Tạo điều kiện để người dân tham gia BHXH tự nguyện
26/09/2019 11:15 AM
Hiện tại bài viết chưa được cập nhật nội dung Âm thanh. Xin cảm ơn.
BHXH tự nguyện là loại hình BHXH do Nhà nước tổ chức, người tham gia được tự nguyện lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình để hưởng chế độ hưu trí và tử tuất.
Tuy nhiên, cho đến nay tốc độ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện còn rất chậm, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển BHXH toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH.
Cải cách TTHC tạo thuận lợi cho người tham gia BHXH tự nguyện (Ảnh minh họa)
Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện là công dân Việt Nam đủ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, gồm: người lao động (NLĐ) làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng trước ngày 1/1/2018, NLĐ làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 1 tháng từ ngày 1/1/2018 trở đi; người không chuyên trách ở thôn, ấp, bản, tổ, khu phố; NLĐ giúp việc gia đình; người tham gia các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không hưởng lương; nông dân, lao động tự tạo việc làm gồm những người tự tổ chức hoạt động lao động để có thu nhập cho bản thân và gia đình…
Về mức đóng, người tham gia BHXH tự nguyện hàng tháng đóng bằng 22% mức thu nhập tháng do bản thân lựa chọn để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.
Về phương thức đóng, có thể lựa chọn đóng hàng tháng, 3 tháng đóng 1 lần, 6 tháng đóng 1 lần, 12 tháng đóng 1 lần, hoặc đóng 1 lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm 1 lần. Đặc biệt, đối với trường hợp đóng 1 lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia BHXH đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Hiện, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng theo tỷ lệ phần trăm (%) trên mức đóng BHXH hàng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, bằng: 30% đối với người tham gia thuộc hộ nghèo, 25% với người thuộc hộ cận nghèo, 10% đối với đối tượng khác. Thời gian hỗ trợ tùy thuộc vào thời gian tham gia BHXH tự nguyện thực tế của mỗi người, nhưng không quá 10 năm.
Để đăng ký tham gia, người tham gia BHXH tự nguyện lập, kê khai và nộp hồ sơ, nộp tiền cho đại lý thu hoặc cho BHXH cấp huyện nơi cư trú theo mức đóng và phương thức đóng đã đăng ký, nhận biên lai thu tiền đóng BHXH từ đại lý thu hoặc cơ quan BHXH và nhận hồ sơ trong thời hạn 5 ngày, nhận thông báo mã số BHXH, kết quả đóng BHXH từ cơ quan BHXH hoặc tại đại lý thu…
Đẩy mạnh truyền thông về lợi ích của chính sách BHXH tự nguyện
Theo số liệu thống kê, trong năm đầu tiên thực hiện chính sách BHXH tự nguyện (2008) có 6.110 người tham gia. Và mỗi năm thêm trung bình khoảng 35 nghìn người. Năm 2015, số người tham gia cao nhất là hơn 217 nghìn người, năm 2016 con số này giảm xuống còn hơn 202 nghìn người do thay đổi về chính sách dẫn đến cán bộ không chuyên trách ở cấp xã chuyển từ tham gia BHXH tự nguyện sang BHXH bắt buộc. Còn tính đến hết tháng 3/2019 đạt 295 nghìn người tham gia BHXH tự nguyện.
Theo đánh giá, tốc độ phát triển người tham gia BHXH tự nguyện còn rất chậm, nguyên nhân được chỉ ra là do Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc như chủ hộ kinh doanh cá thể, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; quy định của pháp luật về BHXH thì trước năm 2018 người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng chưa thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nên trước năm 2018 những người lao động làm việc theo hình thức hợp đồng này chưa tham gia BHXH.
Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến hết năm 2017 người dân tham gia BHXH tự nguyện chưa được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng BHXH; quy định về điều kiện thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu khá khắt khe (phải đủ 20 năm) dẫn đến tình trạng nhiều người có thời gian đóng BHXH dài, thậm chí gần đủ 20 năm nhưng vẫn rời khỏi hệ thống bằng việc hưởng BHXH một lần mà không đóng tiếp để hưởng lương hưu; chính sách BHXH tự nguyện chỉ thực hiện hai chế độ là hưu trí, tử tuất nên chưa đáp ứng được nhu cầu của những người có khả năng tham gia nhiều chế độ hơn; công tác tổ chức dịch vụ về BHXH để người dân tiếp cận chưa hấp dẫn, đặc biệt ở nông thôn, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa...
Theo mục tiêu trong Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH: Đến năm 2021, phấn đấu có khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng, trợ cấp xã hội.
Đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp xã hội.
Để thực hiện mục tiêu đề ra, ngành BHXH đang nỗ lực thực hiện cải cách chính sách BHXH, trong đó từng bước phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại và hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng, hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Tổ chức thực hiện tốt chế độ BXHH tự nguyện có sự hỗ trợ của Nhà nước, giải quyết, chi trả các chế độ BHXH kịp thời, đầy đủ đến người tham gia; đơn giản hóa quy trình, thủ tục tham gia; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ tiếp cận dịch vụ BHXH qua việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, ngân hàng...
PV
Nghiên cứu ứng dụng AI vào nghiệp vụ của Ngành ...
Bảo hiểm xã hội: Có nên rút BHXH một lần?
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT, ...
Tuyên truyền, đối thoại chính sách BHXH, BHYT cho người lao ...
Phú Quý: Tổ chức khảo sát ý kiến người dân, doanh nghiệp ...
Hội đồng Nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách ...
Vai trò Nhà trường trong công tác bảo hiểm y tế Học sinh - ...
Phú Quý: Tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện với người ...
Bạn đánh giá thế nào về chất lượng phục vụ, cơ sở hạ tầng ngành BHXH Bình Thuận ?