An toàn, vệ sinh lao động - những vấn đề cần quan tâm
02/06/2020 09:58 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BT- Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế cho thấy Ðảng, Nhà nước đặt nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho nhân dân trong lao động, sản xuất là nhiệm vụ rất quan trọng. Đặc biệt khi làn sóng dịch chuyển các nhà máy, cơ sở sản xuất của các tập đoàn lớn nước ngoài từ các nước đến Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, Chỉ thị 29-CT/TW sẽ càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết trong công tác phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động.
Ảnh (Đ Hòa.)
Tại Bình Thuận hiện có khoảng 77.700 lao động đang làm việc tại 3.750 doanh nghiệp; trong đó có 750 doanh nghiệp có cơ cấu tổ chức khá đầy đủ các phòng ban, có mối liên hệ và thường xuyên cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính với Nhà nước; trong số đó có khoảng 225 doanh nghiệp hoạt động liên quan đến một số ngành nghề độc hại, nguy hiểm, có rủi ro cao, số doanh nghiệp còn lại có quy mô nhỏ, không thường xuyên cung cấp thông tin, tình hình lao động cho cơ quan quản lý nhà nước. Trong hơn 5 năm qua, toàn tỉnh đã xảy ra 105 vụ tai nạn lao động, làm 107 người bị nạn; trong đó có 31 vụ làm chết 33 người. Tổng số lao động mắc bệnh nghề nghiệp được lập hồ sơ theo dõi đến nay gồm: Bệnh điếc nghề nghiệp 37 trường hợp, bệnh bụi phổi silic 39 trường hợp. Các vụ tai nạn trong quá trình lao động gây chết người xảy ra phần lớn là do lỗi của người sử dụng lao động không xây dựng quy trình vận hành an toàn cho từng loại máy móc, thiết bị, công việc cụ thể; không thường xuyên kiểm định máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động; người lao động không được huấn luyện về ATVSLĐ; một số lao động do chủ quan trong thao tác công việc dẫn đến bị tai nạn...
Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế tại Bình Thuận trong những năm vừa qua cho thấy, công tác ATVSLĐ đã được các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh bằng các hình thức phù hợp, đã thường xuyên tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động, các doanh nghiệp, đoàn viên, hội viên và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ. Sự nỗ lực của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã mang lại những kết quả quan trọng trong công tác ATVSLĐ trong thời gian vừa qua. Song bên cạnh đó vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém trong công tác ATVSLĐ. Nhiều tổ chức, cá nhân sử dụng lao động chưa nêu cao trách nhiệm, vi phạm các quy định pháp luật về ATVSLĐ; phần lớn người lao động còn hạn chế về kiến thức, kỹ năng và thiếu chủ động trong phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chưa thực hiện đúng quy định về khám, kiểm tra sức khỏe định kỳ; tình trạng mất ATVSLĐ tại các cơ quan, doanh nghiệp, khu vực nông nghiệp, nông thôn, làng nghề xảy ra khá phổ biến; tai nạn lao động, người bị tai nạn, người mắc bệnh nghề nghiệp có xu hướng gia tăng; trong đó, có nhiều vụ nghiêm trọng, gây tổn thất lớn về người và tài sản, để lại hậu quả nặng nề, lâu dài cho người lao động và xã hội.
Nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém, tăng cường chủ động phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người lao động trong thời gian tới; việc đầu tiên cần triển khai thực hiện là các ngành chức năng phải đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, giáo dục để không ngừng nâng cao nhận thức, ý thức chủ động, bảo đảm ATVSLĐ trong mọi tầng lớp nhân dân; thường xuyên tổ chức các hoạt đồng phổ biến kinh nghiệm, phương pháp và kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp và toàn xã hội; khắc phục triệt để tình trạng người sử dụng lao động vi phạm các quy định, không thực hiện trách nhiệm bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động và việc người lao động mới chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập mà xem nhẹ bảo đảm ATVSLĐ cho chính mình. Bên cạnh đó, phải tăng cường công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng ngừa tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và bảo đảm ATVSLĐ cho người lao động; chương trình đào tạo, huấn luyện kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo vệ sinh lao động phải phù hợp với quá trình đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất trong từng lĩnh vực; đồng thời cần đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học – công nghệ trong sản xuất, sử dụng trang thiết bị bảo đảm ATVSLĐ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động, đặc biệt là trong những ngành nghề, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo đảm có đủ phương tiện cá nhân thiết yếu, phương tiện cấp cứu, cứu hộ, các trang thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động. Để thực hiện tốt những nội dung trên, các ngành chức năng cần tăng cường, củng cố đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác ATVSLĐ tại các đơn vị, doanh nghiệp, thực hiện đầy đủ các cơ chế, chính sách về ATVSLĐ; thực hiện nghiêm túc chính sách bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động khi bị tai nạn và thân nhân của họ, thường xuyên tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe người lao động qua đó phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động; củng cố và hoàn thiện các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động cho người lao động. Tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác bảo đảm ATVSLĐ; mở rộng các hình thức bảo hiểm, bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động linh hoạt theo ngành, theo từng lĩnh vực...
Nếu chúng ta thực sự quan tâm thực hiện tốt những vấn đề nêu trên, tập trung thực hiện tốt Chỉ thị số 29-CT/TW về đẩy mạnh công tác ATVSLĐ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, công tác ATVSLĐ trong thời gian tới sẽ có những chuyển biến tích cực, tạo ra môi trường xanh, sạch và an toàn cho người lao động, qua đó phát huy tối đa khả năng đóng góp của người lao động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Huy Toàn
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?