Hướng đến kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập huyện Hàm Thuận Nam (1/6/1983 - 1/6/2023): Tăng tỷ lệ bảo hiểm y tế góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân
21/04/2023 10:43 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
28 năm kể từ tháng 9/1995 đến nay, Bảo hiểm xã hội (BHXH) huyện Hàm Thuận Nam không ngừng nỗ lực, vượt khó để thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) cho người dân, góp phần mở rộng độ bao phủ và tiến tới BHYT toàn dân.
Tăng từng năm
Tham gia BHYT vốn dĩ chưa thu hút người dân. Một phần vì mới, phần khác vì người dân chưa hiểu giá trị của nó như thế nào. Tình hình vận động mua bảo hiểm ở Hàm Thuận Nam cũng không ngoại lệ. Nhớ lại năm 1995, toàn huyện có 31.430 người tham gia BHYT, chủ yếu thuộc diện bắt buộc. Lúc này, BHXH huyện Hàm Thuận Nam chỉ khai thác khoảng 50% người thuộc diện bắt buộc tham gia BHYT thuộc khối doanh nghiệp, do các doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể trốn đóng BHYT cho người lao động ở mức cao. Năm 1996 triển khai thí điểm chính sách BHYT tự nguyện, quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện phải có ít nhất 10% dân số trên địa bàn xã, thị trấn đăng ký tham gia. Vì vậy, khó khăn bủa vây khi tuyên truyền vận động người dân tham gia BHYT.
Ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình tại Hàm Thuận Nam.
Thế nhưng, sau một thời gian kiên trì vận động, bảo hiểm Hàm Thuận Nam cũng đã thu về kết quả tốt. Huyện có khoảng 120.800 dân và số người tham gia BHYT tăng theo từng năm. Cụ thể, năm 2022 có 108.394 người tham gia BHYT. Đáng chú ý, do ảnh hưởng của tình hình dịch Covid-19 trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp ở huyện hoạt động cầm chừng, tạm ngưng hoạt động. Đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn, thu nhập giảm sút do giá cả thanh long không ổn định. Không chỉ thế, theo Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ, xã Hàm Cần có 2.606 người dân tộc thiểu số không còn được thụ hưởng chính sách BHYT do ngân sách nhà nước đóng và tại xã Mỹ Thạnh chỉ còn 873 người dân được thụ hưởng chính sách này. Thế nhưng, 3 tháng đầu năm 2023 có 105.092 người tham gia BHYT, với tỷ lệ bao phủ đạt 87% dân số toàn huyện.
Cùng với đó, quyền lợi thụ hưởng BHYT được mở rộng giúp người bệnh có thẻ BHYT tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế; được quỹ BHYT chi trả khám chữa bệnh đúng tuyến. Đặc biệt, người nghèo và cận nghèo giảm gánh nặng chi phí điều trị khi mắc bệnh. Năm 2022, số lượt khám chữa bệnh là 111.649 lượt người, với tổng số tiền thanh toán 28.930 tỷ đồng; có 29.462 lượt người khám chữa bệnh vào 3 tháng đầu năm 2023, với số tiền thanh toán 7.508 tỷ đồng.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Để đạt được những kết quả nêu trên, trước hết nhờ Luật BHYT mở rộng phạm vi quyền lợi của người tham gia BHYT. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ y, bác sĩ ở các tuyến được đầu tư cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về chính sách BHYT. Cùng với đó, BHXH huyện Hàm Thuận Nam thực hiện sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH tỉnh, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện và tích cực phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, các hội đoàn thể, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn cùng với sự nỗ lực của tập thể viên chức, người lao động quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành. Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Thanh Mộng - Giám đốc BHXH huyện Hàm Thuận Nam.
Theo ông Mộng, đổi mới công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp với từng gia đình… Chẳng hạn, BHXH huyện ra quân tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình tại địa bàn có tỷ lệ thấp. Mỗi đợt ra quân, các viên chức đến các khu dân cư, hộ gia đình để phổ biến chính sách, Luật BHYT, tư vấn giải thích cặn kẽ cái lợi khi mua thẻ BHYT và gánh nặng chi phí khi điều trị mà không có thẻ… Các hội đoàn thể, trưởng thôn chung tay tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT theo phương thức đóng linh hoạt, phù hợp hoàn cảnh gia đình; vận động các nhà hảo tâm tặng thẻ BHYT cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cấp thẻ BHYT cho người thuộc diện chính sách và người tham gia mua theo hộ gia đình đầy đủ, kịp thời và chính xác. Các tổ chức dịch vụ thu tăng cường vận động người dân đáo hạn thẻ BHYT.
Đồng thời, BHXH huyện tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, các đoàn thể và các tổ chức chính trị, xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân sinh sống ở vùng khó khăn, miền núi, các xã bãi ngang ven biển; người mới thoát nghèo không còn thụ hưởng chính sách BHYT mà chuyển sang tự mua BHYT hoặc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tích cực tham gia BHYT.
TRANG MINH
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Phóng sự kỷ niệm Ngày BHYT Việt Nam 01/7/2024: ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?