối lượng lớn công việc cần phải triển khai, chuẩn bị kỹ càng từ nay cho đến thời điểm Luật BHXH 2024 chính thức có hiệu lực. Xét về mặt thời gian cũng như mức độ phức tạp của các nội dung công việc cần phải làm, khó khăn và áp lực là không hề nhỏ.
Hiện nay, chúng tôi cũng đang cố gắng chủ động triển khai từng bước các nội dung công việc cần phải làm. Tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các vụ, ban chuyên môn của các bộ, ngành để chuẩn bị từ “sớm, từ xa” các điều kiện nhằm đảm bảo thực hiện Luật BHXH 2024 một cách hiệu quả nhất từ 1/7/2025.
* Khó khăn, thách thức là rất lớn. Vậy, ông có đề xuất, kiến nghị gì để quá trình thực hiện Luật BHXH 2024 nói chung và các nội dung liên quan đến công tác thu, phát triển người tham BHXH nói riêng được thuận lợi?
- Với trách nhiệm tham mưu giúp Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam chỉ đạo các nội dung liên quan đến quản lý công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, chúng tôi vẫn luôn cố gắng huy động các nguồn lực, tập trung thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ được giao, để đảm bảo thực hiện Luật BHXH 2024 được hiệu quả.
Một mặt, chúng tôi đề nghị các vụ, ban chuyên môn của các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ để cùng tham mưu cho Chính phủ ban hành các nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật BHXH 2024. Mặt khác, chúng tôi cũng mong các các cấp, các ngành, đơn vị, đặc biệt là lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm đến việc tổ chức tuyên truyền các điểm mới của Luật BHXH 2024.
Như đã biết, các điểm mới của Luật BHXH 2024 đã cụ thể hoá mạnh mẽ các định hướng chỉ đạo của Đảng về cải cách chính sách BHXH được nêu rõ trong Nghị quyết số 28/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII. Để quá trình thực hiện Luật được thuận lợi, hiệu quả, nhất là các nội dung mới, liên quan đến các nhóm đối tượng, nhóm đơn vị SDLĐ, rất cần nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Chỉ khi NLĐ và các đơn vị SDLĐ hiểu và đồng thuận, quá trình thực hiện Luật BHXH 2024 mới thực sự đi vào cuộc sống, có hiệu quả thực chất.
Thực tế là, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước và UBND các cấp đã được nêu rõ trong Luật BHXH 2024. Hy vọng rằng, các nội dung này sẽ được triển khai tốt trong thực tiễn, qua đó tạo động lực phát triển BHXH, BHYT trong giai đoạn tiếp theo.
Với BHXH các địa phương, chúng tôi đề nghị tích cực nghiên cứu, hiểu sâu các nội dung mới của Luật. Trên cơ sở đó, tiếp tục tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương để đảm bảo triển khai hiệu quả. Nêu cao tinh thần chủ động, rà soát dữ liệu, thống kê chi tiết, phân tích dự báo các tác động tương ứng với các điểm mới, các nhóm thuộc diện tham gia... từ đó đảm bảo sẵn sàng các phương án triển khai trong thực tế. Chủ động theo sát các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam để triển khai tuyên truyền “từ sớm, từ xa” các nội dung mới của Luật BHXH 2024, nhằm nâng cao nhận thức, sự đồng thuận trong hệ thống chính trị, đơn vị SDLĐ và người dân ở địa phương.
Với Luật BHXH 2024, chúng tôi hy vọng rằng, các kết quả nêu trên sẽ tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, góp phần bảo đảm ngày càng tốt hơn an sinh xã hội đất nước. Để đạt được mục tiêu đó, rất cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, để phát triển BHXH ngày một hiệu quả, bền vững hơn.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Đức (Thực hiện) Đồ họa: Thanh An
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?