Thế nào là phạm tội chuyên nghiệp, thủ đoạn tinh vi trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp?

21/08/2019 04:56 PM


Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao vừa ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng Điều 214, 215, 216 của Bộ luật Hình sự; trong đó xác định rõ mức độ phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BH thất nghiệp.

Cụ thể, Điều 3 của Nghị quyết xác định:

Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (quy định tại điểm b khoản 2 các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự): là trường hợp người phạm tội thực hiện hành vi gian lận BHXH, BHYT, BH thất nghiệp từ 05 lần trở lên (không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích) và người phạm tội lấy khoản lợi bất chính thu được từ việc phạm tội làm nguồn thu nhập.

Phạm tội dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt (quy định tại điểm đ khoản 2 các điều 214 và 215 của Bộ luật Hình sự): là trường hợp người phạm tội sử dụng công nghệ cao, móc nối với người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan nhà nước hoặc thủ đoạn gian dối, mánh khóe khác để tiêu hủy chứng cứ, che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm.

Ngoài ra, Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án Nhân dân tối cao cũng hướng dẫn xác định:

Phạm tội 02 lần trở lên (quy định tại điểm a khoản 2 Điều 216 của Bộ luật Hình sự): là trường hợp đã thực hiện hành vi phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp cho người lao động từ 02 lần trở lên nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.

Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động (quy định tại điểm d khoản 2 và điểm c khoản 3 Điều 216 của Bộ luật Hình sự): là trường hợp người sử dụng lao động đã thu hoặc đã khấu trừ tiền đóng bảo hiểm từ tiền lương tháng đóng bảo hiểm của người lao động nhưng không đóng cho cơ quan bảo hiểm./.

PV